Tấn công Nga bằng 'rocket' trừng phạt, Washington để lộ điểm yếu trên mặt trận kinh tế?. (Nguồn: Tfiglobalnews) |
"Các lệnh trừng phạt chống lại Nga là một công cụ tấn công trong chiến tranh kinh tế, nhưng nó sẽ phản tác dụng, có thể 'quay xe' chống lại Mỹ và các đồng minh của họ, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm trong ngắn hạn. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt đang làm tổn hại đến chính sự thống trị của đồng USD trong dài hạn", Michael Wilkerson, người sáng lập Stormwall.com, cũng là chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm với tư cách là nhà đầu tư vào các thị trường mới nổi, cố vấn tài chính và điều hành tại nhiều tổ chức và định chế tài chính lớn, chia sẻ quan điểm.
Lệnh trừng phạt là một công cụ chính trị?
"Người Nga đã miệt mài vực dậy nền kinh tế trong gần một thập kỷ qua, nhằm vượt lên sự trừng phạt từ Mỹ và phương Tây. Họ đã cho thấy, các biện pháp trừng phạt hiếm khi có tác dụng bởi vì tác động có xu hướng được tạo ra bởi chính quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt", Wilkerson nhận định.
Mỹ và các nước G7 đã gặp nhau vào cuối tháng 6 vừa qua tại Đức, để thảo luận về các biện pháp trừng phạt tiếp theo nhằm vào chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong số các biện pháp trừng phạt này có lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga. Các nước G7 đã cố tình áp đặt giới hạn đối với giá dầu của Nga, biện pháp này sẽ đặt ra mức trần đối với giá dầu xuất khẩu của Nga một cách hiệu quả.
Nga đã lên án những ý tưởng kiểm soát giá dầu của họ. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuần trước nói rằng "một nỗ lực mới của Mỹ và phương Tây nhằm can thiệp vào cơ chế thị trường có thể chỉ dẫn đến sự mất cân bằng của thị trường... động thái này sẽ chỉ dẫn đến sự tăng giá".
Trên thực tế, tác động của các lệnh trừng phạt sẽ được Mỹ cảm nhận nhiều hơn so với Nga, theo quan điểm của chuyên gia Wilkerson. Ông cho rằng, nó sẽ gây thiệt hại cho chính các quốc gia áp dụng hình phạt trong ngắn hạn và dài hạn.
Ông Wilkerson nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt có một lịch sử lâu dài về việc không đạt được kết quả như mong muốn.
Nếu quay ngược lại lịch sử, mọi người có thể nhìn vào lịch sử lâu dài của các lệnh trừng phạt được áp dụng trong thế kỷ 20, hoặc thậm chí trước đó, hiếm khi hoạt động như một vấn đề kinh tế mà thường phản tác dụng.
Các lệnh trừng phạt rõ ràng là một công cụ chính trị, “Được rồi, chúng tôi không chuẩn bị tham gia vào một cuộc chiến tranh, một cuộc chiến tranh nóng bỏng. Chúng ta có thể làm gì để báo hiệu cho đối thủ, rằng chúng ta sẽ không ủng hộ điều này? Chúng ta sẽ không giao dịch với kẻ thù, chắc chắn là như vậy. Vậy chúng ta có thể làm gì?", Wilkerson nói.
Thực tế, các biện pháp trừng phạt đang gây ra hậu quả kinh tế ngoài thị trường năng lượng. “Chúng ta có thể thấy điều đó khi tình trạng thiếu lương thực và khẩu phần ăn... đã xuất hiện ngay mùa Hè này, đó sẽ là một sự kiện khủng khiếp và không cần thiết", chuyên gia Wilkerson nêu các vấn đề.
“Tôi nghĩ điều mà chúng ta phải nhớ, những thực tế này không được nói với công chúng Mỹ hay châu Âu, rằng các biện pháp trừng phạt là một hình thức chiến tranh. Phong tỏa, cấm vận, trừng phạt, nói ngắn gọn cũng là một cuộc chiến tranh nóng bỏng, chúng là một hoạt động thời chiến và tôi không tin người dân Mỹ bỏ phiếu cho điều đó hoặc ủng hộ nó.
Hầu hết người Mỹ không muốn chúng tôi tham gia vào cuộc sung đột ở Ukraine, nhưng chúng tôi đã làm như vậy. Vì vậy, tôi nghĩ, chúng ta phải nhớ rằng, chắc chắn từ quan điểm của Moscow, họ coi đây là một hành động chiến tranh", theo quan điểm của Michael Wilkerson.
