📞

Chuyển hướng sang Ấn Độ, 'gã khổng lồ' điện tử Foxconn quyết 'dứt tình' với Trung Quốc?

Thu Hà 13:21 | 28/03/2023
Với sự hậu thuẫn của chính phủ Ấn Độ, hoạt động của Foxconn còn mở rộng, vượt cả ra ngoài lĩnh vực điện thoại thông minh.

Giải mã hiện tượng Foxconn có kế hoạch xây dựng một số nhà máy mới ở Ấn Độ, tờ Les Echos của Pháp cho rằng "gã khổng lồ" điện tử Đài Loan (Trung Quốc) bắt đầu chuyển hướng kinh doanh sang quốc gia Nam Á này vì muốn tìm kiếm sự ổn định và giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy Ấn Độ sẽ không thể thay thế được Trung Quốc, nhưng có thể thu hút 20% sản lượng điện tử thế giới.

Mới đây, Foxconn - nhà thầu phụ chính của Apple đã giành được một hợp đồng sản xuất AirPods và có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Ấn Độ để sản xuất thiết bị này. Mong muốn chuyển hướng sang địa bàn mới này của Foxconn đã được xác nhận với báo giới.

Đây là lần đầu tiên Foxconn, công ty lắp ráp 70% số lượng iPhone của Apple, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thiết bị AirPods. Các giám đốc điều hành của công ty đã do dự rất nhiều trước khi chấp nhận đơn đặt hàng này từ Apple, vì lợi nhuận từ việc sản xuất tai nghe thấp hơn nhiều so với lợi nhuận từ việc sản xuất iPhone. Tuy nhiên, Foxconn cuối cùng đã chấp nhận như một biểu hiện thiện chí, vì các hợp đồng trong tương lai.

Vậy là sau iPhone 14, Foxconn cũng sẽ sản xuất AirPods tại Ấn Độ. Để đảm bảo việc sản xuất thiết bị này, Foxconn đang lên kế hoạch đầu tư 200 triệu USD vào một nhà máy đặt tại bang Telangana, miền Nam Ấn Độ.

Có nhiều lý do khiến Foxcom chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ. (Nguồn: Getty)

Có nhiều lý do khiến Foxcom chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Trước tiên, động thái này nhằm khẳng định mong muốn của Foxconn đa dạng hóa các chuỗi sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Cũng có thể Apple đã yêu cầu nhà máy này phải được đặt ở quốc gia Nam Á. Một khi xuất xưởng, những chiếc AirPods này sẽ là các sản phẩm đầu tiên được sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc giá nhân công ngày càng cao ở Trung Quốc cũng là một lý do. Trong một thời gian dài, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã cung cấp nguồn lao động dồi dào và giá rẻ, điều mà các nhà sản xuất đã tận dụng thành công. Song gần đây, các yêu cầu tăng lương của nhiều nghiệp đoàn đang làm cho thị trường lao động này trở nên kém cạnh tranh hơn.

Hơn nữa, hoạt động của các cơ sở sản xuất thiết bị điện tử này đã bị gián đoạn nghiêm trọng bởi chính sách "Zero Covid" (Không Covid) của Bắc Kinh. Vào tháng 11/2022, nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu - nơi lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới - đã bị chính quyền Trung Quốc phong tỏa, đẩy doanh thu quý của Apple lần đầu tiên đi xuống sau gần 3 năm rưỡi.

Nhưng trên hết, các nhà công nghiệp cũng lo sợ rằng sự gia tăng căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của họ. Trước những rủi ro này, tất cả các gã khổng lồ điện tử đã bắt đầu chiến lược có tên là "Trung Quốc cộng một", tức là triển khai các cơ sở khác ở châu Á.

Hậu thuẫn của chính phủ

Trong những tháng gần đây, Foxconn đẩy mạnh việc triển khai hoạt động ở Ấn Độ. Vào tháng Chín, công ty đã bắt đầu sản xuất iPhone 14 ở Tamil Nadu. Cho đến thời điểm đó, tập đoàn Apple, có trụ sở tại Cupertino, thuộc bang California của Mỹ, chưa bao giờ sản xuất mẫu mới nhất của mình ở nơi nào khác ngoài Trung Quốc.

Với sự hậu thuẫn của chính phủ Ấn Độ, hoạt động của Foxconn còn mở rộng, vượt cả ra ngoài lĩnh vực điện thoại thông minh. Công ty này đã hợp tác với Vedanta, một tập đoàn luyện kim của Ấn Độ, để xây dựng một nhà máy bán dẫn trị giá 20 tỷ USD ở Gujarat.

Vào đầu tháng 3/2023, Young Liu, Chủ tịch của Foxconn, đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Đây là lần thứ hai họ gặp nhau trong vòng chưa đầy một năm. Trước động thái này, Bloomberg tiết lộ rằng, Foxconn đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất điện thoại thông minh trị giá 700 triệu USD, có thể sử dụng 100.000 người ở khu vực Bangalore, thủ đô công nghệ của Ấn Độ.

Khi đi vào hoạt động, nhà máy mới này sẽ góp phần tăng thị phần của Ấn Độ từ mức dưới 5% hiện nay lên 15% trong tổng sản lượng iPhone. Theo các nhà chức trách New Delhi, Apple muốn đảm bảo 25% sản lượng iPhone của mình được sản xuất tại Ấn Độ. Còn các chuyên gia phân tích của JP Morgan ước tính tỷ lệ này sẽ đạt được sớm nhất là vào năm 2025.

New Delhi, với mục tiêu củng cố ngành công nghiệp điện tử vẫn còn rất sơ khai của mình, sẽ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để thu hút các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực này. Chính phủ đã đặt 10 tỷ USD trên bàn để trợ cấp cho các dự án bán dẫn.

