Vừa qua, thông tin về những chất độc hại có trong cá hồi nuôi do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) khẳng định đã khiến nhiều người hoang mang. Để độc giả có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này, Báo TG&VN xin giới thiệu những thông tin về cá hồi nuôi được đăng tải trên hai tờ The Guardian và Telegraph của Anh.
Theo thông tin của EPA, nguồn gốc chính của chất độc trong cá hồi nuôi là từ những viên thức ăn khô cho cá. Vấn đề này thực ra đã được các nhà khoa học đưa ra từ lâu. Tại Na Uy, cá hồi nuôi sau nhiều năm gây “tai tiếng” cũng đang trong quá trình nỗ lực để chứng minh sự an toàn về môi trường nuôi cá của họ.
Vấn đề về thịt cá hồi nuôi gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người thực ra đã được các nhà khoa học đưa ra từ lâu. (Nguồn: divine health) |
Kể từ lần đầu tiên loài cá này bắt đầu được nuôi ở Na Uy trong những năm 1960, ngành công nghiệp nuôi cá hồi đã mở rộng nhanh chóng trong nhiều thập kỷ qua và hiện nay cá hồi nuôi chiếm 70% các loại cá hồi mà thế giới tiêu thụ. Na Uy, Chile và Scotland là những nước thống trị trong ngành công nghiệp nuôi cá hồi này.
Được biết tới như một nguồn cung cấp dồi dào các Acid béo, Omega-3, cá hồi hiện là loại hải sản bán chạy nhất tại Vương quốc Anh với doanh thu bán lẻ của 700 triệu Bảng Anh trong năm 2014.
Thoạt đầu, việc nuôi cá hồi có vẻ như một bước đi tích cực theo hướng giảm áp lực đối với nguồn cá hồi tự nhiên. Tuy nhiên, sự lạc quan này đã nhanh chóng bị gạt sang bởi những lo ngại về sự phụ thuộc dinh dưỡng vào thức ăn, việc sử dụng hoá chất để điều trị dịch rận biển,...
“Đúng là cá hồi nuôi đã có một chút tai tiếng. Nhưng tôi nghĩ rằng, thật không công bằng khi việc chăn nuôi cá hồi bị thổi phồng lên là gây nhiều nguy hại”, nhà quản lý nuôi trồng thủy sản Piers Hart thuộc Quỹ Quốc Tế Về Bảo Vệ Thiên Nhiên (WWF) cho biết.
Người kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá hồi Jan Borre bên trang trại nuôi cá hồi của mình. (Nguồn: The Guardian) |
Hiện tại, Na Uy đã áp dụng nhiều tiêu chuẩn trong việc nuôi cá hồi. Các tiêu chuẩn này bao gồm một lệnh cấm sử dụng kháng sinh dự phòng, giới hạn về số lượng cá mỗi chu kỳ sản xuất, mức tối đa của thức ăn cho cá và cấm sử dụng thức ăn có chứa nguyên liệu biến đổi gene.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà chăn nuôi thủy sản vẫn khẳng định cá hồi nuôi là loại thủy sản tốt nhất. “Tôi đồng ý rằng chúng ta nên ăn đa dạng các loại thủy, hải sản và tất nhiên thủy, hải sản tự nhiên là loại thực phẩm tốt nhất. Nhưng chúng ta không thể bảo đảm lượng thủy, hải sản tự nhiên cho tất cả dân số thế giới trong bối cảnh nhu cầu thủy, hải sản ngày càng gia tăng như hiện nay", một nông dân Na Uy có nhiều năm nuôi cá hồi Jan Borre, nói.
Quả thực vậy, cho đến nay, câu trả lời cho câu hỏi cá hồi nuôi nguy hiểm như thế nào với sức khỏe người tiêu dùng vẫn đang bị bỏ ngỏ. Chỉ biết rằng, do nhu cầu ngày càng tăng đối với cá và tiềm năng cá đại dương đang dần cạn kiệt nên trong tương lai chúng ta sẽ phải ăn cá nuôi nhiều hơn. Hiện nay, gần một nửa nguồn cung cấp cá cho thị trường là từ cá nuôi. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính đến năm 2030 gần 2/3 thủy sản sẽ được nuôi ở trang trại.
Chuyên gia thủy sản lên tiếng trước thông tin cá hồi nuôi có độc