📞

Cơ hội cho nước mắm Phú Quốc tại thị trường Châu Âu

11:20 | 24/07/2014
Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của khối ASEAN được Liên minh châu Âu (EU) cấp Giấy chứng nhận Bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ hội cho nước mắm Phú Quốc gia nhập thị trường châu Âu song cũng đặt ra nhiều thách thức khi phải đáp ứng được chất lượng đã đăng ký cũng như kiểm soát được vấn đề hàng giả, hàng nhái.
Nước mắm Phú Quốc được bảo hộ tại thị trường EU dưới dạng tên gọi xuất xứ được bảo hộ (PDO).

Thông tin vừa được đưa ra tại Hội thảo: “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm và kinh nghiệm đăng ký GI ở châu Âu” do Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban tỉnh Kiên Giang và Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (Mutrap) tổ chức tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, khi đạt được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý của châu Âu, sản phẩm nước mắm Phú Quốc sẽ phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt từ nguồn nguyên liệu đầu vào (là cá cơm) đến quy trình sản xuất và đóng chai.

Cụ thể, vùng đánh bắt cá nguyên liệu dùng để chế biến nước mắm Phú Quốc phải là vùng biển Kiên Giang, Cà Mau. Tỷ lệ cá cơm trong nguyên liệu chế biến tối thiểu là 85%.Bên cạnh đó, việc bao gói tại cơ sở sản xuất phải nằm trên địa bàn huyện Phú Quốc nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như tránh được việc làm hàng giả, hàng nhái.

“Các doanh nghiệp nước mắm Phú Quốc phải nhìn nhận rõ những thách thức, khó khăn khi tham gia chỉ dẫn địa lý. Đó là những hàng rào kỹ thuật, những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm và các vấn đề đảm bảo môi trường mà EU đặt ra”, bà Thoa nhấn mạnh.

Trước đó, tháng 10/2012, Liên minh châu Âu đã trao chứng nhận tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm của tỉnh Kiên Giang, được bảo hộ tại thị trường EU dưới dạng tên gọi xuất xứ được bảo hộ (PDO).Việc bảo hộ này không những nâng cao uy tín thương hiệu nước mắm Phú Quốc trên thị trường thế giới, tạo điều kiện thuận lợi đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, mà còn góp phần thúc đẩy thương mại, đưa sản phẩm truyền thống này hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Bryan Fornari, Phó Ban Hợp tác và Phát tiển, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Giấy chứng nhận tên gọi xuất xứ (PDO) có thể được xem như một công cụ tiếp thị quan trọng và giúp cho nước mắm Phú Quốc bán chạy hơn ở EU và các thị trường khác. Cần phải nghiên cứu tìm ra cách làm sao cho chứng chỉ PDO có thể đem lại lợi nhuận thông qua một chiến lược tiếp thị hiệu quả, cho phép thương hiệu sản phẩm trở nên nổi tiếng bởi chất lượng của hính sản phẩm đó.”

Theo Hội nước mắm Phú Quốc, hiện có 68/80 doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thương hiệu nước mắm Phú Quốc. Ước tính mỗi năm các doanh nghiệp này cung cấp ra thị trường khoảng 24 triệu lít nước mắm Phú Quốc. Tuy nhiên, do thương hiệu này đang rất nổi tiếng nên tình trạng làm giả, nhái thương hiệu vẫn còn khá phổ biến.

Bà Nguyễn Thị Tịnh - Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc nhẩm tính, hàng năm, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 180-200 triệu lít nước mắm nhãn hiệu Phú Quốc, trong khi năng lực sản xuất của các nhà thùng chính hiệu ở Phú Quốc chỉ khoảng 20-25 triệu lít/năm, tức chỉ có khoảng 10-20% nước mắm mang tên Phú Quốc trên thị trường là hàng xịn.

Bà Tịnh lưu ý nước mắm Phú Quốc chính hiệu có 3 loại tem, đó là tem về mã số sản phẩm (được dán trên cổ chai), logo chung về Phú Quốc và logo dán chỉ dẫn địa lý của châu Âu, trong đó tem về mã số sản phẩm sẽ được cấp theo tên của từng doanh nghiệp khi đạt các tiêu chuẩn về chỉ dẫn địa lý.

Để mở rộng kênh phân phối, tại thị trường miền Bắc, nhiều doanh nghiệp như Hapro, Fivimart, BigC, Công ty cổ phần chợ Đồng Xuân... đã ký kết tiêu thụ sản phẩm nước mắm Phú Quốc chính hiệu, đây sẽ là cơ sở để người tiêu dùng có thể lựa chọn đúng sản phẩm cũng như chống lại hàng giả, hàng nhái đối với mặt hàng này.

Vi Khanh