📞

Có nhiều lợi thế nhưng vì đâu các công cụ như ChatGPT chưa hấp dẫn doanh nghiệp?

Hoàng Anh 23:08 | 14/05/2023
Trong bài viết đăng trên tờ SCMP, Andy Chun - Phó Chủ tịch và Cố vấn nhóm chuyên gia AI, tại Hiệp hội Máy tính Hong Kong (Trung Quốc) đồng thời là Giám đốc đổi mới công nghệ của Prudential Corporation tại châu Á cho rằng việc có thể tận dụng tất cả các lợi ích năng suất mà các công cụ như ChatGPT mang lại và sử dụng trên quy mô lớn sẽ phụ thuộc vào một số vấn đề lớn cần được giải quyết trước.
Các nhà văn tập trung trước văn phòng Netflix ở Hollywood vào ngày 5/5. Trong khi một số công ty như Netflix và Disney từ chối loại trừ khả năng thay thế các nhà văn con người bằng AI, không phải tất cả các công ty đều "mặn mà" với công cụ này. Ảnh: AFP

Theo Andy Chun, sự trỗi dậy của ChatGPT và các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tổng hợp khác thật đáng kinh ngạc. Trong vài tháng qua, AI cho thấy sự vượt trội so với con người trong một số bài kiểm tra tiêu chuẩn nhất định, vượt qua kỳ thi cấp phép y tế và luật sư, đồng thời tạo ra nội dung văn bản hầu như không thể phân biệt được với các sản phẩm tương tự của con người.

Các ứng dụng AI hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, từ dịch vụ khách hàng đến vận hành và phân tích. Một số công ty thậm chí đang lên kế hoạch thay thế nhân sự bằng AI.

Theo báo cáo của Goldman Sachs, AI có thể loại bỏ 18% số việc làm trên toàn cầu, còn ChatGPT dự đoán công cụ này có thể thay thế 4,8 triệu việc làm của người Mỹ.

Nhưng không phải tất cả các công ty đều sẵn sàng sử dụng AI. Mặc dù có những lợi ích rõ ràng như tăng hiệu quả, năng suất và đổi mới, việc AI có được áp dụng trên quy mô rộng lớn hay không se phụ thuộc vào một số vấn đề lớn cần được giải quyết trước.

Một lỗ hổng lớn của AI là “khả năng tưởng tượng”. Việc AI tạo ra những thông tin không chính xác hoặc bịa đặt có thể trở thành thảm họa với người tiêu dùng chẳng hạn AI có thể đưa ra các thông số kỹ thuật sản phẩm sai hoặc tạo ra các khoản giảm giá không tồn tại.

Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra vì hoạt động của AI dựa trên các mô hình thống kê có thể bị nhầm lẫn bởi dữ liệu tương tự hoặc lỗi thời. Hơn nữa, việc duy trì và cập nhật các mô hình nền tảng AI vừa tốn về tài chính vừa tốn về sức người, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngay cả khi được đào tạo nâng cao thường xuyên, chưa chắc các hệ thống AI tổng quát đã đảm bảo tính chính xác và nhất quán.

Một vấn đề khác là các bot như ChatGPT nhìn chung lại không giỏi về tính toán. Điều này đặt ra rủi ro nghiêm trọng đối với các dịch vụ tài chính, trong đó các kết quả không chính xác, đặc biệt là số tiền bằng USD, là không thể chấp nhận được.

Vì điều này, các công ty đã nhận ra các hệ thống AI không thể sớm thay thế hoàn toàn các chatbot truyền thống để giải đáp thắc mắc của khách hàng. Chatbot truyền thống vẫn cần thiết để cung cấp thông tin chính xác và cụ thể về sản phẩm, giá cả và tính toán tài chính. Chúng cũng tích hợp tốt hơn với các hệ thống back-end để truy cập cơ sở dữ liệu hoặc phục vụ khách hàng.

Quyền riêng tư dữ liệu cũng là một vấn đề. Các công ty sử dụng dịch vụ AI có thể vô tình chia sẻ dữ liệu kinh doanh nhạy cảm với các bên thứ ba, những người có thể lưu trữ, truy cập hoặc sử dụng dữ liệu đó cho mục đích đào tạo. Điều này có thể gây nguy hiểm cho các chiến lược, số lượng bán hàng hoặc tài sản trí tuệ của công ty. Ngay cả khi dữ liệu không được sử dụng phục vụ mục đích đào tạo, nhà cung cấp dịch vụ AI vẫn có thể kết hợp dữ liệu đó vào các phiên bản tương lai của mô hình nền tảng.

