📞

Chuyện một cặp song sinh kỳ lạ

11:14 | 18/11/2015
Đó là một cặp song sinh giống hệt nhau, nhưng một người lớn lên là người Do Thái, còn người kia là Đức. Họ có gì đặc biệt?
Ông Jack Yufe (bên trái) và người anh em song sinh Oskar. (Nguồn: Los Angeles Times)

Câu chuyện của Jack Yufe và người anh em song sinh Oskar Stohr của ông không chỉ đặc biệt ở sự khác biệt rõ rệt của họ. Sau nhiều thập kỷ sống xa nhau đến nửa vòng Trái Đất, hai anh em họ tìm lại được nhau và nhận ra họ ăn mặc giống nhau, có dáng đi như nhau, tính khí nóng nảy như nhau, bao gồm cả việc thích đe dọa người khác… Thậm chí, họ hắt hơi thật to giống nhau. Cả hai đều đọc sách từ sau ra trước, thích ăn bơ và thức ăn cay và có thói quen giật nước nhà vệ sinh trước khi sử dụng.

"Họ là một ví dụ tuyệt vời cho thấy, các cặp song sinh, mặc dù ở môi trường sống khác nhau, vẫn rất giống nhau", Giáo sư tâm lý Cal State Fullerton Nancy Segal, người đã nghiên cứu các cặp sinh đôi như một phần của dự án nghiên cứu Minnesota nổi tiếng về các cặp song sinh, nhận xét.

Jack Yufe, một doanh nhân ở San Ysidro, gần đây đã qua đời ở tuổi 82 tại một bệnh viện ở San Diego do ung thư dạ dày. Trong số 137 cặp sinh đôi sống xa cách nhau mà trường Đại học Minnesota đã nghiên cứu trong suốt hai thập kỷ qua, có 81 cặp giống nhau như đúc. Jack và người anh em song sinh của ông, Oskar Stohr, là cặp nổi bật, do họ có quá trình trưởng thành trong môi trường khác hẳn nhau.

Hội ngộ sau 2 thập kỷ

Họ được sinh ra tại thành phố Port of Spain (“Cảng Tây Ban Nha”) ở Trinidad và Tobago, vào ngày 16/1/1933. Khi cả hai được 6 tháng tuổi, cha mẹ họ chia tay. Oskar chuyển đến sống ở Đức cùng với người mẹ Công giáo Elizabeth của mình và lớn lên khi Đảng Quốc xã lên nắm quyền ở Đức. Giống như các sinh viên khác, ông chào thầy Hiệu trưởng bằng câu "Heil Hitler" và được bà của mình cảnh báo là không bao giờ được cho ai biết rằng cha mình, Joseph, là người Do Thái. Để bảo đảm cho sự sống còn, Oskar cũng tham gia phong trào Thanh niên Hitler.

Nhiều năm sau, Oskar thú nhận rằng, ông từng mơ mình đã bắn hạ người anh em sinh đôi trong một trận không chiến. Jack cũng từng có một cơn ác mộng tương tự rằng ông đã giết Oskar bằng một lưỡi lê.

Tuy nhiên, đối với Jack, chiến tranh chỉ là một mối đe dọa xa xôi, chủ yếu ông thấy chiến tranh qua phim thời sự trong quãng thời gian sống ở Trinidad với cha của mình. Thời thơ ấu của ông gặp khó khăn ở những chuyện khác.

"Là một cậu bé da trắng, tóc đỏ, sống trong một môi trường chủ yếu là người da đen và da đỏ, bố tôi đã phải phấn đấu rất nhiều và liên tục phải chứng minh bản thân" - con trai của Jack là Kenneth kể lại. May mắn là ông có khả năng cạnh tranh cao và chơi thể thao xuất sắc.

Jack biết ông là người Do Thái, nhưng không cảm thấy vấn đề gì cho đến năm 15 tuổi và được gửi đến Venezuela để sống với bác gái ruột – người họ hàng châu Âu duy nhất bên họ nội còn sống sót sau cuộc thảm sát người Do Thái của phát xít Đức. Bà đã thúc giục Jack phải chuyển đến sống ở Israel và cha của ông đã đồng ý, rằng điều đó sẽ tốt cho cậu. Jack miễn cưỡng di cư ở tuổi 16 và sau đó phục vụ trong lực lượng hải quân Israel.

Năm 1954, trước khi sang Hoa Kỳ, nơi cha của ông đã định cư, Jack quyết định dừng lại ở Đức để tìm kiếm người anh em song sinh. Khi gặp nhau lần đầu tiên, họ 21 tuổi.

Cuộc hội ngộ diễn ra không mấy suôn sẻ do rào cản ngôn ngữ. “Chúng tôi đã rất vui nhưng không trao đổi được gì nhiều", Jack Yufe hồi tưởng lại vào năm 1979. Ông kể lại rằng, người anh em song sinh của mình đã lo lắng khi các thành viên gia đình có quan điểm chống người Do Thái và yêu cầu ông không đề cập đến gốc Do Thái của mình và giấu các thẻ hành lý cho thấy Yufe từng có mặt tại Israel.

