Năm 2019 là một năm thành công đối với kinh tế Việt Nam, theo chuyên gia Nga. (Nguồn: VOV) |
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2019 đạt 7,02%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.
Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức tài chính thế giới khác dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 đạt 6,9%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vượt qua hầu hết các nước Đông Nam Á, chưa nói đến Đông Á. Trong bối cảnh rộng hơn, ADB đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế châu Á xuống còn 5,2% vào năm 2019 và 2020.
Những con số này trước hết cho thấy, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Các chỉ số kinh tế vĩ mô đều tốt. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,02 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo chuyên gia Vladimir Mazyrin, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế của nhiều quốc gia, khiến các nước này mất dần sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Trong khi đó, sự tăng trưởng ổn định lâu dài và chính trị ổn định khiến Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn và trở thành trung tâm thu hút vốn nước ngoài.
Việt Nam cũng đang tiếp tục hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu. Thặng dư thương mại nước ngoài ngày càng tăng trong năm thứ tư liên tiếp. Đáng chú ý, vào giữa tháng 12/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt mức 400 tỷ USD và đến nửa cuối tháng 12/2019, trị giá xuất nhập khẩu đã cán mốc 500 tỷ USD.
Cụ thể, Bộ Công thương ngày 27/12 cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu đến hết tháng 12 ước đạt gần 517 tỷ USD, tăng xấp xỉ 8% so với 2018. Thành tựu này thậm chí đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh tại nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, xuất nhập khẩu đang có chiều hướng đi xuống.
Thu nhập tăng nhanh, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, do đó tiêu dùng trong nước cùng với xuất khẩu là động lực chính của phát triển kinh tế. Tỷ lệ của khu vực kinh tế công và tư nhân thay đổi, kinh tế tư nhân đang tăng lên.
“Mỗi quốc gia đều có chu kỳ kinh tế của mình. Chu kỳ này ở Việt Nam trung bình kéo dài khoảng 10 năm. Việt Nam đang có tất cả các điều kiện để nền kinh tế năm 2020 tiếp tục phát triểm”, Giáo sư Vladimir Mazyrin khẳng định.