Có thể, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này bị ảnh hưởng, bởi đây là hai thị trường lớn trong xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần có sự liên kết để cùng đứng vững trong thời kỳ khó khăn này.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm bằng kim loại, công cụ, máy tạo hình và gia công cơ khí, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty TNHH SKD Việt Nam cho hay, cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc nổ ra, tất nhiên sẽ có tác động lớn tới kinh tế thế giới. Kinh tế Việt Nam chắc cũng không tránh được, mà sẽ chịu ảnh hưởng cả về hai mặt tiêu cực và tích cực.
Cần cảnh giác với chiêu “núp bóng”, lấy thị trường Việt Nam làm chỗ né xuất xứ rồi xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ. (Nguồn: Nhadautu) |
Ở chiều hướng tích cực, rõ ràng, ở một số mặt hàng sẽ có được cơ hội để xuất khẩu, tìm kiếm đơn hàng sang Mỹ. Công ty TNHH SKD Việt Nam cũng đã có các đơn hàng với Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… nhưng với các nước có sự kiểm soát chặt chẽ như Mỹ, Nhật Bản, doanh nghiệp vẫn chưa thể chen chân vào, do những yếu tố cạnh tranh về chất lượng và giá thành sản phẩm…
Theo ông Kết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung rất có thể là cơ hội cho doanh nghiệp nâng cấp sản phẩm, tìm kiếm các bạn hàng mới. Cơ hội là vậy, nhưng sẽ rất khó để tận dụng. Đồng thời, các mặt hàng của Trung Quốc như động cơ, thiết bị sẽ được bán rẻ hơn, để đẩy hàng đi và đó có thể là cơ hội cho doanh nghiệp Việt nhập khẩu hàng hóa.
Tuy nhiên, khả năng tác động tiêu cực, chắc chắn sẽ là nhiều hơn. Dễ thấy nhất là lượng lớn mặt hàng cơ khí, các thiết bị, linh kiện từ Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam và cạnh tranh với hàng Việt. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Ông Kết bày tỏ: “Chúng ta cũng cần hết sức cẩn thận với việc lẩn tránh thuế. Đặc biệt là với cộng đồng doanh nghiệp. Khi hàng Trung Quốc giá rẻ được nhập vào Việt Nam thông qua các doanh nghiệp, rồi tìm kiếm con đường xuất khẩu sang Mỹ. Nếu doanh nghiệp ham lợi cho riêng mình, sẽ ảnh hưởng đến cả một ngành hàng quốc gia, bởi phía Mỹ sẽ áp thuế lẩn tránh vào sản phẩm Việt Nam.”
Theo ông Kết, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp nhỏ phải liên kết lại để tăng sức cạnh tranh. Ngoài ra, vai trò của cơ quan quản lý như thuế, hải quan và cả người tiêu dùng… cần nhìn nhận và có biện pháp thế nào về thị trường. Nhà nước phải tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhận định, trước mắt ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa lan tới hai ngành dệt may và da giày xuất khẩu. Bởi, các mặt hàng Mỹ đánh thuế đợt đầu lên hàng hóa Trung Quốc chủ yếu là nhóm công nghệ, kỹ thuật cao.
Nhưng giai đoạn kế tiếp, khả năng Mỹ tiếp tục áp thuế vào hàng Trung Quốc sẽ lan sang các nhóm ngành hàng khác; trong đó, tập trung vào hàng tiêu dùng như giày dép, quần áo... Khi đó, ngành da giày xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp với cả cơ hội và nguy cơ.
Nếu thuận lợi, đơn hàng có thể tăng đột biến từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam, khi các nhà nhập khẩu muốn tránh bị áp thuế cao ở thị trường Trung Quốc và Việt Nam là sự lựa chọn đầu tiên. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam trước các áp lực về đất đai xây dựng nhà máy, lao động…
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, thời gian qua đã có sự dịch chuyển về số lượng đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam và sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục diễn ra. Vì vậy cần cảnh giác với chiêu “núp bóng”, lấy thị trường Việt Nam làm chỗ né xuất xứ rồi xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ.
Các doanh nghiệp dệt may cũng cho biết, hiện cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa thấy tác động cụ thể đến xuất khẩu dệt may. Do đó, điều doanh nghiệp cần lúc này là thông tin cụ thể, cảnh báo sớm những diễn biến về cuộc chiến thương mại từ cơ quan quản lý để doanh nghiệp chủ động, có giải pháp ứng phó.