Lệnh cấm xuất khẩu gali và germani của Trung Quốc sang Mỹ là diễn biến mới nhất trong sự cạnh tranh giữa hai nước. (Nguồn: Reuters) |
Các sản phẩm như gali, germani, antimon được gọi là các mặt hàng có mục đích sử dụng kép, có thể được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn và cho nhiều ứng dụng quân sự, công nghệ.
Cứng rắn và phòng thủ
Động thái của Trung Quốc là phản ứng trực tiếp đối với lệnh kiểm soát xuất khẩu mà Mỹ áp đặt lên Bắc Kinh vào ngày 2/12. Trọng tâm cạnh tranh của hai nền kinh tế lớn nhất chủ yếu xoay quanh thương mại, sản xuất công nghệ quân sự và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).
Bà Claire Reade, cố vấn cấp cao của công ty luật Arnold & Porter tại Washington, đồng thời là chuyên gia về quan hệ thương mại Mỹ-Trung nhận định: "Đây là sự cứng rắn và phòng thủ từ cả hai nước và không phải là hiện tượng mới".
Tin liên quan |
Trung Quốc thẳng tay phản đòn 'trả lời' cuộc đàn áp chíp của Mỹ, bồi thêm cả kế hoạch B |
Theo bà, phía Bắc Kinh cho rằng, Washington đang cố gắng ngăn chặn sự phát triển hợp pháp của nước này.
Ngược lại, nền kinh tế lớn nhất thế giới thì coi đây là vấn đề an ninh quốc gia nhằm ngăn chặn đất nước tỷ dân giành được quyền thống trị ở một số lĩnh vực nhất định.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, quyết định tăng cường kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng có mục đích sử dụng kép sang nước này là "để bảo vệ an ninh quốc gia".
Washington tiếp tục chiến dịch chống lại ngành bán dẫn của Bắc Kinh bằng cách công bố danh sách hạn chế thứ ba trong nhiều năm.
Chỉ hơn một tháng trước khi rời nhiệm sở, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với 140 công ty, bao gồm các công ty chuyên về lĩnh vực chip như Naura, Piotech, ACM Research và SiCarrier Technology.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo khẳng định: "Đây là những biện pháp kiểm soát mạnh mẽ nhất mà Mỹ từng ban hành nhằm làm suy yếu khả năng sản xuất những con chip tiên tiến nhất mà họ đang sử dụng trong quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc".
Phản ứng của đất nước tỷ dân không chỉ giới hạn ở việc hạn chế một số kim loại và khoáng sản quan trọng.
Bốn hiệp hội công nghiệp chính của Trung Quốc - bao gồm các ngành bán dẫn, Internet, ô tô và truyền thông - đã yêu cầu các thành viên của họ giảm mua chip của Mỹ.
Hiệp hội bán dẫn của đất nước châu Á nói rằng: "Các sản phẩm chip của Mỹ không còn an toàn hoặc đáng tin cậy nữa".
Mỹ ảnh hưởng thế nào?
Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho hay, họ vẫn đang đánh giá động thái mới nhất này.
Các quan chức đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nỗ lực với các quốc gia khác để giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa chuỗi cung ứng quan trọng khỏi Trung Quốc.
Gali và germani chỉ là hai trong số những sản phẩm mà Trung Quốc cấm xuất khẩu sang Mỹ. Đất nước tỷ dân đã áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu vào năm 2023.
Hai sản phẩm kể trên có nhiều ứng dụng đặc biệt. Trong đó, gali đặc biệt cần thiết cho các chất bán dẫn cao cấp, cũng như cho các tấm pin mặt trời và thiết bị radar. Germani thì liên quan đến sợi quang và vệ tinh.
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế - một tổ chức nghiên cứu của Mỹ - nhận thấy: "Các chất bán dẫn gốc gali rất quan trọng đối với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, đặc biệt là trong các hệ thống phòng thủ tên lửa và radar thế hệ tiếp theo. Các thiết bị tác chiến điện tử và thông tin liên lạc cũng rất cần gali".
Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã sản xuất 98% nguồn cung gali thô của thế giới vào năm 2023. Dữ liệu về khai thác và sản xuất germani không có sẵn nhưng Bắc Kinh cũng kiểm soát phần lớn nguồn cung toàn cầu.
