📞

Có bắt buộc xác thực sinh trắc học trên app ngân hàng không?

10:38 | 06/07/2024
Từ ngày 1/7/2024, chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt, vậy có bắt buộc xác thực sinh trắc học trên app ngân hàng không?
Có bắt buộc xác thực sinh trắc học trên app ngân hàng không?

1. Từ 1/7, chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực sinh trắc học

Ngày 18/12/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Theo đó, từ ngày 01/7/2024, chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt, cụ thể như sau:

- Nếu chuyển tiền từ dưới 10 triệu đồng/lần và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt.

- Nếu chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần thì bắt buộc phải xác thực bằng khuôn mặt.

- Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay, dù lần tiếp theo đó chỉ chuyển vài nghìn đồng.

Ví dụ, trong ngày 01/7/2024, ông A chuyển tiền lần 1 là 5 triệu đồng, chuyển tiền lần 2 là 10 triệu đồng, chuyển tiền lần 3 là 6 triệu đồng thì đến lần chuyển tiền thứ 4 ông phải xác thực khuôn mặt, vân tay cho dù lần thứ 4 ông có chuyển khoản bao nhiêu tiền đi chăng nữa.

2. Có bắt buộc xác thực sinh trắc học trên app ngân hàng không?

Căn cứ quy định trên thì sẽ có 2 trường hợp xảy ra:

- Nếu chuyển khoản từ dưới 10 triệu đồng/lần và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì không bắt buộc phải xác thực sinh trắc học trên app ngân hàng.

- Nếu chuyển khoản trên 10 triệu đồng hoặc tổng các lần chuyển trong ngày trên 20 triệu đồng thì bắt buộc phải xác thực sinh trắc học trên app ngân hàng.

3. 04 trường hợp bắt buộc phải ra ngân hàng nếu muốn chuyển khoản trên 10 triệu

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN thì dữ liệu khuôn mặt mà các ngân hàng thu thập được buộc phải trùng khớp với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ CCCD do chính cơ quan công an công an cấp; hoặc xác thực bằng tài khoản định danh điện tử (VNeID) do hệ thống định danh điện tử tạo lập.

Như vậy, từ 01/7/2024, 4 trường hợp sau đây phải ra ngân hàng nếu muốn chuyển khoản trên 10 triệu một lần hoặc trên 20 triệu trong ngày:

- Khách hàng chưa có CCCD gắn chip hoặc thẻ căn cước, chỉ có CMND hoặc CCCD mã vạch

- Khách hàng chưa thể cập nhật sinh trắc học trên app ngân hàng và được xác thực đã hoàn thành do lỗi kỹ thuật từ hệ thống

- Khách hàng đã xác thực thành công dữ liệu sinh trắc học trên app ngân hàng. Nhưng từ 01/7/2024, khuôn mặt của khách hàng không khớp với dữ liệu trong CCCD gắn chip (do thay đổi một số nét trên khuôn mặt dẫn tới dữ liệu không trùng khớp) tại thời điểm thực hiện giao dịch chuyển tiền, nạp tiền vào ví điện tử hay chuyển tiền liên ngân hàng, hoặc thanh toán các giao dịch khác với giá trị lớn, khách hàng cũng phải ra quầy giao dịch

- Trường hợp ách tắc giao dịch trong một số ngày đầu tiên khi Quyết định 2345/QĐ-NHNN chính thức có hiệu lực khiến giao dịch chuyển tiền giá trị lớn bị nghẽn, khách hàng cũng phải ra quầy nếu có nhu cầu.

4. Vì sao nên xác thực sinh trắc học trên app ngân hàng?

Thời gian qua, có rất nhiều vụ lừa đảo với thủ đoạn yêu cầu người dân cài đặt app lạ, truy cập đường link lạ, từ đó bị kẻ gian chiếm quyền sử dụng điện thoại và chuyển hết tiền trong tài khoản sang tài khoản khác.

Tuy nhiên, nếu đã cập nhật xác thực bằng khuôn mặt, đối với các giao dịch lớn thì kẻ gian sẽ rất khó để có thể lấy được tiền trong tài khoản do kẻ gian không có dữ liệu khuôn mặt, cho dù có kiểm soát được điện thoại đi chăng nữa.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều vụ lừa đảo khác liên quan đến tài khoản ngân hàng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó đoán.

Cho nên, nếu đã có CCCD gắn chíp hoặc sau ngày 01/7 là thẻ căn cước thì hãy nhanh chóng cập nhật thông tin khuôn mặt trên app ngân hàng hoặc trực tiếp tại ngân hàng, việc này chỉ cần làm một lần nhưng nó sẽ giúp tăng cường bảo mật cho tài khoản ngân hàng rất nhiều trong tương lai.