Nhỏ Bình thường Lớn

Cơ chế, chính sách đặc thù cho đặc khu kinh tế

Tiếp tục chương trình Hội thảo “Khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế - Kinh nghiệm và cơ hội” lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Ninh, ngày 21/3, các đại biểu đã chia nhóm để tiến hành tọa đàm theo từng chuyên đề. Các nhóm chuyên đề gồm: Thể chế và hạ tầng kinh tế; Cơ chế tài chính và tiền tệ; Ngành nghề - lựa chọn và phát triển; Thể chế hành chính và nguồn nhân lực.

Với sự tham gia của gần 400 lãnh đạo các bộ ngành, các chuyên gia, diễn giả hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế trong và ngoài nước, các phiên họp chuyên đề lần này tựu chung lại là tìm ra cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho đặc khu kinh tế.

Thể chế và hạ tầng kinh tế

Dưới sự chủ trì của ông Phạm Minh Chính, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh; ông Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương và bà Đào Nhất Đào, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thể chế và hạ tầng kinh tế cho đặc khu kinh tế. Có thể nói, đây là chuyên đề thu hút được sự quan tâm và chú ý của đông đảo các đại biểu cũng như phóng viên báo chí.

Dẫn đề buổi Tọa đàm, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn là làm cho kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Muốn vậy phải phát triển trình độ sản xuất ở mức độ cao, phát triển các dịch vụ cao cấp, bộ máy quản lý phải tinh gọn và hiệu quả, an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo tốt hơn. Cơ cấu ngành nghề của đặc khu kinh tế chủ yếu là dịch vụ du lịch biển cao cấp với casino quy mô lớn; công nghệ thông tin và truyền thông tự do ở mức độ cao nhất; dịch vụ tài chính ngân hàng phát triển.

Trên cơ sở đó, các thể chế như: thuế, đất đai… phải cạnh tranh được ở quy mô toàn cầu. Thể chế hành chính phải tinh gọn và hiệu quả. Mô hình chính quyền đô thị hai cấp, không tổ chức Hội đồng nhân dân và Bí thư đồng thời là Chủ tịch ủy ban hành chính. Về phát triển hạ tầng, ông Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, Vân Đồn cần có cảng hàng không quốc tế, đồng thời khẳng định việc xây dựng hạ tầng cho đặc khu kinh tế này, ưu tiên số một là xây dựng sân bay.

Ý kiến gợi mở của ông Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã nhận được sự đồng tình của các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm. Ông Ravni Thakur, Giáo sư Đại học DELHI Ấn Độ cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng hầu hết các chính phủ đã đầu tư các khoản tiền cần thiết để tạo ra cơ sở hạ tầng khu vực và cũng đã có trách nhiệm tiếp thị các khu vực này trên phạm vi quốc tế. Năm 2005, Luật Đặc khu kinh tế của Ấn Độ đã vạch ra vai trò chủ chốt cho chính quyền nhà nước trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và tạo ra cơ sở hạ tầng có liên quan. Cơ chế phê duyệt đặc khu kinh tế một cửa đã được đưa ra thông qua một Hội đồng phê duyệt đặc khu kinh tế liên bộ 19 thành viên là cơ quan hành chính cao nhất và đứng đầu do một Thư ký của Bộ Thương mại và là Bộ chính cho tất cả các chính sách liên quan đến đặc khu kinh tế. Và thông qua Luật này các điều kiện thuận lợi được quy định để thu hút đầu tư.


Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm phát biểu ý kiến tại buổi Tọa đàm.

Các đại biểu đều khẳng định, Quảng Ninh và Vân Đồn phải có phương án xây dựng thể chế vượt trội, áp dụng hình mẫu tốt nhất của các đặc khu trên thế giới nếu không sẽ thua. Vì vậy, việc đề xuất các thể chế thực thi hay chính sách ưu tiên cho Vân Đồn phải hướng tới cởi bỏ ràng buộc theo hướng tự do hóa cao nhất về kinh tế, minh bạch và công khai môi trường xã hội, công bằng và công minh môi trường pháp lý và đơn giản, gọn nhẹ nhất về thể chế hành chính.

Cơ chế tài chính - tiền tệ

Là một trong những chuyên đề được sự chú ý của không ít lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, chuyên đề “Cơ chế tài chính - tiền tệ” sẽ giải đáp được câu hỏi: Nguồn lực nào sẽ đầu tư vào các đặc khu kinh tế? Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và ông Lý Quốc Hoa, Viện trưởng Viện Kinh tế Đại học Thẩm Quyến đã cùng chủ trì phiên thảo luận.

Theo Giáo sư Vương Tô Sinh, Trường Đại học Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) các đặc khu kinh tế mới xây dựng thường khó thu hút doanh nghiệp do chưa có hạ tầng đồng bộ. Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đặc khu kinh tế Thâm Quyến của Trung Quốc, ông Vương Tô Sinh khẳng định cần khai thác tối đa nguồn lực từ đất đai. “Hơn 30 năm trước, Trung ương chỉ cho Trung Quốc 200 triệu tệ. Nhưng do biết khai thác nguồn lực từ đất đai (chiếm ½ tổng đầu tư) nên Thâm Quyến đã đầu tư được hạ tầng khá đồng bộ và thu hút đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất khá phong phú”, ông Sinh khẳng định.

Trong khi đó, ông Đỗ Việt Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Bộ Tài chính cho rằng, khi xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn cần có sự “hỗ trợ” của Nhà nước về chính sách thuế nói chung và các ưu đãi khác từ nguồn thu của tỉnh Quảng Ninh. Cho rằng Quảng Ninh đã có những yêu cầu với Trung ương các chính sách ưu đãi về thuế nhưng cần cụ thể hóa chi tiết hơn nữa, đặc biệt là về đất đai, thuế đối với doanh nghiệp đầu tư vào Vân Đồn.

Cùng đồng tình với các ý kiến trên, ông Jong Cheol Lee, Cao ủy Khu Kinh tế tự do Incheon, Hàn Quốc khẳng định, Khu Kinh tế tự do Incheon, Hàn Quốc có nhiều ưu đãi, khuyến khích từ phía Chính phủ. Ngoài ra, có nguồn nhân lực dồi dào, có quỹ đất và từng bước hoàn thiện hạ tầng thiết yếu. Incheon kêu gọi nhà đầu tư trong việc xây dựng hạ tầng. Mô hình hợp tác này đã mang lại lợi ích rất tốt. Ông Jong Cheol Lee khuyến nghị, Quảng Ninh muốn phát triển đặc khu kinh tế cũng phải tính đến các yếu tố này.


Tại các phiên tọa đàm khác, các đại biểu tiếp tục có những đóng góp ý kiến cho việc lựa chọn ngành nghề để phát triển đặc khu kinh tế, đồng thời chỉ ra những thể chế hành chính và nguồn nhân lực để thực hiện thành công đặc khu tại Vân Đồn Quảng Ninh.

Theo chương trình Hội thảo, buổi chiều tiếp tục phiên tọa đàm giữa lãnh đạo 4 tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng với cộng đồng doanh nghiệp. Sau đó, Hội thảo sẽ họp phiên Bế mạc.

Tuấn Anh