Lúc đó, tôi rất băn khoăn vì chưa có mấy kinh nghiệm về công tác này. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Dy Niên giải thích cho tôi: "Uỷ ban về NVNONN vốn trực thuộc Chính phủ, mới chuyển về Bộ Ngoại giao cuối năm 1995. Vì vậy, ngoài Chủ nhiệm Uỷ ban, cần có thêm Phó Chủ nhiệm và một số cán bộ cấp Vụ là cán bộ của Bộ Ngoại giao điều về nhằm giúp Uỷ ban sớm hội nhập và gắn bó với Bộ".
Thứ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban về NVNONN Nguyễn Phú Bình tiếp Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhân dịp Thiền sư về thăm quê hương, (4/2007). |
Tin liên quan |
Nguyên vẹn những kỷ niệm đẹp và ý nghĩa |
Tôi vui vẻ nhận nhiệm vụ và không ngờ, công tác này gắn với tôi suốt 10 năm, cho đến khi tôi đi làm Đại sứ tại Nhật Bản vào cuối 2007 và sau khi nghỉ hưu năm 2012, lại nhận làm Chủ tịch Hội liên lạc với NVNONN cho đến hôm nay.
Từ Nghị quyết 08 đến Nghị quyết 36
Về công tác, tôi được anh chị cán bộ, nhân viên Uỷ ban chào đón rất chân tình, cởi mở. Qua tìm hiểu ban đầu công việc ở Uỷ ban, tôi được biết, 5 năm trước, Bộ Chính trị nhiệm kỳ VII đã ban hành Nghị Quyết 08 về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài (29/11/1993).
Tuy nhiên, đây là văn bản đóng dấu Mật nên chỉ được phổ biến ở cấp Lãnh đạo Bộ, ngành và Thường vụ tỉnh ủy, do đó phạm vi vận dụng rất hạn chế và không thể dẫn chứng trong các buổi tiếp xúc với đồng bào ta ở nước ngoài khi nói về quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đối với NVNONN.
Đọc lại văn bản Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, tuy đóng dấu Mật nhưng chúng tôi thấy hoàn toàn có thể phổ biến công khai. Vì vậy, chúng tôi đã báo cáo Lãnh đạo Bộ và xúc tiến việc chuẩn bị tư liệu cho việc xây dựng Nghị quyết mới, dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Dy Niên, khi anh Niên được bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao năm 1999 thì Thứ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Đình Bin tiếp tục công việc này.
Ở cấp thực hiện, tôi chủ trì cùng anh em các đơn vị trong Uỷ ban triển khai. Đầu năm 2001, tôi được bổ nhiệm Trợ lý Bộ trưởng về công tác ở Bộ thì bàn giao lại cho anh Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban.
Đây là giai đoạn nước rút, phải tập trung cao độ để đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 08, trên cơ sở đó hoàn thành Dự thảo trình Ban Cán sự, tiếp đó, trình đồng chí Vũ Khoan, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng phụ trách Đối ngoại.
Anh Khoan rất tỷ mỉ, không những trực tiếp bổ sung, chỉnh sửa các nội dung lớn cho toàn diện và đúng tầm của một Nghị quyết sẽ do Bộ Chính trị thông qua và ban hành, mà còn trực tiếp sửa chữa từng câu văn, dấu chấm phẩy.
Cá nhân tôi thật là may mắn, sau khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách khu vực Đông Bắc Á năm 2002, lại được Bộ phân công kiêm nhiệm Chủ nhiệm Uỷ ban về NVNONN và cùng anh em trong Uỷ ban nhận nhiệm vụ triển khai Nghị quyết 36 của Bộ chính trị được ban hành ngày 26/3/2004.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 36, với các chương trình hành động của mỗi cơ quan, tổ chức trong Hệ thống chính trị, với nhiều đợt sơ kết, tổng kết và các văn bản chỉ đạo của Bộ chính trị như Chỉ thị 45 (19/5/2015), Kết luận 12 (12/8/2021), chúng ta thấy rõ giá trị to lớn và toàn diện của Nghị quyết 36, thấy rõ tính thời sự nguyên vẹn của Nghị quyết.
Hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đồng bào ta
Các chuyến đi thực tế và các cuộc tiếp xúc với bà con về thăm đất nước đã giúp chúng tôi nhận thấy nhiều bất cập trong chính sách của ta đối với đồng bào ở nước ngoài. Khi đó, chúng ta còn rất khó khăn, nghèo, đang từng bước ra khỏi những tư duy cứng nhắc, ấu trĩ và nếp sống của thời kỳ quan liêu bao cấp đã tồn tại lâu dài trước đây!
Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban về NVNONN Nguyễn Phú Bình tiếp nhận sách từ đại diện Nhà Xuất bản Giáo dục để gửi tặng cho giáo viên, học sinh Trường Nguyễn Du tại Lào (7/2006). |
Bây giờ, hàng năm chúng ta tự hào về lượng kiều hối mỗi năm lên đến 18-19 tỷ USD, đóng góp hiệu quả cho kinh tế đất nước! Vậy mà, vào thời kỳ đầu Đổi mới, trong khi đất nước rất thiếu ngoại tệ, chúng ta vẫn hạn chế bà con gửi kiều hối cho người thân với các quy định về định mức thân nhân được nhận mỗi lần hoặc dù kiều hối được gửi về bằng loại tiền nào thì thân nhân chỉ được nhận tiền Việt Nam theo quy đổi.
Ủy ban ta đã kiên trì thuyết phục các cơ quan chức năng không nên gây trở ngại, mà nên khuyến khích bà con chuyển tiền về làm ăn kinh doanh trong nước.
Trong quá trình Đổi mới, từng bước xóa bỏ cơ chế bao cấp, các cơ quan chức năng cũng chủ trương xóa bỏ chính sách hai giá, nhưng trong thời gian chờ đợi thay đổi vẫn áp dụng giá cao đối với đồng bào ta ở nước ngoài.
Chúng ta đã kiên trì thuyết phục các cơ quan chức năng để đồng bào ta ở nước ngoài được hưởng giá thấp như nhân dân trong nước, dù chỉ sớm hơn 1-2 năm so với người nước ngoài. Nếu đợi xóa bỏ hoàn toàn chính sách hai giá thì ý nghĩa sẽ không còn nữa.
Kết quả là những điều bất cập trên từng bước được gỡ bỏ, Uỷ ban được đồng bào ta ở nước ngoài tin cậy hơn và số lượng bà con tìm đến Uỷ ban để trình bày, kiến nghị cũng đông hẳn lên.
Thực hiện chủ trương đại đoàn kết dân tộc
Tư tưởng xuyên suốt trong hai Nghị quyết 08 và Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị là Đại đoàn kết dân tộc và đó cũng là một trong những công tác trọng tâm của Uỷ ban Nhà nước về NVNONN qua các thời kỳ.
Riêng trong thời gian tôi trực tiếp tham gia công tác vận động NVNONN (1998-2007), tôi đã cùng anh em Uỷ ban phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện ngoại giao ta tại Hoa Kỳ, Pháp… đón tiếp nhiều nhân vật từng là quan chức cao cấp hoặc có liên quan đến chế độ cũ như Thiếu tướng Đỗ Mậu, Cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, Nhạc sỹ Phạm Duy, Thiền sư Thích Nhất Hạnh…
Sự chuyển biến tích cực trong thái độ của các nhân vật này đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về Đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc, phân hóa bộ phận còn nặng thành kiến với chế độ và đất nước, cô lập và làm suy yếu thế lực cực đoan, ngoan cố nhất trong cộng đồng NVNONN.
Đối với đại đa số đồng bào ta ở nước ngoài, việc chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào về thăm đất nước, không phân biệt quá khứ và hoàn cảnh ra đi, miễn là không có hành vi hoặc thái độ thù địch đối với đất nước, không chỉ giúp bà con gắn bó với quê hương, mà còn giúp bà con tận mắt chứng kiến sự phát triển vượt bậc của đất nước, phấn khởi tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh, trực tiếp làm giàu cho quê hương, đồng thời góp phần làm phá sản âm mưu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với tình hình đất nước.
