📞

Cô nữ sinh với nạn nhân dioxin

07:00 | 29/03/2016
Trong danh sách tài trợ năm 2015 mới được công bố của quỹ từ thiện Projects for Peace (Mỹ) có một dự án hỗ trợ nạn nhân chất độc Da cam tại Việt Nam. Chủ nhân của dự án ấy là Nguyễn Ngọc Lê - cô sinh viên năm thứ ba của trường đại học Hood (bang Maryland, Mỹ).
Nguyễn Ngọc Lê (hàng đầu, bên trái) cùng các tình nguyện viên trong chương trình chạy bộ để bảo vệ trẻ em (10/2014).

Thay đổi cách nhìn

Sau bốn năm sống và học tập tại Mỹ, Ngọc Lê nhận thấy hầu hết các thanh niên tại đây đều có hiểu biết rất hạn chế về cuộc chiến tranh Việt Nam. Họ công nhận rằng, hành động rải chất độc da cam xuống Việt Nam của quân đội Mỹ là một việc làm sai trái nhưng ít ai hiểu rõ những hậu quả mà chất độc này gây ra cho những người đồng hương của cô.

“Mọi người dân Mỹ đều biết dioxin gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, ít ai tưởng tượng được những hậu quả về cả thể chất lẫn tinh thần mà các nạn nhân Việt Nam phải gánh chịu”, cô sinh viên ngành Quản trị kinh doanh và Kinh tế này chia sẻ.

Từ nỗi trăn trở ấy, Ngọc Lê đã viết ra Dự án Agent Orange và gửi tới Quỹ từ thiện Projects for Peace (PFP) để xin tài trợ. Thông qua dự án này, cô muốn hỗ trợ về giáo dục, bù đắp về mặt tinh thần cho các nạn nhân của chất độc da cam đang được chăm sóc tại làng Hòa Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng như tác động vào nhận thức của người dân Mỹ nói chung và ở bang Maryland nói riêng về chất độc da cam.

Trao đổi về vấn đề tình nguyện viên cho các hoạt động của Agent Orange, Ngọc Lê cho rằng, nhiều người Việt Nam đang có cái nhìn chưa đúng về văn hóa tình nguyện. Theo cô, nhiều người vẫn coi việc làm tình nguyện là phải đi đến vùng sâu vùng xa để tặng quà cho những người kém may mắn. Trong khi đó, tại các nước phương Tây, không chỉ giới sinh viên mà cả các em nhỏ và những người đang đi làm cũng tham gia các hoạt động tình nguyện để hỗ trợ cộng đồng như: nhặt rác, phát tờ rơi, bán vé cho các chương trình từ thiện, phát cơm cho người vô gia cư…  Chính vì thế, thông qua Agent Orange, Ngọc Lê cũng muốn thay đổi nhận thức của các bạn trẻ Việt Nam về văn hóa làm tình nguyện.

Quỹ Projects for Peace được thành lập vào năm 2007 bởi nhà từ thiện Kathryn W. Davis (1907-2013) nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 của bà. Hàng năm, tổ chức này sẽ chọn ra những dự án từ thiện, thúc đẩy hòa bình trên toàn thế giới của các sinh viên trên toàn nước Mỹ và tài trợ 10.000 USD cho mỗi dự án.

Không nản lòng!

Năm 2014, Ngọc Lê gửi dự án Agent Orange cho PFP. Kế hoạch khi đó là sử dụng số tiền tài trợ để xây một khu sân chơi cho các em ở làng Hòa Bình. Lần ấy, dự án của cô nữ sinh này chỉ được chọn vào “danh sách dự bị” của những dự án mà tổ chức từ thiện này tài trợ. Đại diện của tổ chức cũng góp ý với Lê rằng dự án bị xem là khó khả thi khi cô chỉ có thể về Việt Nam trong khoảng một tháng.

Ghi nhận những lời góp ý của tổ chức, Lê tiếp tục lên kế hoạch khác để có thể phần nào bù đắp cho các em nhỏ kém may mắn. Sau nhiều lần trao đổi với lãnh đạo làng Hòa Bình để tìm hiểu nhu cầu của họ và nhờ gia đình, bạn bè trực tiếp đến đây “tiền trạm”, cô quyết định đổi kế hoạch. Ngọc Lê lên kế hoạch mua thiết bị để làm một phòng máy tính cho làng Hòa Bình; sửa chữa một công trình tại đây và dạy các bài học đạo đức, lịch sử cho các bé là nạn nhân chất độc da cam thông qua những chuyến tham quan các địa điểm như: Lăng Bác, làng gốm Bát Tràng, phố cổ Hà Nội… Không dừng lại ở đó, dự án này của Ngọc Lê còn được ghi hình thành phóng sự và phát trên trang web chính thức của PFP.

Khác với lần trước, để tăng thêm sức thuyết phục, cô nữ sinh này còn gửi dự án của mình đến các giáo viên ở trường để xin ý kiến nhận xét trước khi gửi lại cho PFP vào năm 2015.

Ngày 14/3 vừa qua, tổ chức từ thiện của Mỹ thông báo, dự án hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam tại làng Hòa Bình của Lê đã đạt giải nhì trong vòng chung kết 2015 khu vực Washington DC, Maryland và Virginia. Theo kế hoạch, dự án sẽ diễn ra từ 23/5 cho tới 24/6.

Niềm vui liên tiếp

Dù chỉ có hơn một tháng về Việt Nam nhưng Ngọc Lê vẫn rất tự tin dự án của mình sẽ thành công tốt đẹp. Cô lý giải: “Một phần trong số tiền tài trợ sẽ được sử dụng để huấn luyện các tình nguyện viên Việt Nam và tài trợ cho họ để tiếp tục quản lý phòng máy và tổ chức các hoạt động vui chơi, giáo dục cho các thành viên của làng Hòa Bình sau khi tôi về nước”. Bên cạnh đó, Ngọc Lê cũng tiết lộ, một số người bạn Mỹ đã nhận lời sang Việt Nam để giúp cô thực hiện dự án.

Tin vui tiếp tục đến với Ngọc Lê khi trường ĐH Hood đã đưa Agent Orange vào ấn phẩm giới thiệu về nhà trường và mời nữ sinh này giới thiệu về dự án trong buổi lễ chào đón tân sinh viên sắp tới. Ngọc Lê cho biết: “Tôi rất vinh dự khi dự án của mình được PFP lựa chọn tài trợ. 10.000 USD không phải là một số tiền quá lớn. Tuy nhiên, tôi hy vọng dự án của mình sẽ góp phần hỗ trợ cho việc học tập của các em và quan trọng hơn là nâng cao nhận thức của người dân Mỹ về vấn đề chất độc da cam”.