Washington nhập khẩu cả hai sản phẩm từ đất nước châu Á nhưng cũng giao dịch với các nước như Canada, Đức và Nhật Bản.
Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu áp dụng các hạn chế vào năm ngoái, giá đã tăng đáng kể trên thị trường toàn cầu.
Và rủi ro gián đoạn nguồn cung là điều ai cũng biết. Vào tháng trước, Cục Khảo sát địa chất Mỹ cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể giảm 3,4 tỷ USD (tương đương 3,23 tỷ EUR) nếu đất nước tỷ dân thực hiện lệnh cấm hoàn toàn việc xuất khẩu gali và germani.
Trung Quốc đang phản ứng trực tiếp đối với lệnh kiểm soát xuất khẩu mà Mỹ áp đặt lên Bắc Kinh vào ngày 2/12. (Nguồn: Twitter) |
Sự thống trị của Trung Quốc không có nghĩa là Mỹ không có lựa chọn nào khác.
Thứ nhất, có những nhà sản xuất khác trên thị trường sẵn sàng cung cấp mặt hàng trên cho Washington.
Thứ hai, có thể tăng sản lượng không phải của Trung Quốc. Ví dụ, gali chủ yếu có nguồn gốc từ sản phẩm phụ của quá trình chế biến bauxite - loại quặng chính để sản xuất nhôm. Mặc dù đầu tư vào khai thác gali ở Mỹ và các quốc gia khác sẽ tốn kém, nhưng vẫn có thể thực hiện được.
Trung Quốc sẽ không "ngồi yên"
Những diễn biến mới nhất diễn ra chỉ hơn một tháng trước khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump với tư cách là Tổng thống Mỹ. Ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế quan lớn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bà Claire Reade tại công ty luật Arnold & Porter cho rằng, trong tương lai, khi ông Trump nhậm chức, Trung Quốc có thể lung lay ý định cấm khoáng sản hiếm. Nếu Bắc Kinh quyết liệt thực hiện lệnh cấm, các quốc gia khác, bao gồm cả những đồng minh của Mỹ, sẽ buộc phải cân nhắc lại vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khi đối mặt với sự thay đổi chính sách quyết liệt từ Trung Quốc.
Thế nhưng, quyết định của nền kinh tế lớn thứ hai cho thấy, nước này đang trở nên quyết đoán hơn trong nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào phương Tây.
Vị chuyên gia về quan hệ thương mại Mỹ-Trung khẳng định: "Đây sẽ là một bước tiến nữa trên con đường của Bắc Kinh và sẽ gửi thông điệp đến phần còn lại của thế giới về việc Trung Quốc sẽ không 'ngồi yên' nếu sự phát triển kinh tế và an ninh quốc gia của nước này bị xâm phạm hoặc bị đe dọa".
Đương nhiên, vấn đề không chỉ đơn giản là lời tuyên bố. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới sẽ ảnh hưởng đến lệnh cấm khoáng sản và đây cũng là một "cuộc chơi" chiến lược dài hạn, nơi lợi ích kinh tế, an ninh và vị thế chính trị đều được đặt lên bàn cân.
| Trung Quốc thẳng tay phản đòn 'trả lời' cuộc đàn áp chíp của Mỹ, bồi thêm cả kế hoạch B Ngày 3/12, Bắc Kinh chính thức công bố lệnh cấm xuất khẩu sang Mỹ các khoáng sản quan trọng - một số thành phần chính ... |
| Tổng thống Putin: Bất chấp áp lực, doanh nghiệp Tây Âu và Mỹ vẫn không rời thị trường Nga Ngày 4/12, phát biểu tại diễn đàn VTB Nước Nga đang vẫy gọi!, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, chính quyền Nga không ép buộc ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật: Nga lên tiếng việc ông Trump ép BRICS dùng USD, Anh thiệt hại nặng sau Brexit, một nước ASEAN muốn phát triển điện hạt nhân Lý do tổng nợ công toàn cao kỷ lục, Nga nói ông Trump ép BRICS sử dụng đồng USD sẽ phản tác dụng, Fed thận ... |
| Chính phủ cường quốc Tây Âu bị lật đổ, nền kinh tế vốn liêu xiêu có thể bị 'hạ gục' Chính phủ Pháp bị lật đổ - động thái này có thể đẩy cường quốc Tây Âu vào giai đoạn bất ổn về chính trị ... |