Tàu Trung Quốc tập trận tại bờ biển Đông Nam. (Nguồn: AFP) |
Khả năng leo thang căng thẳng
Nhận định về hành động phi pháp của nhóm tàu Trung Quốc tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam gần với khu vực bãi Tư Chính, nhà nghiên cứu Swee Lean Collin Koh thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng, Đại học Nanyang (Singapore) cho rằng, các hành động này là nhằm mục đích không để cho nước nào có thể thăm dò và khai thác dầu khí tại “vùng biển tranh chấp” nếu không có sự đồng ý của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự kiện bãi Tư Chính chỉ là một trong những hành động gây hấn quân sự của Trung Quốc gần đây. Trước các hoạt động tăng cường quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông, Nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsuhito Asano bình luận: “Trung Quốc không những xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, mà còn gia tăng những hành động quân sự hóa tại Biển Đông trong thời gian gần đây. Đây là một động thái nhằm kích động chiến tranh, coi thường luật pháp và dư luận quốc tế”.
Về phần mình, Tiến sĩ Rajaram Panda, Nghiên cứu viên cao cấp của Quốc hội Ấn Độ trong bài viết đăng tải trên trang Eurasiareview đã đưa ra cảnh báo, nếu vụ việc này không được xử lý cẩn thận, căng thẳng có thể nhanh chóng leo thang.
Giải thích cho nhận định này, Tiến sĩ Panda cho rằng, việc Trung Quốc liên tục bác bỏ những nỗ lực hòa giải từ bên ngoài và chỉ khăng khăng muốn giải quyết vấn đề ở Biển Đông với từng nước đơn lẻ có liên quan là nhằm dễ dàng áp đặt ý chí chủ quan lên các nước láng giềng nhỏ hơn và tiếp tục khoa trương về nỗ lực của Bắc Kinh trong việc xây dựng “hòa bình và ổn định” theo quan điểm của riêng Trung Quốc bằng cách cưỡng ép các nước nhỏ hơn.
Trao đổi với VnExpress, Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương (Mỹ), với hành động ngang ngược lần này, Trung Quốc có mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Mục tiêu xuyên suốt của Trung Quốc là vượt Mỹ, trở thành số một trên thế giới. Bắc Kinh theo đuổi mô hình muốn trở thành cường quốc toàn cầu thì cần là cường quốc biển. Trung Quốc hiểu rõ muốn thực hiện điều đó thì cần giành thế thượng phong ở Biển Đông và Hoa Đông. Do đó, việc hiện thực hóa “Đường lưỡi bò” sẽ giúp Bắc Kinh đạt được các mục tiêu chiến lược này.
Còn trong ngắn hạn, Bắc Kinh đang áp dụng “áp lực tối đa” với các bên trong ASEAN cùng có tranh chấp, nhắm đến việc ép các nước chấp nhận các điều khoản theo ý Trung Quốc trong Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Giải pháp nào cho Biển Đông?
Trước những diễn biến căng thẳng tại Biển Đông, phân tích trên tờ South China Morning Post, Tiến sĩ người Mỹ gốc Ấn Parag Khanna, Giám đốc công ty tư vấn chiến lược FutureMap, trụ sở ở Singapore gợi ý, cơ chế trọng tài sẽ mang đến giải pháp tổng thể và lâu dài cho các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tiến sĩ Khanna nhận định, tranh chấp chủ quyền sẽ không thể được giải quyết dựa trên những tuyên bố chính trị, mà cần được giải quyết thông qua “cơ chế trọng tài sáng tạo giúp tìm ra giải pháp lâu dài, thống nhất, thậm chí có lợi cho tất cả các bên”.
Người đứng đầu công ty FutureMap cho rằng, một tiến trình trọng tài mới với các thành phần chính trị và pháp lý cân bằng, có thể mang đến cơ chế hòa giải và giải quyết xung đột cần thiết. Tiến sĩ Khanna cũng đề xuất thành lập hội đồng gồm các ủy viên đến từ các quốc gia tuyên bố chủ quyền, cùng với một số thành viên độc lập khác nhằm đưa ra giải pháp toàn diện trong khuôn khổ thời gian nhất định.
