📞

Có thể dẹp được… biếu quà Tết?

14:30 | 21/01/2018
Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, tặng quà nhau dịp lễ tết là một nét đẹp, là dịp để người ta bày tỏ tình cảm cũng như sự biết ơn với nhau. Đó có thể là quan hệ thầy trò, bệnh nhân với thầy thuốc, sự biết ơn của nhân viên khi được lãnh đạo giúp đỡ, dìu dắt trong công việc...

Tuy nhiên, việc biếu xén dịp Tết đã bị biến tướng trong những năm trở lại đây. Nhiều người sử dụng quà tết cho những mục đích riêng như lấy lòng sếp, thăm hỏi để giáo viên ưu ái con mình…

Khi lệnh cấm biếu quà tết được ban ra, có người mừng, không ít người lo. Nếu việc cấm quà tết được thực hiện nghiêm túc, sẽ có nhiều công trình được xây dựng đàng hoàng, an toàn và hiệu quả. Sẽ có nhiều dự án được thực hiện với kết quả tốt đẹp, mang lại lợi ích cho người dân. Sẽ có nhiều chính sách đúng đắn không bị "tác động" bởi món quà tết nào.

Ở một góc độ khác, quà tết là nét văn hóa nên việc thực hiện cũng cần có văn hóa. Dù lệnh cấm được triển khai hiệu quả đến đâu thì con cái vẫn nhân dịp tết để biếu quà cha mẹ mình, học trò vẫn đến nhà thầy cô để tặng chút vật phẩm. Tuy nhiên, để một nét đẹp văn hóa của nước nhà bị biến tướng thành tệ nạn không chỉ làm xấu đi văn hóa dân tộc mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Người Việt rất coi trọng việc biếu quà trong dịp tết. Thế nhưng, nếu quà tết không còn là những món quà giản dị mà được định giá dựa trên mưu cầu cá nhân là điều phải suy nghĩ, nó làm mất đi ý nghĩa trong sáng của quà tết. Tự khi nào, người ta không còn phân biệt được đâu là món quà ngụy trang, có động cơ; đâu là món quà mang nét đẹp truyền thống.

Thực tế, phong tục biếu quà tết của nước ta cũng giống như phong tục chuẩn bị và tặng quà cho người thân, bạn bè trong dịp giáng sinh của các nước phương Tây. Nhưng họ tặng nhau những món quà trong sáng, có giá trị tình cảm, rất hiếm có chuyện sử dụng quà, giá trị lớn cho các mục tiêu mờ ám.

Như vậy, tục lệ biếu quà tết không xấu mà chỉ sự biến tướng của nó là xấu. Thiết nghĩ, điều chỉnh để tục lệ biếu quà ngày tết quay trở lại đẹp đẽ và trong sáng đúng như bản chất vốn có của nó là việc rất nên làm.

Ranh giới giữa nét đẹp truyền thống biếu quà ngày tết với hiện tượng tiêu cực được “khoác áo” bằng những món quà thật quá mong manh. Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu lệnh cấm biếu quà tết có khả thi hay không?

Để thực hiện được lệnh cấm này không hề khó khăn. Trước hết, việc biếu quà sẽ diễn ra tại cơ quan hoặc nhà riêng của người quản lý. Nếu quản lý nghiêm ngặt những “kẻ ra người vào” tại cơ quan thì sự biến tướng của quà tết sẽ giảm đi rất nhiều. Ngoài ra, việc công khai tài sản cá nhân và minh bạch tài chính cũng sẽ phần nào hạn chế được những mưu lợi cá nhân núp bóng quà tết.

Nhưng cũng phải nói thêm rằng, khi có cầu ắt sẽ có cung, việc nghiêm cấm quà cấp trên với mọi hình thức chỉ là giải pháp tình thế. Gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ làm sao vẫn giữ được nét đẹp tặng quà nhưng giá trị quà không vượt trên mức “tình cảm” mới là giải pháp bền vững.

Xưa kia, quan đại thần Đặng Huy Trứ ở thế kỷ XIX từng viết cuốn sách Từ thụ yếu quy để nói về những quy tắc “từ, thụ” khi được tặng quà. Có những món quà cần phải tuyệt đối từ chối, nhưng có những món quà không vụ lợi vẫn có thể nhận. Thiết nghĩ, một nét văn hóa, một thói quen lâu đời như biếu quà ngày tết không dễ gì bị phá bỏ, xóa sổ chỉ vì những hệ lụy do biến tướng gây ra...