“Không có dữ liệu khoa học chứng minh cá hồi nuôi độc hại” Đó là khẳng định của ông Lê Thanh Lựu - Trưởng ban Hợp tác quốc tế và thông tin, Hội Nghề cá Việt Nam trước thông tin trong cá hồi nuôi có các chất độc hại.
Ở một số nước phát triển, bột xương, thịt của gia súc, gia cầm (là nguồn phế liệu trong giết mổ gia súc, gia cầm) được sử dụng như là nguồn nguyên liệu giàu đạm và canxi để chế biến thức ăn chăn nuôi. Nguồn nguyên liệu này đều được cấp các chứng chỉ cần thiết và được các quốc gia cho phép sử dụng bổ sung vào thức ăn cho vật nuôi. "Thông tin mà một vài báo trích dẫn nguồn từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đưa ra tôi thấy không có cơ sở khoa học vì chỉ nói chung chung mà không trich dẫn từ những nghiên cứu cụ thể nào. Cá hồi đang là một trong những thực phẩm tốt trên thị trường thế giới, đặc biệt các nước Âu, Mỹ. Để bảo vệ môi trường nên người ta ít khai thác, đánh bắt cá hồi trong tự nhiên hoặc đánh bắt theo giới hạn của chính phủ. Vì thế, số lượng cá hồi nuôi được tiêu thụ rất lớn. Ở xã hội văn minh, toàn bộ thực phẩm cho nhu cầu của con người đều được người sản xuất, nuôi trồng và quá trình sản xuất và nuôi trồng đó phải đạt các tiêu chuẩn rất cao mà người tiêu dùng yêu cầu. Theo tôi, người dân không nên lo lắng. Chúng ta cần phải tham khảo thông tin nhiều chiều. Và thông tin ăn cá hồi nuôi độc hại là chưa có dữ liệu khoa học nào chứng minh". |
“Thông tin mà EPA đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo” Liên hệ với TS. Trần Thị Dung – Nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn và quy hoạch phát triển thủy sản về vấn đề này, bà cho biết:
"Tôi đã tham khảo thông tin về cá hồi nuôi mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đưa ra mới đây. Theo họ, các vấn đề liên quan đến môi trường, nguồn thức ăn, các chất mà người nuôi sử dụng trong quá trình nuôi (như các loại thuốc chống các côn trùng gây hại trong nước hay các chất kháng sinh sử dụng khi cá bị bệnh). Thức ăn cho cá hồi là thứ có hàm lượng đạm và chất béo rất cao. Vì thế, nó cũng dễ hấp thu chất độc. Do hàm lượng đạm và chất béo trong loại thức ăn này rất cao nên các nhà sản xuất sẽ phải sử dụng nhiều chất bảo quản đối với thức ăn. Những yếu tố trên có thể làm cho thịt cá hồi nuôi bị nhiễm độc nếu cá được nuôi với mật độ dày, trong khi môi trường sống của chúng không đảm bảo. Theo tôi, thông tin mà EPA đưa ra là có cơ sở khoa học khi họ so sánh điều kiện sống của cá hồi nuôi với cá hồi tự nhiên và những nguy cơ có thể gặp phải. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả cá hồi nuôi đều bị nhiễm độc. Quốc gia nào cũng có cơ quan về an toàn vệ sinh thực phẩm và họ có trách nhiệm kiểm tra cá hồi thành phẩm có đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng hay không. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý về nuôi trồng thủy sản của mỗi nước đều có khung giới hạn tồn dư hóa chất đối với các sản phẩm thủy sản. Nếu người nuôi sử dụng các hóa chất được cho phép và tồn dư hóa chất trên sản phẩm vẫn trong giới hạn cho phép thì tức là nó an toàn đối với người tiêu dùng. Ở góc độ quản lý, tôi nghĩ thông tin mà EPA đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo và các nhà quản lý cũng nên tham khảo thông tin này để tăng cường kiểm tra đối với các sản phẩm cá hồi nuôi nói riêng và thủy sản nuôi nói chung, nhằm đảm bảo tối đa sức khỏe cho người dân.
