Tôi hẹn gặp Sofia Andersson tại một homestay trên đường Trúc Bạch, hơn một ngày sau khi thông báo tìm mẹ của cô được chia sẻ rộng rãi và nhận được sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Cứ ngỡ sẽ chỉ có Sofia trò chuyện với mình, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy ngồi cùng cô là một phụ nữ lớn tuổi và một người đàn ông. Sofia nhanh nhẹn giới thiệu họ là “người mẹ Thụy Điển” và bạn trai của mình.
Cô gái với đôi mắt to, nước da bánh mật, nụ cười tươi và dáng người dong dỏng cao trông trẻ trung hơn nhiều so với những bức hình trên mạng đăng kèm thông báo tìm mẹ. “Tôi đã thử hết cách rồi, mạng xã hội là hy vọng duy nhất của tôi lúc này”.
Cảm giác khác biệt
Theo giấy tờ cô có, Sofia có tên Việt Nam là Nguyễn Hương Giang, cô sinh ngày 22/10/1992 tại một nhà hộ sinh ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Mẹ đẻ của cô khi ấy mới 20 tuổi, chưa chồng và để cô đi làm con nuôi. Bố mẹ nuôi người Thụy Điển của Sofia đến đón cô một tháng sau đó. Họ ở cùng cô tại một khách sạn cho tới khi cô đủ sức khỏe để lên máy bay về Thụy Điển.
Sofia Andersson có tên Việt Nam là Nguyễn Hương Giang. (Nguồn: Zing) |
Cuộc sống mới bắt đầu với Sofia, như mọi đứa trẻ Thụy Điển bình thường khác. Cô có một người anh trai lớn hơn 4 tuổi đến từ Hàn Quốc, cũng được bố mẹ cô nhận nuôi. Sofia lớn lên trong tình thương của gia đình, tại ngôi nhà ở miền Nam đất nước Thụy Điển. Mùa đông, họ ngắm tuyết rơi. Mùa hè, họ thư giãn trên những cánh đồng. Sofia chưa từng nghĩ về một cuộc sống khác.
“Nhưng tôi biết mình không giống hoàn toàn những đứa trẻ Thụy Điển. Trông tôi và anh trai luôn khác biệt với họ. Dù không nhiều người đề cập chuyện đó, tôi vẫn ý thức được”, cô kể. “Tóc tôi không vàng, mắt tôi không xanh như phần lớn các bạn. Da tôi sẫm màu, còn tóc thì đen. Nhưng ở tuổi đó, những điều ấy không khiến bạn để tâm quá nhiều. Với một đứa con gái tầm 13-15, những thứ bình thường xung quanh cuốn hút bạn hơn: bóng đá, làm sao để chơi violin, lũ con trai…”.
Càng lớn cảm giác kỳ lạ càng mạnh mẽ hơn trong Sofia. Cô muốn biết mình tới từ đâu, và ngay cả ở đất nước như Thụy Điển, Sofia vẫn cảm thấy có sự kỳ thị nhất định. Người ta thỉnh thoảng đùa cô “ăn nhiều cơm” và “giỏi toán”.
“Tôi không ăn nhiều cơm đến thế và cũng không giỏi toán tới vậy”, Sofia nói. “Nhưng đó là một cảm giác khá lạc lõng, kéo dài đến tận bây giờ”.
Giờ đây 25 tuổi, Sofia có công việc tốt với thu nhập ổn định ở thủ đô Stockholm, một căn nhà tự mua ở khu đắt đỏ nhất trong thành phố, một người bạn trai ân cần. Nhưng cảm giác đó vẫn còn. Rồi cô quyết định bỏ việc, bỏ căn nhà, dành vài tháng về Việt Nam tìm lại người mẹ đẻ mà cô chưa một lần biết mặt.
Hành trình tìm mẹ
Cuộc tìm kiếm thực sự bắt đầu khi Sofia tới Hà Nội vào giữa tháng 11/2017. Đầu tiên, cô tìm đến nơi mình đã được sinh ra. Hai người bạn Việt Nam giúp cô tới được Nhà hộ sinh B ở Lò Đúc. Sofia gặp được người phụ trách nhà hộ sinh và cả y tá đã làm việc ở đó 25 năm trước, nhưng họ chẳng thể giúp gì vì “hồ sơ cứ 10 năm một lần lại được sắp xếp lại”.
“Chúng tôi liên lạc với tổ chức giúp nhận con nuôi Adoptionscentrum của Thụy Điển, nhưng họ cũng không thể giúp. Tôi bế tắc”, cô nói.
Rồi Sofia biết được một cô gái Thụy Điển gốc Việt, vài năm trước cũng đã trải qua hành trình tìm mẹ như cô, nhưng không có kết quả cho đến khi thử đăng thông báo trên mạng xã hội. Cô liên lạc với cô gái ấy và họ vẫn thỉnh thoảng trò chuyện với nhau qua mạng. “Nếu cách này còn không hiệu quả thì tôi chẳng biết phải làm thế nào nữa”.
Sofia bèn lập một fanpage với tên “Con gái Thụy Điển tìm kiếm mẹ đẻ ở Việt Nam”. Chỉ sau một ngày, bài đăng tìm mẹ của cô đã được hơn 1.500 tài khoản khác chia sẻ, nhiều diễn đàn cũng đăng tải lại thông báo với hy vọng giúp đỡ Sofia.
