Nhỏ Bình thường Lớn

Cô dâu Việt ở Thanh Viễn

Ở một số vùng núi xa xôi hẻo lánh thuộc Tân Viễn (Trung Quốc) có khá nhiều phụ nữ Việt Nam tới ở. Theo giới thiệu của quan chức Phòng Dân chính huyện Thanh Tân, thành phố Thanh Viễn thì cho đến nay, chí ít đã có tới hàng trăm phụ nữ Việt Nam “được” gả tới huyện này và đã sinh con đẻ cái. Các khu vực miền núi xa xôi khác của Quảng Đông như Thiều Quan, Mai Châu…, thậm chí tại các miền núi xa xôi của Quảng Tây cũng có hiện tượng tương tự.

Chính quyền khó giám sát      

 

Thanh Tân là một trong 100 huyện trọng điểm được giúp đỡ xóa đói giảm nghèo trong cả nước. Các phóng viên được biết, chí ít từ năm 1992, một số phụ nữ Việt Nam thông qua môi giới phi pháp đã tới vùng miền núi xa xôi của huyện này kết hôn với đàn ông bản địa lớn tuổi.

 

Hà Trác Phi, người phụ trách Trung tâm đăng ký kết hôn, Phòng Dân chính huyện cho biết, dự đoán hiện có tới mấy trăm phụ nữ Việt Nam “kết hôn xuyên quốc gia” với đàn ông bản địa, phần lớn vào Trung Quốc không thông qua con đường bình thường.

 

“Ba năm gần đây, đã có một số đàn ông bản địa “cưới” phụ nữ Việt Nam đến Phòng Dân chính đăng ký kết hôn, nhưng cuối cùng cũng không thành công”, Hà Trác Phi nói. Bởi hôn nhân của họ không thể đăng ký được theo pháp luật hiện hành của Trung Quốc. Tuy vậy, về căn bản cũng chẳng có biện pháp gì ngăn chặn được hiện tượng này, trong khi đó, những cuộc hôn nhân không có giấy chứng nhận kết hôn thì không được pháp luật bảo vệ. “Từ năm 1992 đến 2002 là thời kỳ phụ nữ Việt Nam nhập cảnh phi pháp và lấy chồng, rồi sinh con đẻ cái”, Hà Trác Phi cho biết thêm.

 

“Khó mà khống chế được hiện tượng hôn nhân siêu quốc gia phi pháp giữa đàn ông bản địa với phụ nữ Việt Nam, bởi ở những vùng núi xa xôi đó, chính quyền quản không nổi”, một quan chức địa phương nói một cách ngượng ngập.

 

Nghèo là gốc của vấn đề

 

Hà Trác Phi nói: “Những địa phương phát sinh hôn nhân phi pháp phần lớn là vùng miền núi xa xôi, nghèo nàn. Tại đó, đàn ông đều rất nghèo, không có trình độ văn hóa gì, rất khó kiếm được vợ địa phương, một số người dường như độc thân suốt đời”. Trong khi đó, con gái địa phương đều muốn chạy đi nơi khác, tạo thành mất cân đối tỷ lệ nam, nữ tại chỗ. Phụ nữ Việt Nam nhập cảnh phi pháp đã là một bước ngoặt để số đàn ông này giải quyết vấn đề lấy vợ.

 

Trình độ trí thức thấp kém, ý thức pháp luật mờ nhạt, là “điểm chung” của những người đàn ông bỏ tiền ra  “cưới” phụ nữ Việt Nam. Theo giới thiệu của một quan chức huyện này thì chính quyền địa phương đã không ngừng cấm những vụ cưới phụ nữ Việt Nam phi pháp, nhưng rất nhiều người không biết đó là hành vi phi pháp. “Thậm chí có khi lấy vợ Việt mang về giấu đi, đợi đến khi có con mới công khai”. Một điều nữa khiến các cơ quan thi hành pháp luật khó làm là hơn 10 năm nay, chính quyền địa phương không hề nhận được bất kỳ tố cáo nào của dân chúng.