Trên tờ VnExpress, Giáo sư Alexander Vuving nhận định, Việt Nam cần có tầm nhìn dài hạn, chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh dài hơi.
Khi Trung Quốc muốn có vị trí số một ở khu vực, một số cường quốc khác như Mỹ, Nhật, Ấn Độ cũng chống lại tham vọng đó của Bắc Kinh. Biển Đông vẫn là đấu trường chủ yếu của các cường quốc này trong nhiều thập kỷ tới. Do đó, Việt Nam có thể “nương vào dòng chảy địa chính trị lớn” trong khu vực để bảo vệ lợi ích của mình.
“Cần lưu ý cạnh tranh trên biển khác với trên đất liền. Nếu như trên đất liền các lực lượng có nhiều địa hình hỗ trợ (rừng, núi), thì trên biển chỉ có duy nhất nước che chắn cho họ. Trên mặt nước mọi thứ đều là lộ thiên. Hà Nội cần chuẩn bị đủ thực lực để bảo vệ hoạt động của mình và đẩy lui sự xâm phạm của nước ngoài.
Việt Nam cần phát triển các công nghệ cao như vật thể lặn/bay không người lái, công nghệ tàng hình, công nghệ phá sóng. Cuộc chạy đua công nghệ chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2AD) là không thể tránh khỏi.
Cùng với thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, Việt Nam cần huy động được sự ủng hộ của các cường quốc ở khu vực và thế giới để đối phó với sức ép của nước lớn, tạo nên mặt trận quốc tế chống lại “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc.
Bên cạnh các Hội nghị ASEAN còn có Cấp cao Đông Á, Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), gồm các nước ASEAN và 8 đối tác, Bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ), nơi các nước lớn có tiếng nói quan trọng. Việt Nam cũng nên tận dụng các diễn đàn này để giúp đẩy thảo luận đa phương về vấn đề Biển Đông”, Giáo sư Alexander Vuving đề xuất.
Trả lời phỏng vấn Thế giới và Việt Nam, Giáo sư Carlyle A. Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) cho rằng, vấn đề Biển Đông chỉ được giải quyết trực tiếp giữa Trung Quốc và Việt Nam thông qua tham vấn và đàm phán ngoại giao.
“Luật pháp quốc tế buộc hai bên phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam cần tiếp tục các nỗ lực ngoại giao, mặt khác, chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho việc tiến hành hoạt động pháp lý theo quy định của UNCLOS. Việt Nam sẽ phải chứng minh mình đã hết sức nỗ lực sử dụng các cuộc trao đổi ngoại giao với Trung Quốc nhưng không có kết quả.
Việt Nam cần kiên trì kêu gọi tiếng nói của cộng đồng quốc tế thông qua vận động ngoại giao đối với các nước thành viên ASEAN, các cường quốc và các quốc gia biển khác trong việc lên án các hành vi của Trung Quốc. Mỹ cũng đã cáo buộc Trung Quốc có hành vi “bắt nạt” đối với Việt Nam.
Việt Nam cần tăng cường hợp tác trong hoạt động chấp pháp biển với các nước đối tác, như Mỹ và Nhật Bản, thông qua tập trận chung tại các vùng biển gần Bãi Tư Chính. Việt Nam cũng nên vận đông các thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đưa Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông 2019 ra biểu quyết”, Giáo sư Carlyle A. Thayer nhấn mạnh.
Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến thực địa ở Biển Đông
Trong khuôn khổ Hội nghị AMM-52 và các hội nghị liên quan, chiều 31/7, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã ghi nhận những tiến triển trong đàm phán COC, song cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có hoạt động của Tàu khảo sát HD-08 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Các hành động như vậy, theo Phó Thủ tướng, đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Phó Thủ tướng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế. |