“Tôi nhận được nhiều tin nhắn, chỉ dẫn tìm đến cá nhân này, tổ chức kia, nhiều nhà báo cũng liên lạc với tôi… Người Việt Nam thực sự rất tốt bụng”, cô tâm sự. “Họ cũng nói với tôi về một chương trình truyền hình giúp tìm kiếm người thân, nhưng chúng tôi cũng chưa có ý định thử, bởi thật khó khi chia sẻ cảm xúc mà có camera và cả một nhóm người cạnh bên”.
Những đứa trẻ khác
“Năm 1992, sau khi nhận được cuộc điện thoại, chúng tôi lập tức bay đến Việt Nam để nhận Sofia”, bà Inga-Britt Andersson, mẹ cô, nhớ lại. “Chúng tôi phải qua rất nhiều thủ tục, ký rất nhiều giấy tờ bằng tiếng Việt mà dĩ nhiên chúng tôi chẳng hiểu gì”, vừa nói bà vừa làm động tác ký giấy một cách hài hước.
Sofia khi còn nhỏ cùng người mẹ Thụy Điển, bà Inga-Britt Anderssoon. (Nguồn: Zing) |
Ông bà Andersson đã giữ mọi giấy tờ của Sofia và anh trai cô từ khi họ sinh ra. “Nhưng quyết định tìm lại bố mẹ đẻ là của bọn trẻ, nếu chúng cần, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ hết mình”, bà nói, mắt nhìn sang Sofia trìu mến.
Ông bà từng đưa Sofia về Việt Nam hai lần, một lần khi cô còn rất nhỏ, một lần khi Sofia khoảng 14-15 tuổi. Nhưng đến bây giờ, khao khát tìm mẹ đẻ mới thật sự mãnh liệt trong cô. “Tôi nghĩ thời điểm này là hợp lý”, cô nói.
25 năm trước, ông bà Andersson không phải gia đình duy nhất đến Việt Nam. Nhiều cặp đôi khác đến từ Thụy Điển cũng đến Việt Nam để nhận những đứa con nuôi rồi chờ các em bé khỏe mạnh để lên đường trở về.
“Chúng tôi đã lập thành một hội và vẫn giữ liên lạc đến tận bây giờ, thậm chí còn gặp nhau thường xuyên nữa”, bà Inga-Britt vui vẻ nói.
Khi tôi hỏi những bạn được nhận nuôi như Sofia có mong muốn tìm lại người thân ở Việt Nam, cô ngừng lại một lát rồi đáp: “Họ cũng tò mò, nhưng chưa thực sự có khát khao ấy giống tôi. Anh trai tôi cũng vậy, anh cảm thấy mình chưa sẵn sàng để tìm lại cha mẹ ở Hàn Quốc, nhưng sau lần đến Việt Nam này của tôi, có thể anh ấy sẽ cân nhắc lại”.
Hơn cả một cuộc tìm kiếm
Sau khi tìm đến mạng xã hội, hy vọng mới mở ra, cuộc tìm kiếm lại như chỉ vừa bắt đầu với Sofia. “Nếu tìm được mẹ, tôi còn mong gì hơn thế. Tôi sẽ tìm hiểu xem cuộc sống của mẹ bây giờ thế nào, bà có hạnh phúc không”, cô nói, mặt bỗng rạng ngời và giọng đột ngột run run. “Tôi sẽ tìm những điểm chung ngoại hình giữa mẹ và tôi, mắt, mũi, dáng người…”.
Giấy khai sinh của Sofia Andersson (Nguyễn Hương Giang). (Nguồn: Zing) |
Rồi cô ngập ngừng: “Nhưng tôi cũng phải hỏi trước liệu mẹ có muốn gặp tôi và nhận tôi không đã. Tôi sẽ không làm khó bà, tôi chỉ muốn bà hiểu rằng chuyện đã qua không có gì đáng xấu hổ, và biết rằng con gái ruột của bà đang sống rất tốt”.
Trong chuyến trở về này, bạn trai Björn Widmark không rời Sofia nửa bước. Có vẻ kiệm lời nhưng không hề kém thân thiện, anh chia sẻ đây là lần đầu mình đến Việt Nam. “Thật tuyệt khi được chứng kiến những lòng tốt và thiện chí của những người Việt các bạn”.
Cặp đôi đã đi qua vài tỉnh thành và còn muốn tới thăm Sapa, vịnh Hạ Long nữa. “Mẹ cho tôi xem những bức ảnh hồi ông bà tới Việt Nam nhiều năm về trước, mọi thứ thật khác biệt so với bây giờ”, Sofia hào hứng. “Đây cũng là cơ hội cho tôi tìm hiểu về Việt Nam, và chỉ cho Björn quê hương tôi đẹp thế nào”.
Họ còn ở đây đến tháng 3, sau đó Sofia sẽ trở về Thụy Điển, tìm một công việc trong lĩnh vực nhân sự. Sofia và Björn háo hức chia sẻ họ sẽ đón cái Tết đầu tiên ở Hà Nội và đã lên kế hoạch ăn Tết cùng gia đình một người bạn.
“Nếu lần này chưa tìm được mẹ ruột, cũng không sao, đó là điều tôi đã dự liệu”, Sofia giãi bày. “Tôi sẽ còn quay lại Việt Nam nhiều lần nữa, không chỉ để tìm mẹ, đó là cả một hành trình giúp tôi khám phá ra nhiều điều”.