📞

Cơ cấu lại nền kinh tế: Chấp nhận 'lột xác' để không lỡ nhịp với thế giới?

Kim Hồng 17:17 | 30/10/2021
Thảo luận luận về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, sáng ngày 30/10, các đại biểu Quốc hội cho rằng, chúng ta nên chấp nhận một cuộc lột xác cho nền kinh tế, tập trung vào những đối tượng thật chọn lọc, không giải cứu, hỗ trợ đại trà, dàn trải…

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc.

Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu cho rằng sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, áp dụng mô hình kinh tế phù hợp, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để tạo động lực tăng trưởng.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đồng thời cũng tham gia nhiều ý kiến về tồn tại, hạn chế, bất cập và nhấn mạnh đến 5 mục tiêu không hoàn thành, đặc biệt là 3 nhiệm vụ trọng tâm không đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra, gồm cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Chấp nhận một cuộc “lột xác”

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), cho rằng, thông qua dữ liệu cập nhật về xếp hạng tín nhiệm quốc gia, đặt trong sự so sánh với nhóm quốc gia “hàng xóm” thì mức tín nhiệm hiện nay của Việt Nam vẫn còn khoảng cách tương đối khi so sánh với những đối thủ như Malaysia, Thái Lan, Indonesia hay Philippines, thậm chí cả Ấn Độ.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu từ đầu cầu Quảng Trị.

Đây là những thành tích về chống dịch và kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2020 của nước ta đã được phản ánh vào kết quả xếp hạng được đề cập. Còn tỷ lệ bao phủ vaccine xét theo tiêu chí dân số được tiêm đủ 2 mũi trên tổng dân số quốc gia, số liệu quốc tế cập nhật nhanh cho thấy ta mới đạt ở mức gần 25%, bắt kịp được Ấn Độ, Philippines và Indonesia nhưng vẫn còn cách khá xa so với Malaysia, thậm chí cả Thái Lan.

“Việt Nam sẽ ở đâu khi chịu tác động tiêu cực và nặng nề của đợt dịch lần thứ tư? Liệu các đối thủ hàng xóm có đứng im, hay chỉ đi lững thững để xem chúng ta chạy không? Liệu kinh tế Việt Nam có lỡ nhịp với kinh tế thế giới và khu vực?”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu vấn đề.

Ông Đồng cũng cho rằng, rõ ràng, năng lực cạnh tranh quốc gia của chúng ta đang là một vấn đề và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 không thể không quan tâm đúng mức.

Quan sát khía cạnh doanh nghiệp, số liệu thống kê 9 tháng năm nay có 45.100 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, tăng 16,7%; 32.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 17,4%; 12.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9% so với cùng kỳ.

Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường diễn ra ở hầu hết các ngành, tuy nhiên tập trung nhiều vào ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, công nghiệp chế biến, xây dựng, dịch vụ lưu trú và ăn uống, kinh doanh bất động sản, giáo dục và đào tạo.

Nhìn ra thế giới, chính đại dịch Covid-19 là một nhân tố quan trọng, một động lực đáng kể thúc đẩy xu hướng phát triển mới là tăng trưởng xanh, thương mại điện tử và kinh tế số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi nghề tại nhiều quốc gia. Chính phủ cũng nhìn nhận đây là cơ hội cho những nước đi sau.

Theo đại biểu đoàn Quảng Trị, như Việt Nam, việc lựa chọn đầu tư, sắp xếp lại chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu, cơ hội cho chúng ta có điều kiện tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là chuyển đổi số, thu hút hợp tác về cơ sở hạ tầng, mở rộng thị trường xuất khẩu.

“Phải chăng chúng ta nên chấp nhận một cuộc lột xác cho nền kinh tế”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Đại biểu này cho rằng, chúng ta sẽ không phải giải cứu, hỗ trợ đại trà, dàn trải cho mọi doanh nghiệp. Thay vào đó, Chính phủ cần tập trung nguồn lực hạn hẹp cho những đối tượng thật chọn lọc nhằm đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể mà kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra.