Ví dụ, vào tháng 3/2023, OpenAI, tổ chức tạo ra ChatGPT, đã phát hiện ra một lỗi tiết lộ lịch sử trò chuyện của người dùng. Một công ty an ninh mạng gần đây đã phát hiện ra 11% dữ liệu được nhân viên công ty dán vào ChatGPT là nhạy cảm. Amazon và Samsung cũng tìm thấy các trường hợp rò rỉ dữ liệu đối với các công cụ AI. Do đó, các công ty sử dụng hệ thống AI cần xem xét thực hiện các biện pháp bảo mật dữ liệu bổ sung.

Việc sử dụng AI cũng đặt ra câu hỏi về bản quyền và quyền sở hữu tài sản trí tuệ. Đầu tiên, các hệ thống AI có thể tạo ra các kết quả đầu ra tương tự cho những người dùng khác nhau. Thứ hai, trong luật bản quyền của Hoa Kỳ, chỉ những tác phẩm của tác giả con người mới có thể được đăng ký bản quyền. Thứ ba, có nguy cơ vi phạm bản quyền và đạo văn khi sử dụng AI. Chẳng hạn, Getty Images đã kiện Stability AI, cáo buộc công ty sử dụng hơn 12 triệu bức ảnh Getty để đào tạo hệ thống của mình.

Các hệ thống AI cũng gây ra những lo ngại về đạo đức vì chúng có thể tạo ra thông tin sai lệch, nội dung có hại hoặc ngôn ngữ không phù hợp. Vì các mô hình học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau nên chúng có thể kế thừa những thành kiến ​​có thể dẫn đến phản ứng không công bằng hoặc phân biệt đối xử .

Cũng vào tháng 3 vừa qua, Italy đã tạm thời cấm ChatGPT vì những lo ngại về quyền riêng tư. Nước này cho biết ChatGPT có thể khiến trẻ vị thành niên tiếp xúc với nội dung không phù hợp. Đức đang cân nhắc một lệnh cấm tương tự.

Trong khi đó, các nhà lập pháp Eu đã thông qua dự thảo Đạo luật AI, một bộ quy định nhằm bảo vệ mọi người khỏi những tác hại tiềm ẩn của AI, chẳng hạn như phân biệt đối xử và vi phạm quyền riêng tư. Theo đề xuất, các công ty triển khai hệ thống AI được yêu cầu công bố những tài liệu có bản quyền nào được sử dụng để xây dựng hệ thống AI.

Tháng 4/2023, Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc đã đề xuất các biện pháp dự thảo đối với các dịch vụ AI. Đây được cho là những quy tắc nghiêm ngặt nhất về AI cho đến nay. Dự thảo các biện pháp giải quyết các vấn đề như an ninh quốc gia, bảo vệ dữ liệu, kiểm duyệt nội dung và tính minh bạch của thuật toán.

Để giải quyết một số vấn đề, Nvidia, nhà sản xuất chip ở Thung lũng Silicon, gần đây đã công bố NeMo Guardrails, phần mềm mới giúp các hệ thống AI tạo ra kết quả đầu ra chính xác và phù hợp. NeMo Guardrails hoạt động như một bộ lọc giữa người dùng và mô hình AI, sàng lọc các lời nhắc xấu và ngăn các đầu ra AI không phù hợp. Nó giúp các hệ thống AI tránh ảo giác bằng cách sử dụng một mô hình AI khác để kiểm tra các câu trả lời.

Tuy nhiên, bên cạnh những quan ngại, AI có thể mang lại lợi ích năng suất đáng kể bằng cách hoàn thành các nhiệm vụ kinh doanh như viết email, tạo ý tưởng và thiết kế bản trình bày. Các công ty không nên bỏ lỡ cơ hội thử nghiệm các công cụ mới và tìm hiểu về khả năng cũng như hạn chế của chúng.

Các doanh nghiệp chỉ cần đảm bảo họ có hướng dẫn rõ ràng về AI, hướng dẫn cho nhân viên và các công cụ bảo mật nâng cao để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm. Họ cũng sẽ cần xem xét tác động của AI đối với nhân viên, có thể bao gồm mất việc làm.

(Theo SCMP)