Tổng thống Mỹ Barack Obama và các lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27. (Nguồn:cbnews.com) |
Theo ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), Hội nghị thượng đỉnh không chính thức sẽ diễn ra tại Sunnylands là động thái nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ của Mỹ với khu vực năng động này và là tiêu điểm của Washington trong kế hoạch xoay trục sang châu Á.
Có thể nói, về kinh tế, khu vực ASEAN chiếm vị trí đặc biệt quan trọng đối với các công ty Mỹ. Thương mại hai chiều trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ đạt 254 tỷ USD trong năm 2014, đưa ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ vào ASEAN đạt 226 tỷ USD trong năm 2014, đưa Mỹ vào nhóm các nhà đầu tư lớn nhất của Hiệp hội.
Mặc dù vậy, lâu nay Washington vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án đối với tất cả các nước ASEAN do sự đa dạng về chính trị, kinh tế của các quốc gia thành viên. Cụ thể, về kinh tế, Singapore theo đuổi nguyên tắc thị trường tự do trong khi nền kinh tế Indonesia mang tính bảo hộ cao. Myanmar và Lào là hai nước kém phát triển ở châu Á. Campuchia và Lào có quan hệ truyền thống và có vẻ “gần hơn” với Trung Quốc, trong khi Philippines đang tìm cách thắt chặt quan hệ với Mỹ để phòng vệ trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Do đó, cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị ở Sunnylands có thể sẽ tạo ra nhiều cơ hội để thắt chặt quan hệ giữa Washington và Hiệp hội trong bối cảnh Hiệp hội đã ở hình thức liên kết cao hơn – Cộng đồng ASEAN.
Trước hết, vào cuối năm 2014, Mỹ đề xuất một bộ “Nguyên tắc đầu tư không ràng buộc với ASEAN”, dự án sau đó đã vào ngõ cụt vì sự phản đối của Indonesia. Ý tưởng này có thể được nêu ra tại Sunnylands và nếu một số nước ASEAN chưa sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán thì Washington có thể triển khai dự án trước với nhóm các nước sẵn sàng. Từ đó sẽ mở cửa chào đón các nước còn lại khi sẵn sàng.
Bên cạnh đó, hợp tác an ninh hàng hải sẽ là một trọng tâm lớn khác tại Sunnylands sắp tới. Một số nước ASEAN như Brunei, Malaysia và Philippines đều đang có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc ở Biển Đông. Những hoạt động cải tạo đảo đá của Trung Quốc, cùng những lo ngại về khả năng quân sự hoá các cấu trúc này rất có thể sẽ được nêu lên tại Hội nghị.
Tổng thống Obama cũng có thể sẽ tận dụng Hội nghị này để thảo luận các vấn đề cần thiết của việc thống nhất trong ASEAN sau khi Tòa án Trọng tài thường trực Liên hợp quốc đưa ra phán quyết đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.
Hơn nữa, tại Sunnylands, ông Obama cũng có thể chia sẻ một cách rõ ràng hơn về sáng kiến an ninh hàng hải do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nêu tại Đối thoại Shangri-La 2015, cũng như cố gắng thúc đẩy chia sẻ thông tin tình báo chính thức trong khu vực ASEAN nhằm nâng cao hơn nữa khả năng giám sát biển và hợp tác an ninh hàng hải trong khu vực.