Chặng đường mới của cơ cấu kinh tế đứng trước nhiều khó khăn nhưng cuộc khủng hoảng này cũng là một cơ hội để quyết tâm sàng lọc, đào thải và phát triển mới để thúc đẩy các cuộc cách mạng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực.

Phải đặt kế hoạch trong tổng thể

Chia sẻ với những khó khăn rất lớn với Bộ kế hoạch và Đầu tư với vai trò nhạc trưởng, tham mưu kế hoạch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) băn khoăn những kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trình kỳ họp này, khi một số kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn trước còn khá nhiều hạn chế và lúng túng.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu.

Đáng chú ý là quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch vùng chưa kể đề án thể chế liên kết vùng giai đoạn 2021-2030 nhằm phát huy vai trò các vùng kinh tế trọng điểm trong đổi mới mô hình tăng trưởng được xem là nhiệm vụ trọng yếu vẫn chưa thai nghén. Mặc dù báo cáo kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã tô đậm những kết quả đạt được.

Theo đại biểu này, tỷ trọng đóng góp của FDI so với khu vực tư nhân vào toàn bộ nền kinh tế cho thấy kết quả cơ cấu thành phần kinh tế chưa có sự chuyển biến khi 5 năm qua, xuất khẩu của FDI vẫn chiếm từ 70% trở lên khoảng 20% GDP trên 50% giá trị xuất khẩu công nghiệp.

“Như vậy 5 năm tới với kế hoạch này liệu có thay đổi được cục diện, trong khi khu vực tư nhân vẫn đang trong giai đoạn hồi sức thì FDI không ngừng mở rộng giữa cơn bão đại dịch, chúng ta có thể cơ cấu lại khối FDI hay khu vực tư nhân bằng mệnh lệnh hành chính hay không”, đại biểu nêu.

Đại biểu băn khoăn, hiện có 50/130 đề án phải trình trong năm nay khi chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm.

Gần 80 đề án, chương trình còn lại sẽ thực hiện theo giai đoạn có cái đến cả năm 2025 đại biểu này lo ngại, liệu có kịp thẩm thấu để nền kinh tế có thể được trợ lực hấp thu và chuyển biến khi độ trễ chính sách vẫn là căn bệnh trầm kha, chưa kể quyết định thành công của kế hoạch đến từ chất lượng công tác điều hành, công tác quản trị quốc gia mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc đã nêu.

Đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng, quan trọng nhất là phải đặt kế hoạch này trong tổng thể các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, trong đó trọng yếu là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, các xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số mà kế hoạch cũng đã nhắc đến.

Không rập khuôn máy móc

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh).

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) tha thiết mong các địa phương không sao chép các chỉ thị, nghị quyết một cách rập khuôn máy móc như trước; không đưa vào kế hoạch và chương trình hành động những việc mà chính mình chưa biết phải làm như thế nào.

Đại biểu này cho rằng, cần tập trung xác định những nút thắt của nền kinh tế của ngành mình, của địa phương mình. Từ đó đưa ra những biện pháp cụ thể, khả thi để khơi thông và tạo động lực cho các ngành, các địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững.

“Nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa được những nút thắt thì cũng như ta xây dựng đường cao tốc mà không giải tỏa được những điểm nghẽn”, đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, cơ cấu lại nền kinh tế, nếu các ngành, các địa phương bắt đầu từ những mâu thuẫn trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, từ những bức xúc của người dân và doanh nghiệp thì sẽ tìm ra và tháo gỡ được những nút thắt, tạo ra được những thay đổi mang tính đột phá, đó là một trong những phương thức để có thể cơ cấu lại nền kinh tế thiết thực nhất, mạnh mẽ nhất và hiệu quả nhất.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng phân tích, cho ý kiến về quan điểm và mục tiêu tổng quát; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025; nguồn lực và phương thức huy động, tổ chức thực hiện…