Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn tờ Eleven Myanmar trước thềm chuyến thăm.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng. (Nguồn: Eleven Myanmar) |
Ông Chu Công Phùng cho rằng, chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo động lực nâng cao quan hệ song phương lên tầm cao mới, tăng cường sự phối hợp giữa hai nước trong việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN thống nhất, giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, đặc biệt là vấn đề Biển Đông và hợp tác sông Mekong.
"Myanmar và Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của trong ASEAN. Vì vậy, chuyến thăm của Tổng Bí thư sẽ thúc đẩy hợp tác song phương trong tất cả các lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, văn hoá, du lịch, trao đổi nhân lực và năng lượng”, ông Phùng nhấn mạnh.
Theo ông Phùng, gần đây, đầu tư của các công ty Việt Nam vào thị trường Myanmar đã tăng lên. Đến nay, Việt Nam đứng thứ 7 trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tại Myanmar với gần 2,1 tỷ USD trong 15 dự án liên quan tới lĩnh vực viễn thông, khu liên hợp khách sạn, căn hộ cao cấp, dược phẩm và ngân hàng... Hiện nay, quan hệ song phương đang phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là về chính trị và kinh tế. Kim ngạch thương mại song phương năm 2010 chỉ là 127 triệu USD nhưng con số này năm 2016 là 538 triệu USD, tăng 24% so với năm 2015.
Lễ công bố chính thức hoạt động Chi nhánh BIDV Yangon. (Nguồn: Thanh tra) |
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Myanmar ước tính đạt 82 triệu USD vào năm 2016, tăng 42% so với năm 2015 trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar ước đạt 456 triệu USD năm 2016, tăng 20,4% so với năm 2015. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Myanmar các sản phẩm sắt thép, phụ tùng vận tải, máy móc, thiết bị, sản phẩm nhựa, hàng dệt may và nhập khẩu từ Myanmar các sản phẩm gỗ, cao su…
Ông Phùng cho rằng, chuyến thăm này sẽ giúp Myanmar thu hút nhiều đầu tư từ Việt Nam và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa của Myanmar. Kể từ hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 28/5/1975, hai bên đã không ngừng nỗ lực để thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt, bày tỏ sự ủng hộ lẫn nhau trong các tổ chức đa phương, đặc biệt là ở ASEAN.
Trong năm 1998 và 2010, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã ủng hộ mạnh mẽ cải cách và quá trình hội nhập quốc tế của Myanmar. Năm 2014, khi Myanmar đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, quốc gia này đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và các thành viên khác của Hiệp hội để tăng cường liên kết trong khu vực cũng như duy trì an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực.
"Với nhiều điểm tương đồng về kinh tế xã hội, Myanmar có thể xem xét chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam như một nguồn tham khảo, đặc biệt là những điều chỉnh trong chính sách của Chính phủ Việt Nam để kịp thời hạn chế những tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn", ông Phùng khẳng định.