Cựu chiến binh Đinh Xuân Phong (ngoài cùng, bên phải) được tuyên dương vì những đóng góp vào hoạt động xã hội và tinh thần vượt khó. (Ảnh: NVCC) |
Tinh thần “tàn nhưng không phế”
Tham gia chiến trường Trường Sơn trong những ngày oanh liệt từ năm 1968-1974, ông Đinh Văn Phong trở thành nạn nhân chất độc da cam với nhiều căn bệnh như thoái hóa cột sống, huyết áp cao, suy thận, sỏi thận…
Ông Phong kể, quê quán ông ở Thanh Hóa, sau ngày giải phóng miền Nam, ông đã cùng gia đình vào Đồng Nai từ năm 1977 với hai bàn tay trắng để làm thuê kiếm sống.
Điều bất hạnh là con trai đầu của ông là nạn nhân chất độc da cam đã mất ngay từ lúc nhỏ, mấy người con tiếp theo cũng bị ảnh hưởng nặng nề của di chứng chiến tranh nên không có được cuộc sống bình thường như mọi người.
Tuy nhiên, với tinh thần người lính Cụ Hồ, ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội như làm Ấp trưởng, Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh, Chi hội trưởng Hội người cao tuổi ở địa phương.
Ở công việc nào, người lính năm xưa cũng nỗ lực hoàn thành xuất sắc và được biểu dương khen thưởng. Cũng nhờ tham gia công tác xã hội, ông đã có thêm nguồn vui, giúp dịu bớt nỗi đau bệnh tật.
Điều trăn trở nhất với ông Phong là phát triển kinh tế và thay đổi cuộc sống của chính gia đình mình.
Và sau nhiều năm cần cù lao động, ông đã mua được đất lập vườn, cất nhà đàng hoàng, thậm chí chăn nuôi phát triển với đàn bò 80 con và ao cá rộng 1.000 m2 để cải thiện cho gia đình, thu lợi nhuận mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.
Từ hoàn cảnh nghèo khó, gia đình ông Phong đã có điều kiện hỗ trợ góp vốn cho nguồn xóa đói giảm nghèo của huyện và đóng góp quỹ cho Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi địa phương.
Ông chia sẻ: “Tôi nhận thấy ở bất cứ hoàn cảnh nào, nếu có sự nỗ lực vươn lên cùng với sự động viên giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, chắc chắn chúng ta sẽ thành công.
Với những nạn nhân chiến tranh, xã hội luôn ghi nhận tinh thần vượt khó, dù tàn nhưng không phế”.
Chuyển hóa nỗi đau
Ở xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) cũng có một tấm gương cựu chiến binh là ông Thái Doãn Hòa - người đang trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng người thân là nạn nhân da cam, đồng thời giúp đỡ những nạn nhân khác cùng vượt qua khổ đau bệnh tật vươn lên trong cuộc sống hòa nhập cộng đồng.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Hòa lên đường nhập ngũ từ tháng 8/1968.
Từ tháng 12/1969, ông được phân công vào chiến trường miền Nam thuộc đơn vị K02, Binh trạm 44, Sư đoàn 471, Đoàn 559 hoạt động tại Quảng Nam.
Khi đất nước hoàn toàn độc lập, ông trở về với vùng quê nghèo lập nghiệp và xây dựng gia đình.
Tưởng chừng cuộc sống rồi sẽ êm đẹp nhưng đau đớn thay, ba đứa con đầu của vợ chồng ông sinh ra thân hình không trọn vẹn, cứ 5 đến 10 tháng tuổi lần lượt qua đời. Đến đứa con gái thứ tư sinh năm 1978 lại bị thiểu năng trí tuệ và bị liệt toàn thân.
Ông tâm sự: “Nỗi đau đớn dày vò, giằng xé tâm can vợ chồng tôi suốt cuộc đời. Nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa vui đùa chạy nhảy, học hành, tôi vô cùng thèm khát. Nhìn con tàn tật, vợ thì ốm đau bệnh tật, nỗi đau đó lại càng nhân lên gấp bội tưởng chừng không thể vượt qua nổi”.
Thế nhưng, với phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ, ông Hòa đã không buông xuôi theo số phận mà chuyển hóa nỗi đau ấy thành sức mạnh chăm sóc gia đình mình.
Ông cần cù chịu khó, tập trung sản xuất phát triển kinh tế bằng cách mở rộng diện tích khai hoang, nhận rừng trồng cây nguyên liệu giấy, phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản cùng các loại gia súc gia cầm.