Việc ta tổ chức cho đồng bào ở nước ngoài thăm Trường Sa những năm sau này cũng là biện pháp hiệu quả làm phá sản ý đồ của kẻ thù xuyên tạc, bóp méo công cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quân và dân ta, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của Quyết định này của Đảng và Nhà nước, cho dù trong quá trình triển khai, không phải không còn những băn khoăn, lo lắng đối với quá khứ của những người đã từng ở bên kia chiến tuyến
Gặp gỡ, đón Tết Nguyên Đán và hoạt động vì thế hệ trẻ
Không biết từ bao giờ, Ủy ban thường tổ chức gặp mặt đón Xuân mới với kiều bào vào một buổi tối trước Têt Nguyên đán hàng năm tại Hội trường tầng hai.
Cuộc gặp mặt do Ủy ban ta phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức, thường có khoảng vài chục khách là người Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các cơ quan, đoàn thể ở trung ương và Hà Nội cùng cán bộ, nhân viên Ủy ban, tổng công khoảng 150 người dự.
Sau khi Nghị quyết 36 được ban hành và chính phủ cho phép lập Quỹ hỗ trợ cho công tác cộng đồng, chúng ta có điều kiện tổ chức hoạt động đón mừng Xuân mới với đồng bào ta ở nước ngoài về đón Tết với chương trình ngày càng phong phú và chất lượng hơn, có năm chúng ta tổ chức đón Tết kiều bào ở Trung tâm Hội nghị quốc tế Lê Hồng Phong, có năm tổ chức ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Sau khi Trung tâm Hội nghị Quốc gia hoàn thành, ngay sau khi tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh APEC cuối năm 2006, cuộc gặp mặt mừng Xuân với kiều bào đã diễn ra tưng bừng ở đây, do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chủ trì.
Qua tiếp xúc với bà con ta tại tất cả các nước, nỗi lo chung của các bậc cha mẹ là thế hệ con cháu không còn thông thạo, thậm chí không nói được tiếng Việt, do đó xa dần lối sống và văn hóa của người Việt.
Trong hoàn cảnh không có kinh phí, Ủy ban đã phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục soạn sách giáo khoa tiếng Việt gửi cho một số địa bàn có trường lớp hay các địa bàn có khả năng dạy và học tập trung như Lào, Thái, Đông Âu…
Các đoàn công tác của Ủy ban đã khảo sát những địa bàn có trường Việt Nam (Lào) để kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục giúp kinh phí và phương tiện để nâng cấp cơ sở vật chất cũng như giáo trình và sách giáo khoa.
Một trong các hoạt động quan trọng hướng tới thế hệ trẻ trong cộng đồng NVNONN là Trại hè thanh thiếu niên kiều bào, lần đầu tiên tổ chức năm 2004, ngay sau khi Nghị quyết 36 được ban hành.
Từ đó đến nay, đã trải qua 20 năm, với 20 lần Trại hè thanh thiếu niên Việt Nam ở nước ngoài, với hàng nghìn bạn trẻ từ nhiều nơi trên thế giới trở về thăm đất nước, lan tỏa tình yêu và tình cảm gắn bó giữa đồng bào trong và ngoài nước!
Bước tiến mới trong việc xây dựng luật pháp
Một trong những khó khăn của Uỷ ban ta trước đây là công tác vận động NVNONN chủ yếu dựa vào chủ trương của Đảng thông qua các văn kiện của Đảng. Các chủ trương, chính sách nói trên chưa được thể chế hóa thành Luật để mang tính chất pháp lý ràng buộc, ai cũng phải thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban về NVNONN Nguyễn Phú Bình gặp mặt các nhà khoa học kinh tế người Việt Nam ở nước ngoài trở về dự Hội thảo quốc tế về kinh tế và quản lý công PET 2006 (8/2006). |
Tuy nhiên, Nghị quyết 36 của Bộ chính trị (26/3/2004) là bước ngoặt quan trọng để giải quyết vấn đề này. Hàng loạt các Luật mới được thông qua hoặc sửa đổi đều có nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả người mang quốc tịch Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam. Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự và Ủy ban về NVNONN) được tham gia quá trình soạn thảo nội dung có liên quan trong các luật này.
Chúng ta đã tranh thủ, vận động các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng tham gia soạn thảo đưa được những nội dung mới của Nghị quyết 36 vào các dự thảo Luật hoặc Luật sửa đổi.