Lĩnh vực lắp ráp điện tử cũng được hưởng lợi từ một chương trình trợ cấp riêng. Tháng 12 năm ngoái, Foxconn đã nhận được 40,5 triệu euro hỗ trợ từ nhà nước Ấn Độ. Lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử cũng chiếm một vị trí ưu tiên trong chuỗi giá trị đang được xây dựng ở Ấn Độ.

Hiện tại, theo Andrea Goldstein, nhà kinh tế tại Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD, lợi thế của Ấn Độ so với Trung Quốc là lao động dồi dào và rẻ. Ví dụ, trong ngành dệt may, một công nhân kiếm được trung bình 0,85 xu Mỹ mỗi giờ, so với 1,5 USD ở Trung Quốc, theo tính toán của Werner International. Trong lĩnh vực điện tử và máy tính, mức lương khởi điểm trung bình là 4.000 USD một năm, trong khi một kỹ sư có thể nhận 16.000 USD.

Ấn Độ cũng cung cấp một thị trường nội địa đầy tiềm năng, với tầng lớp trung lưu mới nổi lên, đông tới hàng triệu người, và do đó cũng đồng nghĩa với việc có nhiều khách hàng tiềm năng. Cơ sở hạ tầng trước đây rất nghèo nàn nay đã được cải thiện rõ rệt. Cuối cùng, cộng đồng người Ấn Độ ở hải ngoại rất lớn mạnh, đặc biệt là những người làm trong các công ty công nghệ hàng đầu, họ có thể đóng vai trò là cầu nối văn hóa.

Cũng theo Andrea Goldstein, mặc dù có nhiều lợi thế, quốc gia Nam Á cũng có những điểm yếu cần khắc phục nếu muốn thu hút đầu tư. Ấn Độ chắc chắn là một nền dân chủ, nhưng môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều bất lợi.

Các doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn từ chính quyền, hệ thống thuế vẫn còn rất phức tạp, đôi khi khó tiếp cận đất đai… Tìm được đối tác phù hợp để có thể trao đổi hợp tác không phải là điều dễ dàng. Nếu các biện pháp hỗ trợ đầu tư của chính phủ đi đúng hướng hướng trong ngắn hạn và trung hạn, thì cần có thêm các chính sách về cơ cấu kinh tế để cải thiện môi trường kinh doanh.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế cũng tỏ ra nghi ngại về vấn đề chất lượng sản phẩm hiện đang còn chưa được như mong muốn. Nếu Apple có ý định áp dụng "công thức Trung Quốc", thì con đường vẫn còn dài ở phía trước để đạt được chất lượng sản xuất như tại Trung Quốc. Tháng trước, The Financial Times đã tiết lộ rằng một nửa số linh kiện được sản xuất tại địa điểm Hosur, do tập đoàn Tata vận hành, có lỗi sản xuất và không thể gửi đến Foxconn để lắp ráp tiếp theo.

Chưa đủ để thay thế Trung Quốc

Đối với nhà phân tích Andrea Goldstein, Ấn Độ rõ ràng có tiềm năng, nhưng sẽ không thay thế được Trung Quốc, bởi không công ty nào muốn phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất. Trái lại, quốc gia Nam Á sẽ có thể trở thành cơ sở sản xuất thứ hai, hoặc thứ ba cho những gã khổng lồ lắp ráp giống Foxconn, như một phần trong chiến lược "Trung Quốc+1" của họ.

Trong quá trình phân chia lại thị phần này, Trung Quốc sẽ vẫn là trung tâm. Ngày nay, khoảng 70% điện thoại thông minh được sản xuất tại quốc gia Đông Bắc Á, nhưng tỷ lệ này đang giảm dần.

Nếu thị phần của Trung Quốc giảm xuống 50%, thì Ấn Độ có thể lấy được 20% sản lượng điện tử, với tỷ lệ khác nhau tùy thuộc vào sản phẩm. Theo Hiệp hội Điện tử và chất bán dẫn Ấn Độ (IESA), hiện tại, lĩnh vực điện tử chỉ chiếm 3,4% GDP của nước này.

Những "gã khổng lồ" của Đài Loan (Trung Quốc) như Foxconn hay Pegatron đang đầu tư mạnh vào Ấn Độ.

Mặc dù có những tiến bộ gần đây, song cơ sở hạ tầng của Ấn Độ vẫn chưa thể so sánh với Trung Quốc, đặc biệt là đường cao tốc. Ví dụ, để phục vụ cho xuất khẩu, Trung Quốc có 18 cảng trong Top 50 cảng lớn nhất thế giới - trong khi Ấn Độ chỉ có 2 cảng.

Những "gã khổng lồ" của Đài Loan (Trung Quốc) như Foxconn hay Pegatron đang đầu tư mạnh vào Ấn Độ. Nhưng điều đó không có nghĩa là Ấn Độ sẽ có những công ty lắp ráp điện tử lớn của riêng mình. Với Tata Motors trong ngành ô tô hay với ArcelorMittal trong ngành thép, Ấn Độ đã cho thấy ý chí và khả năng tạo ra những công ty hàng đầu thế giới.

Nhưng chuyên gia kinh tế tại OECD Andrea Goldstein chưa nhận thấy một động thái như vậy trong cả lĩnh vực điện tử lẫn dệt may, mặc dù đó vẫn là hai lĩnh vực "đầu vào" đối với nền kinh tế mới nổi này.

Và Ấn Độ chưa thể có một doanh nghiệp nào đủ mạnh để có khả năng cạnh tranh được với quy mô quan trọng và khả năng làm chủ toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu của Foxconn.

(theo Les Echos)