Theo ông, điều quan trọng ở đây là, vì các biện pháp trừng phạt là một hành động chiến tranh, nên chúng có khả năng làm leo thang căng thẳng thành một cuộc chiến tranh nóng.
Bất kỳ ai bị dồn vào đường cùng cũng sẽ chiến đấu đến chết. Michael Wilkerson cho rằng, Mỹ và phương Tây đang sai lầm khi nhân đôi nỗ lực dồn Nga vào thế khó. Trong đó, có động thái NATO gần đây đã mời Phần Lan và Thụy Điển tham gia liên minh. Wilkerson lập luận rằng, điều này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình vì chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine được thúc đẩy nhiều nhất bởi lo ngại nước này sẽ gia nhập NATO.
Đưa ra một giải pháp nhằm giải tỏa căng thẳng hiện nay, Wilkerson cho rằng, thay những đòn trừng phạt, phương Tây nên theo đuổi chính sách tạo ra một khu vực trung lập giữa Tây Âu và Nga. “Tôi nghĩ, đó là cách duy nhất để Ukraine duy trì độc lập và sự độc lập đó ngày nay rất không rõ ràng", nhà sáng lập của Stormwall.com bình luận.
Nếu Nga thành công?
Theo chuyên gia này, các lệnh trừng phạt đối với vàng của Nga sẽ ít ảnh hưởng hơn đến nỗ lực quân sự của Tổng thống Putin.
Bởi "so với dầu mỏ và khí đốt, vàng là mặt hàng thế mạnh thứ ba của Moscow hoặc là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất. Ông không nghĩ rằng, lệnh trừng phạt nhằm vào vàng có hệ quả nào khác, cũng giống như với dầu và khí đốt, Nga sẽ lại tìm thấy một “ngôi nhà khác” cho nó. Trên thực tế, Nga đã tăng thêm lượng vàng dự trữ trong kho của mình và dường như đang dần neo giá trị đồng Ruble với vàng.
Bình luận trên của Wilkerson được đưa ra khi giá vàng giảm thêm 2% vào thứ Ba vừa qua (5/7), do đồng USD mạnh lên. Tuy nhiên, về dài hạn, các nhà đầu tư có thể thấy sức mạnh của đồng USD bị xói mòn. Chính việc vũ khí hóa đồng USD sẽ làm hỏng vị thế của nó trong dài hạn với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu duy nhất.
"Theo kinh tế học Keynes, phương Tây ngày càng bị thuyết phục rằng, họ cần phải rời bỏ chế độ bản vị vàng để trở thành một loại tiền tệ dựa trên thiện chí và tín dụng của các chính phủ. Điều đó đã có tác dụng trong một thời gian dài, nhưng nó cũng khiến các chính phủ ngày càng lâm vào cảnh thâm hụt và tăng nợ.
Trong khi đó, kế hoạch của Nga là hạn chế việc tạo ra quá nhiều tiền trong nền kinh tế và tạo điều kiện cho lạm phát tăng mạnh, họ cần hỗ trợ đồng tiền quốc gia bằng các tài sản có giá trị như vàng. Những gì Nga đã làm là họ đã công bố ý định… hỗ trợ đồng nội tệ Ruble bằng vàng và các mặt hàng khác.
Vì vậy, không hẳn là Nga sẽ quay trở lại bản vị vàng… mà về cơ bản là lần đầu tiên đồng Ruble thực sự được hỗ trợ bởi một loại tài sản nào đó có thật”, Michael Wilkerson bình luận.
Giá trị của đồng Ruble sẽ được hỗ trợ bởi giá trị của các tài sản vật chất cơ bản do ngân hàng trung ương nắm giữ, trong khi đồng USD và đồng Euro chỉ được hỗ trợ bởi "niềm tin và tín dụng" của các chính phủ phát hành, mà các chính sách đối với lạm phát hiện nay đang ngày càng trở nên sai lệch.
Nếu được thực hiện thành công, đây sẽ là lần gần nhất mà thế giới được chứng kiến về "tiền cứng" trong hơn một thế kỷ qua, theo Wilkerson.
Bằng cách thực hiện nước đi này, dường như Nga đang dẫn dắt hệ thống tiền tệ toàn cầu đi theo một con đường khác. Nếu thành công, đồng Ruble của Nga có thể trở thành một trong những loại tiền tệ mạnh nhất thế giới. Hệ thống đồng USD và thanh toán toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.