Sau khi Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Liên bang Nga thông báo về việc tàu khu trục Cristobal Colon của Hải quân Tây Ban Nha tiến vào Biển Đen, chuyên gia Alexander Mozgovoy đã đưa ra bình luận về động thái này.
Tàu khu trục Cristobal Colon của Hải quân Tây Ban Nha. (Nguồn: Wikipedia) |
Ông Mozgovoy nhận định: “Các tàu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến vào Biển Đen trên cơ sở luân phiên vì không thể ở đó quá 21 ngày. Do đó, các tàu này liên tục ra vào, tàu Mỹ rồi tàu Pháp, tàu Anh, trong trường hợp này là tàu Tây Ban Nha. Các tàu đó gây áp lực lên Nga và Hạm đội Biển Đen của Nga.
Về mặt hình thức, các tàu NATO liên tiếp ra vào Biển Đen không phải là vi phạm, nhưng xét đến sự luân chuyển của chúng, trên thực tế, chúng ta đang nói đến các tàu chiến của các nước không thuộc Biển Đen hiện diện thường xuyên ở đó. Cụ thể với việc tàu NATO hiện diện ‘thường trực’ ở Biển Đen, về bản chất những lần ra vào này mang tính khiêu khích”.
Trước sự việc này, quân đội Nga đang theo dõi hành động của tàu Tây Ban Nha.
Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay các tàu của liên minh quân sự này xuất hiện ở Biển Đen là phản ứng trước hành động “tăng cường quân sự” của Nga. Tàu chiến của các nước NATO thường xuyên đi vào Biển Đen. Cụ thể, trong tháng 1, hai tàu khu trục của Mỹ là “Porter” và “Donald Cook” đã tới vùng biển này.
Công ước Montreux, ký kết năm 1936, hạn chế tàu chiến từ các quốc gia không thuộc Biển Đen hiện diện ở đây trong thời hạn không quá 3 tuần. Công ước cũng quy định rằng tối đa 9 tàu như vậy với tổng trọng tải không quá 30.000 tấn có thể đồng thời hiện diện ở Biển Đen.