Tôi cũng đã từng đi tham quan mô hình nuôi cá hồi ở Việt Nam (như Sapa và Đà Lạt) thì thấy rằng kỹ thuật nuôi cá hồi ở Việt Nam cũng khác so với ở Na Uy. Nếu ở Na Uy, người ta nuôi cá hồi trên biển thì chúng ta đang nuôi cá hồi trên núi, bằng nguồn nước sạch. Với kỹ thuật nuôi tháo đáy, người chăn nuôi có thể dễ dàng xả đáy khu vực nuôi cá theo định kỳ để đảm bảo môi trường nuôi cá luôn trong lành. Mô hình này cũng đã được các chuyên gia quốc tế đến kiểm tra và khẳng định về các tiêu chí kỹ thuật. |
“Các bà nội trợ không nên vội hoang mang” Trao đổi với TG&VN, bác sĩ Hoàng Xuân Đại (Nguyên Chuyên viên cao cấp, Bộ Y tế) cho biết: “Tôi nhớ năm 2010, một độc giả đã gửi đến biên tập viên của mục Sức khỏe trên tờ CNN rằng: Tôi thường nghe nói ăn cá hồi tự nhiên rất tốt. Nhưng hiện nay, rất khó để tìm mua được cá hồi tự nhiên. Vậy cá hồi nuôi có an toàn không?”. Tiến sĩ Melina Jampolis, một chuyên gia dinh dưỡng cộng tác với CNN trả lời rằng, Viện Tim mạch Mỹ khuyến nghị nên ăn nhiều cá, đặc biệt là cá béo, chẳng hạn như cá hồi. Ăn ít nhất 2 lần/tuần để đảm bảo lượng axit béo omega-3 cho cơ thể.
Nhưng hiện nay, có thông tin là ăn cá hồi nuôi độc hại thì đúng là do môi trường không thích hợp, có những chất độc, hai là lượng thức ăn cho cá hồi có chất dioxin, dư lượng kháng sinh quá cao, vượt quá ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, nếu những người nuôi cá hồi đảm bảo an toàn cho môi trường nuôi, các điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng… thì đương nhiên không ảnh hưởng gì đến chất lượng cá nuôi. Cá hồi ở Việt Nam được nuôi ở Sa Pa, Đà Lạt, đã xuất khẩu sang nhiều nước như Nhật, Mỹ… và phải tuân thủ chế độ kiểm nghiệm vô cùng nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Ví dụ, dư lượng kháng sinh không vượt ngưỡng, môi trường và quy trình nuôi cũng đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Vì thế cá hồi nuôi của Việt Nam là an toàn và hoàn toàn có thể bảo đảm cho người tiêu dùng, không có gì đáng lo ngại cả. Bên cạnh đó, những nước nhập khẩu cá hồi đều đặt ra yêu cầu cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm nên dư lượng, chất độc, kháng sinh đều ở trong giới hạn cho phép. Chính vì thế, cá hồi nuôi ở Việt Nam không giống như cá hồi nuôi ở các nước khác trên thế giới. Vì thế, đúng như thông tin của các báo khác đã đăng tải trước đến nay thì cá hồi Việt Nam là an toàn. Cá hồi của Việt Nam đã xuất khẩu sang những nước tân tiến, được phía nhập khẩu giám sát rất kỹ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, theo tôi, dư lượng về độc tố như dioxin, dư lượng kháng sinh quá nhiều hay độc tố nhiễm vào con cá hồi ở Việt Nam là hoàn toàn không có. Cho nên, các bà nội trợ không có gì phải lo ngại, cứ yên tâm sử dụng thôi, không nên hoang mang trước những thông tin chưa được kiểm chứng”. |