Đặc biệt, từ Luật Quốc tịch năm 1988 và 1998 với điều khoản “Nhà nước Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” đã sửa thành “Nhà nước Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ những trường hợp mà Luật này quy định khác” trong Luật Quốc tịch sửa đổi 2008 là bước tiến lớn, mở đường cho đông đảo đồng bào ta cư trú ở nước ngoài đã vào quốc tịch nước sở tại mà chưa thôi quốc tịch Việt Nam, có điều kiện được cấp quốc tịch Việt Nam.
Các Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở được sửa đổi với những nội dung thông thoáng hơn đã tạo điều kiện cho đồng bào ta ở nước ngoài hưởng những quyền lợi và nghĩa vụ gần với người trong nước, khuyến khích bà con đầu tư, kinh doanh trong nước.
Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi và Quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài là thành công lớn của Bộ ta và sự phối hợp tốt đẹp giữa Bộ ta với Bộ Công an và các cơ quan chức năng khác.
Thu hút nguồn lực kiều bào
Những cố gắng của Uỷ ban ta thúc đẩy kiều hối đã góp phần xây dựng chính sách thông thoáng về quản lý ngoại hối, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước đầu tư, mua nhà…
Những chính sách đó mang lại hiệu quả cao: trong những năm 2006-2007, Việt Nam bắt đầu nằm trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới; kiều hối năm 2008 cao gấp 160 lần kiều hối năm 1991 và mỗi năm tăng trung bình 35%; kiều hối năm 2007 bằng 10% GDP cùng năm của Việt Nam…
Từ cuối thập kỷ 90 đến năm 2000 và những năm tiếp theo, ngoài một số anh em từ Mỹ, Canada, Australia và một số nước phương Tây đầu tư về nước, anh em đã từng kinh doanh thành đạt ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu trong thời kỳ chuyển đổi đã chuyển hoạt động về nước hoặc lập mới công ty trong nước, tiêu biểu là Vingroup, Sungroup, Masan, Sovico (Vietjet Air), Techcombank, VPBank….
Anh chị em từ Đông Âu về có nhiều thuận lợi do vẫn mang hộ chiếu Việt Nam, có quan hệ gắn bó với trong nước, hiểu biết về tình hình đất nước nên hoạt động kinh doanh có hiệu quả và hiện nay trở thành những tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước.
Trí thức Việt Nam ở nước ngoài cũng là nguồn lực rất quý báu, nhưng ở thời kỳ này ta chưa thu hút được nhiều do chưa có cơ chế và điều kiện cụ thể để tiếp nhận. Hơn nữa, các chuyên gia, trí thức người Việt hầu hết thuộc thế hệ cũ, số trẻ từ trong nước đi học và định cư ở nước ngoài mới ở giai đoạn đầu nên về nước chưa nhiều.
Tuy vậy, Uỷ ban cũng đã phối hợp tốt với các cơ quan trong nước hỗ trợ sự kiện Gặp gỡ Việt Nam hàng năm do Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Kim Ngọc tổ chức.
Xúc tiến thành lập mạng lưới cộng đồng trong và ngoài nước
Để tạo thêm một kênh liên lạc với đồng bào ta ở nước ngoài, trong những năm 1999-2001, Ủy ban đã kiến nghị xúc tiến thành lập một tổ chức xã hội, cánh tay nối dài của Ủy ban.
Đồng chí Phạm Khắc Lãm, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban thu hút được một số trí thức, nhà khoa học, nhân sĩ, trong đó có một số từng là Việt kiều hồi hương hình thành nên Ban vận động thành lập Hội.
Ban có trách nhiệm chuẩn bị Đề án thành lập Hội và soạn thảo Điều lệ Hội, lấy tên là Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV).
Tôi kiến nghị với anh Niên chọn Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội làm chủ tịch Hội với lý do: anh là một nhà khoa học, một trí thức nổi tiếng của Việt Nam nên có uy tín cao trong việc thu hút kiều bào ta, nhất là giới chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài tại các nước phát triển.
Ngày 26/3/2002, Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ đã quyết định ban hành Điều lệ Hội dẫn đến Lễ thành lập Hội được cử hành sau đó. Đồng thời Hội cũng tình nguyện tham gia và được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận thành một thành viên của Mặt trận Tổ quốc.
Ở địa phương, từ năm 1989, Hội thân nhân kiều bào Hải Phòng với sự ủng hộ tích cực của Thành uỷ, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã được thành lập và hoạt động rất tích cực, có chi hội ở nhiều quận, huyện trên địa bàn Hải Phòng.