Quan hệ không mặn mà

Nhưng, có điều gì đó còn gây khó chịu hơn là sự khác biệt của họ.

Khi họ thoạt gặp nhau tại nhà ga xe lửa, Jack và Oskar hơi thất vọng khi thấy rằng, không chỉ riêng mình mà cả người kia cũng có ria mép gọn gàng, kiểu tóc chải hất ra sau, cả hai đeo cặp mắt kính cùng kiểu và cùng mặc áo khoác thể thao màu sáng.

"Chúng tôi mặc giống hệt nhau. Tôi mua áo ở Israel và anh ấy mua ở Đức. Chính xác cùng một màu sắc, với hai nút áo”, Yufe kể lại trong một bộ phim tài liệu của BBC năm 1999. “Tôi nói: “Oskar, anh đang mặc chiếc áo và đeo kính giống tôi. Tại sao thế?". Anh ấy cũng kêu lên với tôi: “Tại sao anh lại mặc giống tôi?”. Cả hai đều không thích một sự thật rằng chúng tôi trông rất giống nhau".

Họ không gặp nhau thêm lần nào nữa cho tới khi cả hai 25 tuổi.

Đầu năm 1979, vợ của Yufe là Ona đưa ông đọc một bài báo về "Cặp song sinh cùng tên Jim", một cặp sinh đôi ở Ohio sống xa nhau và cùng được cha mẹ nuôi của họ đặt tên là Jim. Giống như Yufe và Oskar, Jim Springer và Jim Lewis tìm thấy nhau khi đã lớn và cùng kinh ngạc bởi sự tương đồng trong cuộc sống của họ, gồm cả việc người vợ họ cũng trùng tên. Hai ông Jim đã trở thành đối tượng nghiên cứu đầu tiên của Dự án cặp song sinh Minnesota. Yufe thấy tò mò và nghĩ rằng ông và Oskar cũng nên tham gia.

"Tôi nghĩ, đó có lẽ là một ý tưởng tốt nếu chúng tôi gặp nhau tại một lãnh thổ trung lập để khám phá ra tất cả những cảm xúc còn ẩn khuất", ông nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Times, năm 1979.

Các nhà nghiên cứu đã nhân cơ hội này mời họ tới Minnesota trong một tuần. Yufe và Oskar đã trở thành cặp thứ 7 trong các cặp song sinh được nghiên cứu.

"Jack và Oskar rõ ràng có sự khác biệt lớn nhất về quá trình trưởng thành mà tôi từng thấy trong các cặp song sinh giống hệt nhau được nuôi dưỡng xa cách", nhà tâm lý học Thomas J. Bouchard Jr., ở Đại học Minnesota, người chủ trì cuộc nghiên cứu, nói với tờ Thời Báo năm 1979. Bouchard nhận thấy, mặc dù sự giáo dục hoàn toàn ngược nhau, anh em họ rất giống nhau trong tính khí, tốc độ lời nói và các đặc điểm khác.

"Tôi luôn cho rằng, tôi bắt chước những thói quen lúc tôi cảm thấy lo lắng từ cha tôi - như việc mân mê dây chun buộc tóc hay những cái ghim giấy - cho đến khi tôi gặp Oskar", Jack Yufe nói với tờ báo. "Anh ấy cũng y như vậy".

Mặc dù anh em họ đã hiểu nhau hơn thông qua việc nghiên cứu và những cuộc gặp gỡ thường xuyên hơn, nhưng mối quan hệ của họ không bao giờ hết mâu thuẫn. Oskar cũng có tính ganh đua và sự cạnh tranh giữa họ luôn không ngừng. Thậm chí, hai người từng đánh nhau khi so kè xem ai có cách rửa sạch kính xe hơi tốt hơn.

"Họ đã có một mối quan hệ yêu - ghét rất đặc biệt", bà Segal, tác giả cuốn sách viết về các cặp sinh đôi “Cuộc sống của những cặp sinh đôi khác thường" năm 2005 cho biết. "Mỗi người đều bị người kia cuốn hút. Họ không thể xa rời mối quan hệ song sinh này".

Ông Oskar Stohr, người đã trải qua nhiều năm làm việc trong các hầm mỏ, chết vì ung thư phổi vào năm 1997. Ông Yufe đã không tham dự tang lễ, một phần vì lo lắng rằng, bản thân ông sẽ chỉ làm người ta nhớ đến người anh em vừa qua đời.

Ở vùng San Ysidro, Yufe xây dựng thành công một doanh nghiệp bán quần jean. Cuối cùng, ông đã mở một cửa hàng lấy tên là El Progreso và đã đi làm mỗi ngày cho đến năm ông 80 tuổi.

Đã có một số bộ phim về cặp anh em sinh đôi này, trong đó có một phim tài liệu năm 1999 của Đức, "Oskar và Jack".

Bà Segal có lần phỏng vấn Jack Yufe rằng, ông có yêu quý người anh em của mình không? Jack trả lời: "Yêu nhau à? Chúng tôi thậm chí còn không biết chúng tôi có thích nhau không".

Trung Hiếu (tổng hợp)