📞

Cơ hội chiêm ngưỡng cực quang rực rỡ trong tháng 6

Hoàng Trung Hiếu 21:53 | 28/05/2024
Vết đen trên Mặt trời đã tạo ra cực quang rực rỡ vào tháng 5 sẽ sớm "quay mặt" về Trái đất một lần nữa. Người ta hy vọng có thể quan sát cực quang vào những đêm trăng non trong tháng Sáu.
Cực quang màu đỏ có thể được quan sát thấy trên bầu trời Trái đất, từ nhiều quốc gia. (Nguồn: Live Science)

Nếu bạn muốn ngắm nhìn cực quang từ Bắc bán cầu, hãy lái xe dưới bầu trời tối vào tuần đầu tiên của tháng Sáu.

Cơn bão địa từ mạnh nhất Trái đất trong hơn hai thập kỷ xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến ngày 12/5, tạo nên những cực quang đầy màu sắc, có thể quan sát được từ bang Florida và Mexico.

Đây là kết quả của ít nhất năm cơn bão Mặt trời “tấn công” Trái đất cùng lúc, tất cả đều xuất phát từ một vết đen (thực chất là một vùng tối) được gọi là "vùng hoạt động 3664" (còn có tên gọi khác là AR3664). Vết đen có diện tích rộng hơn Trái đất 15 lần. Các hạt tích điện từ đó phóng ra, sau đó va chạm với từ trường Trái đất, tạo ra các cực quang rực rỡ trên bầu trời.

Vì Mặt trời tự quay quanh trục của nó cứ 27 ngày một lần, nên vết đen biến mất khỏi tầm nhìn từ Địa cầu, rồi sau đó lại xuất hiện. Mang tên AR3664, vết này sắp có thể được nhìn thấy trở lại khi Mặt trời quay mặt về Trái đất một lần nữa trong kỳ trăng non vào ngày 6/6.

Ryan French, nhà vật lý thiên văn tại Đài quan sát Mặt trời quốc gia (NSO) ở Boulder (bang Colorado, Mỹ) nói với Live Science: “Ngay khi vết đen Mặt trời bắt đầu xuất hiện, chúng ta sẽ có cơ hội nhìn ngắm cực quang”.

Đầu tháng 6 là thời điểm Trái đất bị ảnh hưởng bởi bão Mặt trời nhiều nhất, dẫn đến một đợt cực quang xuất hiện ở vĩ độ thấp.

Theo Live Science, ngay cả sau kỳ trăng non của tháng 6, vẫn có thể có những cơ hội khác để ngắm cực quang trong năm nay.

Các vết đen dự báo xuất hiện với tần suất cao hơn và gây ra các cơn bão mạnh hơn trong thời kỳ cao điểm của chu kỳ hoạt động của Mặt trời.

(theo Live Science)