Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unreported and Unregulated Fishing) hay còn gọi là "thẻ vàng", nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý.
Gỡ “thẻ vàng” và những thách thức
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN), để khắc phục “thẻ vàng”, thủy sản Việt Nam vẫn còn một số thách thức lớn. Đó là khả năng truy xuất nguồn gốc, kiểm soát đánh bắt thủy sản trên biển. Hiện nay, Việt Nam có khoảng gần 110.000 tàu cá, với gần 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ, nhưng chỉ khoảng 3.000 tàu được lắp thiết bị định vị vệ tinh Movimar. Thiếu thiết bị này, việc kiểm soát các tàu cá có vi phạm vùng đánh bắt là rất khó.
Việt Nam hiện còn nhiều tàu cá chưa được lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh khi đánh bắt xa bờ. (Nguồn: Báo Khánh Hòa) |
Trong chuyến làm việc hồi tháng 5 vừa qua, phía EC cho rằng, Việt Nam đã nỗ lực tập trung nhiều giải pháp, như hoàn thiện về văn bản pháp luật, 9 khuyến nghị của EC đã được đưa vào Luật Thủy sản sửa đổi nhưng tính nghiêm minh trong việc thực hiện các Luật, Nghị định được chỉ đạo quyết liệt ở cấp Trung ương, song ở cấp địa phương còn bất cập. Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng như cảng cá, tàu cá, phương tiện đánh bắt… đều cần phải được nâng cấp theo đúng tiêu chuẩn.
Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ để tới đây tiếp tục ra các văn bản - nhất là các chương trình hành động để các tỉnh, đặc biệt là 28 tỉnh duyên hải phải vào cuộc quyết liệt hơn, nâng cao trách nhiệm của ngư dân, doanh nghiệp, trách nhiệm của cơ quan quản lý thì Việt Nam mới sớm gỡ được "thẻ vàng.
Chính phủ đã đồng ý thành lập tổ công tác liên ngành, trong đó giao Bộ NN&PTNT làm Tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, các bên có liên quan thực hiện kế hoạch hành động quốc gia chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Phía Việt Nam cũng đã công bố thông tin thể hiện sự minh bạch và chia sẻ với đoàn thanh tra của EC về việc thiếu kinh phí lắp đặt thiết bị cho tàu cá và sẽ nỗ lực khắc phục trong thời gian tới.
Hướng tới ngành kinh tế biển bền vững
Trao đổi với TG&VN, TS. Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy chưa có con số thống kê chính thức về việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào do “thẻ vàng” của EC nhưng rõ ràng, “thẻ vàng” đã gây ra tác động dây chuyền, đầu ra cho sản phẩm gặp khó khăn thì bản thân ngư dân, những chủ tàu bán hàng khó khăn, những doanh nghiệp chế biến cũng gặp khó về nguồn nguyên liệu, về chi phí kiểm tra, chi phí lưu kho…
Cùng chung tay với Chính phủ trong nỗ lực để EC gỡ “thẻ vàng”, ông Nguyễn Việt Thắng cho rằng, các chủ tàu, ngư dân cần tiếp tục đồng hành cùng chủ trương của Chính phủ, đánh bắt có trách nhiệm trên vùng ngư trường được phép, gắn các thiết bị định vị theo đúng yêu cầu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Hội Nghề cá cũng sẽ vận động bà con thực hiện đúng cam kết khai thác hải sản với EC.
Đại diện Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam đã đưa khuyến nghị của EC vào Luật Thủy sản sửa đổi thì Chính phủ cần giám sát chặt chẽ và người dân cần nghiêm túc thực thi, các trường hợp vi phạm cần được xử lý, để không ảnh hưởng tới hoạt động khai thác chung của ngư dân.
Còn theo đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT, cần tăng cường nâng cấp trang thiết bị trên tàu cá, không vi phạm hải phận nước ngoài khai thác, thay đổi tập quán đánh bắt khai thác tự nhiên sang khai thác có trách nhiệm từ khai báo, sổ sách, ngư trường, hay khắc phục những bất cập về cơ sở hạ tầng từ bến cảng, khu neo đậu... Tái cơ cấu lại ngành, tổ chức lại sản xuất, đi sâu vào chế biến, tìm giải pháp tập trung nuôi xa, tái cơ cấu việc làm của ngư dân trên bờ, phối hợp nhiều giải pháp đồng bộ để xây dựng một nghề kinh tế biển đúng tiềm năng là những biện pháp mà Bộ NN&PTNT đưa ra nhằm hướng tới phát triển thủy sản bền vững.
Được biết, thực hiện các khuyến nghị của EC, gần 6 tháng qua, cơ quan chức năng Việt Nam đã tăng cường việc giám sát tàu cá, tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, từng bước ngăn chặn, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ khai thác IUU tại vùng biển nước ngoài. Với các biện pháp nghiêm khắc hơn, “làm chặt hơn”, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam nhận định, trong 6 tháng tới, thủy sản Việt Nam có khả năng vượt qua những thách thức và EC sẽ rút “thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Kinh nghiệm quốc tế
Được biết, đã từng có nhiều quốc gia trên thế giới phải nhận “thẻ vàng”, thậm chí “thẻ đỏ” từ EC. Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam, đã có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ từng bị EC áp dụng biện pháp phạt thẻ, trong đó có 6 quốc gia đã phải nhận “thẻ đỏ”.
Tại ASEAN, Philippines nhận “thẻ vàng” của EC vào tháng 6/2014 nhưng đã được xóa 10 tháng sau đó vì đã sửa đổi, cải cách hệ thống pháp luật nhằm hướng tới một cách tiếp cận chủ động hơn trong cuộc chiến chống lại nạn đánh bắt cá bất hợp pháp. Philippines tập trung vào 3 nội dung chính: sửa đổi hệ thống khung pháp lý, trọng tâm là Luật Thủy sản và nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm; cải tổ bộ máy quản lý nghề cá, tập trung vào tăng biên chế cho cơ quan thực thi pháp luật và tăng ngân sách cho thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động khai thác trên biển; triển khai chương trình thực thi pháp luật, tập trung vào truy xuất nguồn gốc.
Theo các chuyên gia, việc tái cơ cấu ngành hay liên kết hợp tác cùng hội nhập trong ngành thủy sản vừa là yêu cầu, vừa là động lực cho giai đoạn mới nhằm phát triển theo hướng bền vững và có trách nhiệm, chứ không chỉ đơn giản là câu chuyện đối phó với chiếc “thẻ vàng”. Và, ở một góc nhìn tích cực hơn, như một nhà ngoại giao EU từng nói, đừng xem “thẻ vàng” là một sự trừng phạt, hãy xem đây là động lực giúp Việt Nam hiện đại hóa ngành thủy sản, nâng cao năng lực cạnh tranh tốt hơn so với các nước trong khu vực.