📞

CMCN 4: Một góc nhìn “không sáng” với kinh tế Việt Nam

07:00 | 01/12/2016
Những tiến bộ vượt bậc từ Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4) làm tăng khả năng ngành công nghiệp chế tạo quay trở lại các nước phát triển.

Cuộc CMCN 4, đang làm thay đổi cách thức sản xuất, chế tạo. Trong buổi nói chuyện chuyên đề tại Bộ Ngoại giao, TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phân tích, trong các “nhà máy thông minh”, các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự tính toán toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định, sẽ thay thế dần các dây chuyền sản xuất trước đây.

Vị thế công xưởng mới lung lay

Trước CMCN 4, Việt Nam nhờ lợi thế về địa kinh tế (điểm kết nối của Đông Bắc Á với Đông Nam Á) và lực lượng lao động tương đối rẻ và dồi dào nên hưởng lợi nhiều từ sự dịch chuyển trung tâm trọng lực kinh tế toàn cầu từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam và “Chiến lược Trung Quốc + 1” của các tập đoàn đa quốc gia. Việt Nam tham gia nhiều chuỗi giá trị toàn cầu ở khâu lắp ráp, trở thành một công xưởng mới của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, CMCN 4 có thể sẽ làm thay đổi những điều trên, do làm suy giảm lợi thế lao động giá rẻ, cũng như lợi thế địa kinh tế do CMCN 4 đưa ngành công nghiệp chế tạo quay trở lại các nước phát triển để gần hơn với thị trường tiêu thụ lớn và các trung tâm R&D ở các nước này. Trong tương tác với quá trình toàn cầu hóa, cuộc CMCN 4 sẽ có tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong trung và dài hạn.

Theo TS. Nguyễn Thắng, Công nghiệp chế tạo là nhóm ngành mà Việt Nam sẽ phải chịu tác động mạnh nhất vì ba lý do: Thứ nhất, tác động của cuộc CMCN 4 đến nhóm ngành này rất mạnh. Thứ hai, cơ chế lan truyền tác động của công nghệ trong kinh tế toàn cầu rất nhanh thông qua kênh xuất nhập khẩu do bản chất thương mại quốc tế cao của nhóm ngành này. Thứ ba, những đột phá về công nghệ, đặc biệt là những tiến bộ vượt bậc trong tự động hóa và công nghệ in 3D đang làm đảo ngược dòng thương mại theo hướng bất lợi cho các nước như Việt Nam do làm giảm mạnh lợi thế lao động giá rẻ.

Các ngành xuất khẩu chủ lực bị đe dọa

Ở Việt Nam, ngành dệt may đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, một phần lớn nhờ đơn hàng chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc theo chiến lược “Trung Quốc + 1” của các tập đoàn đa quốc gia do chi phí lao động ở quốc gia này tăng mạnh.

Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi nhanh chóng, đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam giảm mạnh với các yêu cầu giảm giá đáng kể. Công nhân trong các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đang bị kẹt ở giữa trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu, với một bên là nhân công rẻ hơn từ các nước Campuchia, Bangladesh, Myanmar… Phía bên kia, người máy đang được ứng dụng ngày một rộng rãi ở các nước phát triển và cả ở Trung Quốc, dẫn đến sự chuyển dịch của sản xuất trong phân khúc có giá trị cao hơn trở lại các nước phát triển và trở lại Trung Quốc để gần hơn với thị trường tiêu thụ lớn, các trung tâm R&D và các trung tâm cung cấp nguyên vật liệu, phụ kiện.

Triển vọng của ngành dệt may hiện hết sức bấp bênh. Tuy nhiên, tương lai của xuất khẩu giày dép cũng không tươi sáng. Công nghệ in 3D đã tiến bộ đến mức có thể sản xuất giầy ngay tại chỗ. Công nghệ này sẽ sớm được hoàn thiện trong tương lai không xa. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng ở các nước phát triển có thể có ngay một đôi giày sản xuất theo nhu cầu của khách hàng mà không cần phải trải qua quy trình sản xuất hay nhập khẩu từ một quốc gia khác.

Ngành điện tử trong những năm gần đây có những tiến bộ vượt bậc nhờ sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu. Với lợi thế tương đối về lao động giá rẻ và vị trí địa kinh tế thuận lợi, Việt Nam là ngôi sao đang lên trong con mắt các nhà đầu tư quốc tế nhờ xuất khẩu điện tử tăng mạnh. Tuy nhiên, trong trung hạn điều này có thể thay đổi do những công nghệ đột phá của CMCN 4.

Gần đây, Foxconn - Hãng công nghệ lớn nhất thế giới, chuyên sản xuất bộ phận máy tính và lắp ráp sản phẩm cho các "đại gia" Apple, Sony và Nokia đã quyết định sử dụng người máy thay thế 60.000 lao động ở Trung Quốc. Nhiều người đã nghĩ tới việc các tập đoàn đa quốc gia đang hiện diện ở Việt Nam cũng có những bước đi tương tự như Foxconn trong trung hạn.

Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra, bởi sử dụng lao động người máy tiết kiệm được chi phí do giá người máy đang giảm nhanh, có thể vận hành liên tục trong hàng chục giờ mà ít bị lỗi, tránh được chi phí đóng góp an sinh xã hội hay sản xuất gián đoạn do đình công, và cũng không bị cáo buộc đối xử không tốt với người lao động…