Ủy ban coi Hội thân nhân kiều bào Hải Phòng là mô hình thích hợp cho công tác vận động người Việt ở nước ngoài thông qua thân nhân trong nước nên rất tích cực khích lệ, động viên Hội, Ủy ban thường xuyên cử Đoàn tham gia các cuộc gặp mặt hàng năm do Hội Hải Phòng tổ chức vào mồng 5 Tết.
Sau khi ALOV ra đời, chúng tôi thấy cần thành lập Hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Trong khi ALOV bao gồm thành viên là những người ở trong nước quan tâm đến công tác vận động NVNONN thì thành viên Hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) lại phải là người Việt ở nước ngoài và đến năm 2009, Hội đã chính thức ra đời.
Bên cạnh đó, Uỷ ban đã chú ý khuyến khích xây dựng các Hội đoàn tại các địa bàn mà tình hình cộng đồng đã ổn định và phát triển như Đông Âu, củng cố quan hệ với các tổ chức người Việt tại các địa bàn truyền thống như Lào, Campuchia, Thái Lan, Pháp…, kết nối với các nhóm và cá nhân tích cực tại các nước phương Tây và các địa phương khác.
Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban về NVNONN Nguyễn Phú Bình tiếp nhận tiền ủng hộ của bà con kiều bào ủng hộ đồng bào các vùng bị bão lụt (11/2006) |
Kỷ niệm về 65 năm thành lập
Lĩnh vực công tác vận động NVNONN quả thật là “mênh mông bể sở”, làm đến đâu cũng vẫn thấy chưa được bao nhiêu!
Mới đấy mà 25 năm đã trôi qua, Toà nhà mới to đẹp và khang trang hơn đã thay thế cho Toà nhà cũ của Uỷ ban, hầu hết cán bộ nhân viên Uỷ ban là mới hoặc mới được Bộ điều về, trong số cán bộ, nhân viên cũ, chỉ còn một số các bạn trẻ ngày nào, nay đã trở thành Đại sứ, cấp Vụ, cán bộ chủ chốt của các đơn vị! Các cán bộ, nhân viên thuở ấy, phần lớn đã nghỉ hưu, mỗi năm gặp nhau 1-2 lần dịp Lễ Tết, một số gương mặt thân quen, nay đã vĩnh viễn xa rời chúng ta.
Ôn lại một số công việc tiêu biểu Ủy ban đã làm trong thời gian tôi công tác tại Ủy ban, một mặt tự hào về những gì mình đã cùng anh chị em trong Uỷ ban làm nên, mặt khác càng thấy vui vì Ủy ban đã lớn mạnh hơn rất nhiều, vừa tiếp nối những công việc bắt đầu từ những năm trước, vừa đi vào những lĩnh vực và công việc khó mà trước đây chưa có điều kiện triển khai.
Riêng về phần mình, sau khi nghỉ hưu năm 2012, tôi đã nhận lời làm Chủ tịch Hội liên lạc với NVNONN, một tổ chức mà tôi đã đề xuất và góp phần tạo nền móng ban đầu, tiếp tục đóng vai trò là cánh tay nối dài của Ủy ban như chúng ta thường nói, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban để triển khai nhiều công việc có ích cho cộng đồng NVNONN, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
| Vinh danh những cống hiến tích cực của người Việt Nam ở nước ngoài Vietnam International Awards - Giải thưởng quốc tế Việt Nam vừa được trao tặng các cá nhân, tổ chức của Việt Nam và nước ngoài ... |
| Nơi tình quê hương luôn gọi tên Trong suốt 65 năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã không ngừng nỗ lực xây dựng một ... |
| Những năm tháng không thể nào quên với công tác kiều bào Giữa năm 2017, sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại Australia, tôi được điều động về công tác tại Ủy ban Nhà nước về người ... |
| Nguyên vẹn những kỷ niệm đẹp và ý nghĩa Gần 20 năm đã qua, trong ký ức tôi vẫn nguyên vẹn rất nhiều những kỷ niệm đẹp và đầy ý nghĩa. Tôi vẫn rất ... |
| Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: 65 năm kết nối kiều bào với đất nước Trong 65 năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có những bước trưởng thành vững chắc, hoàn thành ... |