 

Bà Nguyễn Kim Phượng, một phụ nữ Việt Nam được “cưới” như thế, cho biết, cuộc sống ở đây khá lắm. Mặc dù chỉ ở nhà gạch, thu nhập gia đình chỉ dựa vào việc bán hàng tạp hóa và làm ruộng, với ba người con gái, bà vẫn mỉm cười với cuộc sống. Họ không có quá nhiều yêu cầu, chỉ cần ăn no, mặc ấm, sống cuộc sống tương đối tốt là được rồi.

Nguyễn Kim Phượng, hơn 40 tuổi, bị tổ chức “mẹ mìn” bán cho một người đàn ông nghèo ở Thanh Viễn lớn hơn mình 13 tuổi. Từ chỗ không ưa thích tới ưa thích, đã từ chỗ không thích ứng đến chỗ không bỏ được, bà sống ở thôn Hạ Kinh, Hòa Vân suốt 17 năm nay. Không có giấy chứng nhận kết hôn, thậm chí ngay đến chứng minh thư cũng không có, nhưng bà đã coi nơi đây là nhà mình. Chỉ tiếc là bà vẫn không có hộ khẩu Trung Quốc.

 

Bà Phượng cho biết, trước khi sang Trung Quốc, bà sống tại một huyện nhỏ thuộc Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, bà ở nhà bán hàng tạp phẩm và năm 24 tuổi được một người rủ đi làm xa, nhưng thực chất là bị lừa bán sang Trung Quốc. Trần Kỷ Tường, chồng bà Phượng nhớ lại năm 1992, khi gặp bà Phượng, ông đã 35 tuổi, “nhà rất nghèo, không cưới nổi vợ, được người ta giới thiệu có một phụ nữ Việt Nam, chỉ cần bỏ ra 3.000 NDT là có thể lấy về làm vợ, sau khi ngã giá là 2.500 NDT”. Tường đang rất muốn lấy vợ nên thấy Phượng trẻ trung, đã hạ quyết tâm vay họ hàng 2.000 NDT, cộng với 500 NDT tiền để dành...

 

Từ đó, hai vợ chồng chung sống hòa thuận, ngoài việc làm nông ra còn mở một cửa hàng nhỏ nên đời sống vật chất cũng dễ chịu. Trong ba người con của họ, đứa lớn 16 tuổi đang học lớp 10, đứa thứ 15 tuổi đang học trung học cơ sở, còn cô út 13 tuổi đang học lớp 5.

17 năm qua, bà Phượng đã về thăm quê ba lần (có lần đi cùng chồng con). Anh trai bà cũng đến thăm em gái hai lần qua đường du lịch. Khi phóng viên hỏi gia đình ở Việt Nam có cần bà gửi tiền về không, bà nói:  “Mẹ và anh trai tôi hiện nay sống ở nội thành, điều kiện tốt hơn tôi nhiều. Có lần tôi muốn gửi tiền cho mẹ nhưng rốt cuộc lại thành mẹ gửi tiền cho tôi”...

 

Nguyện vọng tha thiết của bà Phượng là được có hộ khẩu Trung Quốc, bởi nguyện vọng của bà là ở đây mãi mãi với gia đình mình.

 

Trường hợp khác là bà Hoàng Vỹ Trân đang sống ở huyện Thanh Tân. Cả gia đình ở trong một căn phòng rộng chưa tới 15m2 nhưng có gác phụ, nhà có TV, môtô... Nói về cuộc sống của mình, bà cho biết: “Chồng tôi đối xử với tôi rất tốt. Chúng tôi có hai con trai đã lớn, nên dù nhớ quê hương, nhưng tôi không muốn rời xa tổ ấm của mình”.

15 năm qua, Hoàng Vỹ Trân đã về quê hai lần, lần gần đây nhất là vào tháng 6/2007, “lần về đó mang theo 1.500 NDT, bố mẹ tôi mừng lắm”.      

 

Quốc Anh (Theo Tân Khoái báo)