📞

Chuyên gia Trung Quốc: 4 lý do khiến Fed cắt lãi suất và tác động dây chuyền

15:29 | 20/03/2020
TGVN. Trưởng nghiên cứu Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Zong Liang nhận định, có 4 lý do khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt gảm lãi suất.
Covid-19 là một trong những lý do khiến Fed cắt giảm lãi suất. (Nguồn: The Balance)

Ngày 15/3, Fed cắt giảm lãi suất tiêu chuẩn xuống mức gần bằng 0, đây là động thái kịch tính chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Theo ông Zong Liang, Fed cắt giảm lãi suất do 4 nguyên nhân:

Thứ nhất, dịch Covid-19 đe dọa nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế lớn buộc phải cắt giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2020.

Thứ hai, áp lực giảm tăng trưởng ngày càng tăng kết hợp với việc gián đoạn chuỗi cung và suy giảm kinh tế toàn cầu.

Thứ ba, Fed cắt lãi suất là để ngăn đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán, và ngăn sự hình thành của một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới. Hiện các nước áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng định lượng từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008, dòng vốn toàn cầu đổ dồn vào thị trường chứng khoán Mỹ, làm thị trường tăng giá kỷ lục trong một thời gian dài. Khi nền kinh tế yếu đi, thị trường vốn dao động mạnh, lợi nhuận doanh nghiệp và các thành tố cơ bản của nền kinh tế bị làm suy yếu bởi dịch bệnh, các nhà đầu tư có tâm lý lo sợ, làm bốc hơi nghìn tỷ USD.

Thứ tư, sức ép mạnh từ Tổng thống Trump trong cuộc cạnh tranh chính trị cam go của năm bầu cử, các chính sách của Mỹ phải đối mặt với những bất trắc lớn hơn, đẩy Fed đưa ra quyết định này để bình ổn thị trường. Nhưng sự suy giảm của thị trường sau quyết định của Fed cho thấy, thủ thuật này không phát huy tác dụng.

Trước sức ép suy giảm do sự kết hợp của giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và hệ quả của dịch bệnh, các nước có thiên hướng áp dụng chính sách tiền tệ mở rộng làm công cụ kích thích phát triển kinh tế. Fed cắt lãi suất tạo thuận lợi và dư địa cho các nước thực hiện chính sách này.

Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tuyên bố, sẽ sử dụng mọi công cụ chính sách phù hợp để ngăn áp lực suy giảm kinh tế tài chính. Ngân hàng Trung ương Úc đã cắt 0,25 % lãi suất tham chiếu, Malaysia giảm lãi suất xuống mức thấp nhất từ năm 2010, Hong Kong (Trung Quốc), Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng đã thực hiện cắt giảm. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) nhiều khả năng cũng sẽ sớm phải tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ.

Nếu dịch bệnh khó được kiểm soát và gây ra những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Mỹ trong dài hạn, Fed sẽ tiếp tục cắt lãi suất và do đó không loại trừ khả năng đa số các nền kinh tế lớn sẽ áp dụng chính sách lãi suất âm.

Ở thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, Chính phủ các nước cần đạt đồng thuận về kiểm soát và phòng ngừa sự lây lan xuyên biên giới của dịch bệnh, nhưng đồng thời cũng cần thực hiện các chính sách vĩ mô đúng đắn để duy trì phát triển kinh tế xã hội, chuẩn bị đầy đủ cho giai đoạn phục hồi kinh tế hậu dịch, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm quốc tế và bình ổn các hoạt động kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu. Các ngân hàng trung ương cần tăng cường phối hợp chính sách, bên cạnh việc bảo đảm cung cấp đủ tín dụng để bình ổn thị trường thông qua nới lỏng chính sách tiền tệ, và phải bảo đảm dư địa và năng lực thực thi chính sách tiền tệ trong dài hạn.

Với Trung Quốc, Fed cắt lãi suất tạo thuận lợi cho việc vận hành chính sách tiền tệ của nước này. Trong tương lai, chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ linh hoạt hơn, tỷ lệ lãi suất cho vay trung hạn có thể được cắt giảm để giảm chi phí cung ứng tài chính cho nền kinh tế thực, tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) cũng có thể điều giảm chỉnh định kỳ để duy trì tính thanh khoản hợp lý; lãi suất tham chiếu cũng có thể được cắt giảm ở tỷ lệ phù hợp để giúp các ngân hàng thương mại giảm tỷ lệ lãi suất cho vay.

(theo Beijing Review)