Tham vọng từ hai phía
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 19-21/10, dẫn theo một phái đoàn hàng trăm đại diện doanh nghiệp, trong đó có những nhà tài phiệt có thế lực nhất ở Philippines, với hy vọng có thể thu hút nhiều đầu tư từ Trung Quốc, tranh thủ mối quan hệ đang nồng ấm trở lại giữa Manila và Bắc Kinh sau nhiều năm căng thẳng.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ đến thăm Trung Quốc từ ngày 19/10. (Nguồn: Rappler) |
Nhận định về sự kiện này, bài viết đăng trên tờ New York Times ngày 17/10 cho rằng chuyến công du của Tổng thống Duterte sẽ là phép thử xem ông có muốn trở thành người bạn thân thiết của Bắc Kinh bằng cách tuyên bố điều mà Trung Quốc mong muốn nhất: hủy bỏ thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận 5 căn cứ quân sự ở Philippines.
Ông Andrew Shearer, chuyên gia kỳ cựu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: "Nếu Trung Quốc thành công trong việc tách Philippines khỏi Mỹ, đây sẽ là một chiến thắng quan trọng trong chiến dịch lâu nay của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu các liên minh của Mỹ tại khu vực. Điều này sẽ làm dấy lên nỗi sợ hãi rằng, sự kết hợp giữa chiến thuật hăm họa và dụ dỗ có thể gây ảnh hưởng khiến các đối tác khác tự lảng tránh Washington".
Ông Duterte đã bày tỏ sự hoài nghi trước khả năng Mỹ sẽ trợ giúp Philippines trong tình huống nổ ra đối đầu quân sự, và ngay trước khi lên đường tới Bắc Kinh, ông đã tuyên bố sẽ mua vũ khí của Trung Quốc để phục vụ cuộc chiến chống khủng bố.
Việc Mỹ tăng cường tiếp cận Philippines là một cột trụ trong chiến lược xoay trục về châu Á của Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, Trung Quốc coi đây là chính sách kiềm chế họ và cần phải bị vô hiệu hóa. Zhu Feng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông của Đại học Nam Kinh, cho biết điều Trung Quốc mong muốn nhất là Philippines chấm dứt việc cho phép Mỹ sử dụng một căn cứ không quân ở Palawan - hòn đảo cách quần đảo Trường Sa 100 dặm.
Căn cứ ở Palawan là bàn đạp quan trọng để các lực lượng Mỹ phô trương sức mạnh tại Biển Đông, và bất kỳ sự thay đổi nào đe dọa quyền tiếp cận này cũng sẽ làm phức tạp những kế hoạch quân sự của Mỹ.
Không phải là người "dễ dụ"
Trong khi Trung Quốc thăm dò những nhân nhượng chiến lược của ông Duterte thì nhà lãnh đạo mới này có một danh sách những nhu cầu kinh tế cần sự trợ giúp của Bắc Kinh.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chụp ảnh lưu niệm cùng các lãnh đạo tại hội nghị ASEAN+3 ở Vientiane, Lào, tháng 9/2016. (Nguồn: Reuters) |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã phát ngày 17/10, ông Duterte đã chỉ trích Mỹ "keo kiệt", và nói "chỉ Trung Quốc mới có thể giúp chúng ta". Ông cho biết ông muốn Trung Quốc xây dựng một tuyến đường sắt nối thủ đô Manila với quê của ông là tỉnh Mindanao.
Một doanh nhân Trung Quốc đã tài trợ cho một trung tâm cai nghiện ma túy khổng lồ, dự kiến được khánh thành vào tháng tới và ông Duterte ca ngợi dự án là biểu tượng của tình hữu nghị với Trung Quốc. Một số lượng lớn doanh nhân Philippines tháp tùng ông Duterte đang hy vọng Trung Quốc sẽ bãi bỏ lệnh cấm đối với hơn 20 loại quả mà Bắc Kinh áp đặt 4 năm trước để trả đũa lập trường của chính phủ cũ đối với vấn đề Biển Đông.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Wu Shicun, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, cho biết ông có thể mường tượng một thỏa thuận "cả gói", trong đó bao gồm điều kiện tiên quyết là Philippines công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Bãi cạn Scarborough, cách bờ biển Philippines 150 dặm về phía Tây. Đổi lại, ngư dân Philippines và Trung Quốc có thể cùng đánh bắt cá tại vùng biển xung quanh bãi cạn này.
Tuy nhiên, ông Renato Cruz De Castro, thành viên Trung tâm Đông - Tây ở Washington, đồng thời là một chuyên gia về Trung Quốc và Philippines, cho rằng mặc dù Bắc Kinh hoan nghênh nhà lãnh đạo mới của Philippines, song có lẽ ông không phải là người "dễ dụ" trên mọi mặt trận. Ông De Castro cho rằng nếu Trung Quốc tiến hành các công trình xây dựng quân sự tại Bãi cạn Scarborough, ông Duterte sẽ buộc phải quay lại với Mỹ.
Ngày 16/10, Tổng thống Philippines thừa nhận ông có thể bị luận tội nếu nhượng bộ trong các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Manila ở Biển Đông khi gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác ở Bắc Kinh. Tổng thống Duterte nêu rõ ông sẽ không mặc cả những tuyên bố chủ quyền của Philippines, nhưng cũng "sẽ không đưa ra đòi hỏi quá đáng" khi ông tìm cách khôi phục quan hệ hữu nghị của Philippines và tăng cường thương mại - đầu tư hai chiều với Trung Quốc.