Là chủ gia đình và là trụ cột của gia đình có ba người là nạn nhân chất độc da cam nhưng ông Hòa luôn cố gắng nỗ lực hết mình, giữ vững gia đình luôn hòa thuận êm ấm và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Không chỉ chủ động thăm hỏi động viên kịp thời các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ông cũng tích cực ủng hộ và xây dựng quỹ nạn nhân chất độc da cam được cấp ủy, chính quyền và các cấp ghi nhận, đánh giá cao.
Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Võ Nhai chia sẻ và giúp đỡ gia đình nạn nhân chiến tranh. (Nguồn: Báo Thái Nguyên) |
Ân tình đồng đội
Sinh ra ở một huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, cựu chiến binh Phạm Xuân Khóa đã có thời gian dài cống hiến trong quân đội từ 1965-1982, để rồi trở về địa phương công tác và hiện là Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Lạc Sơn.
Ông Khóa cho biết, Lạc Sơn có trên 90% dân số là người dân tộc Mường, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, trước năm 2015 trên 50% thuộc diện hộ nghèo, không có nhà ở kiên cố, không có nghề nghiệp.
Đặc biệt, nạn nhân chiến tranh phần lớn tuổi cao, sức khỏe càng ngày càng suy giảm, đã khó khăn càng khó khăn hơn về kinh tế, đời sống, sinh hoạt.
Bản thân cũng là nạn nhân da cam, với nhiệm vụ được giao, ông Khóa đã cùng với tập thể Hội chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá trong công tác chăm lo giúp đỡ nạn nhân như xây dựng nhà kiên cố cho nạn nhân, tạo vốn sản xuất cho nạn nhân và gia đình nạn nhân bằng sự tự nguyện đóng góp quỹ giúp nhau làm kinh tế cho 150 nạn nhân luân phiên vay không lấy lãi. Từ nguồn quỹ vay này, nhiều nạn nhân ở địa phương đã vươn lên làm được nhà, từng bước xóa nghèo.
Giống như ông Khóa, ở huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), có một cựu binh suốt năm năm qua đã tích cực thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa nạn nhân với cộng đồng xã hội.
Đó là thiếu tá Phạm Thanh Bình từng công tác tại Lữ đoàn 971, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần.
Ông Bình kể rằng, ông nhập ngũ vào tháng 5/1972 và sau hơn 27 năm phục vụ trong quân đội, ông về nghỉ hưu và chăm lo cho gia đình.
Thời gian sau, ông được bầu là Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh, Trưởng ban vận động thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin rồi trở thành Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Võ Nhai.
Ông cũng cho biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Võ Nhai có trên 700 người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, từ năm 1975 đến nay đã có 260 người đã chết do bị nhiễm chất độc hóa học.
Tình hình trên đặt ra cho bản thân ông và tập thể Hội phải thường xuyên nâng cao tinh thần “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm” với những hoạt động hiệu quả vì nạn nhân.
Trong năm năm qua, Hội luôn đồng hành, hỗ trợ cho nạn nhân làm nhà mới, sửa nhà, tặng xe, máy trợ thính… đồng thời, thường xuyên phối hợp với Hội chữ thập đỏ huyện tổ chức bếp ăn miễn phí, một tuần hai bữa cho nạn nhân chất độc da cam các xã, thị trấn khi phải nằm viện điều trị bệnh dài ngày tại Trung tâm y tế huyện.
Hội còn phối hợp với huyện quản lý 26 con bò sinh sản cấp cho 26 hộ nạn nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhận nuôi.
Có thể thấy, với ý chí quyết tâm của chiến binh ở thời bình, ông Bình đã đóng góp một phần nhỏ bé cùng tập thể hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu thi đua, luôn được tỉnh hội đánh giá dẫn đầu trong chín hội huyện, thành, thị của tỉnh.
Ông tâm sự: “Tôi thấy vui khi được tin tưởng giao nhiệm vụ để làm việc nghĩa vì đồng đội - những người vào sống ra chết tham gia kháng chiến chống Mỹ bị nhiễm chất độc hóa học hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Hơn nữa, công việc này là dịp tốt để tôi được tham gia việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết hậu quả chiến tranh”.
| Chủ tịch nước dự Lễ xuất quân Đội công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, có thể khẳng định hoạt động tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong hơn ... |
| Ra mắt cuốn sách 'Trái tim người lính Phương Nam' Nhân kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021), ngày 27/4, tại Bảo tàng Lực ... |