📞

Chuyện ngoại giao liên quan đến Phật giáo

13:52 | 02/06/2012
Nhiều người cho rằng, tôn giáo chi phối, ảnh hưởng đến chính trị và chính sách ngoại giao là chuyện của thời trung cổ hay ít ra chỉ là chuyện thế kỷ 19. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu đã sớm tiên đoán thế kỷ 21 là thế kỷ của chính trị tôn giáo. Hai câu chuyện dưới đây cho thấy sự ảnh hưởng của tôn giáo, cụ thể là Phật giáo đến đường lối chính sách cũng như phong cách ngoại giao…
Ngoại trưởng Mỹ Hillary lựa chọn ngôi chùa được xem là linh thiêng nhất của Myanmar để viếng thăm đã thu hút sự chú ý của dư luận.

“Ngôn ngữ chân trần"

Trong chuyến thăm lịch sử tới Myanmar cuối năm 2011, bên cạnh lịch trình họat động dày đặc, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã dành thời gian đến thăm chùa Shwedagon (chùa Vàng), một trong những công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng trên thế giới. Việc bà Hillary lựa chọn ngôi chùa được xem là linh thiêng nhất của Myanmar để viếng thăm đã thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước. Nhiều người gọi sự kiện này là "ngôn ngữ chân trần".

Khi bước vào sảnh chính của ngôi chùa, đúng theo mỹ tục của quốc gia này, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhẹ nhàng tháo giày cao gót và đi chân trần như bao người đến chiêm bái, sau đó còn tự tay dâng hoa và múc nước tắm Phật. Hành động đẹp của bà đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi và cái nhìn thiện cảm từ phía những du khách đến thăm ngôi chùa cũng như những người dân nước sở tại. Dân tộc nào cũng có những nơi linh liêng yêu cầu mọi người phải tôn trọng. Khoan nói về thành công trong ngoại giao, trong lĩnh vực văn hóa ứng xử đời thường, đôi chân trần của bà Hillary Clinton thực sự đã chiếm được tình cảm của người dân bản địa. Dư luận cho rằng bà Ngoại trưởng, khi bỏ dép ra đi chân trần viếng chùa, bà đã không hề thấp chút nào. Bởi khi ai đó biết tôn vinh văn hóa thì văn hóa sẽ tôn vinh họ.

Câu chuyện ở Ấn Độ

Nhiều học giả và nhà nghiên cứu cho rằng, dù tại quốc gia này Phật giáo chỉ còn chiếm 1% dân số Ấn Độ nhưng truyền thống của Ấn Độ vẫn gắn liền chặt chẽ với Phật giáo. Những biểu tượng của Phật giáo, pháp luân, thập nhị nhân duyên, vẫn uy nghi trên quốc kỳ, trụ đá 4 đầu sư tử do vua Ashoka dựng tại Lộc Uyển vẫn chói lọi trên quốc huy Ấn Độ. Chính sách đối ngoại "hòa bình, độc lập, trung lập, hữu nghị và không liên kết" được nêu thành khẩu hiệu xuyên suốt từ khi Ấn Độ độc lập.

Còn nhớ, tháng 12/2011, trên tờ Times of India xuất hiện một bài viết có cái tít ấn tượng "Đức Phật trở về" (Return of Buddha) đề cao sự khôn khéo của Ấn Độ trong vai trò chủ nhà của "Đại hội Phật giáo Toàn cầu lần thứ nhất" được tổ chức vào tháng 11/2011. Đại hội đã thu hút sự quan tâm và tham dự của gần 800 đại biểu đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù hiện tại Phật giáo chỉ là một tôn giáo thiểu số ở chính quê hương đã sản sinh ra Phật giáo và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhưng Ấn Độ đã tổ chức rất thành công một sự kiện tôn giáo lớn có tầm quốc tế. Có ý kiến còn cho rằng, thông qua sự kiện này, Ấn Độ có phần vượt Trung Quốc khi giành quyền nắm ngọn cờ văn hóa Phật giáo toàn cầu.

Kim Giang (Tổng hợp)