Chuyên gia kinh tế Daniel Müller, thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á-Thái Bình Dương (OAV). (Nguồn: OAV) |
Ông Daniel Müller nhận định rằng các chức vụ Thủ tướng, Chủ tịch nước hay Chủ tịch Quốc hội đều là những người có quan điểm rất thực tế, đều tích cực hành động hướng tới các mục tiêu và kết quả cụ thể.
Với chính phủ mới, ông Müller cho rằng Việt Nam sẽ kiên định với đường lối chính trị được đề ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Về mặt kinh tế, theo ông Müller, quá trình công nghiệp hóa sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, kết hợp với gia tăng năng suất lao động. Ngoài ra, gánh nặng chi phí hành chính sẽ tiếp tục được giảm bớt và quá trình chuyển đổi số sẽ gia tăng nhanh chóng.
Đại dịch Covid-19 đã chỉ ra việc số hóa toàn diện có thể mang lại hiệu quả cao như thế nào và mức độ số hóa đến đâu thì có thể góp phần cải thiện khả năng phục hồi kinh tế. Do đó, dự kiến chính phủ mới sẽ tập trung nguồn lực để phát triển lĩnh vực này và các lĩnh vực mới khác như trí tuệ nhân tạo.
Chuyên gia của OAV cũng cho rằng tân Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiếp nối truyền thống của những vị Thủ tướng trước đó của Việt Nam, có thể vận dụng tốt những kinh nghiệm đã kinh qua ở nhiều vị trí công tác.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều kỳ vọng vào nỗ lực tinh giản bộ máy hành chính và đưa bộ máy này hoạt động hiệu quả hơn.
Trong khuôn khổ "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", cả Đức và EU đều mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với các nước ASEAN và các quốc gia châu Á khác. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có cơ hội tốt để thể hiện mình là một đối tác hấp dẫn và là cây cầu kết nối khu vực ASEAN với thế giới.