TIN LIÊN QUAN | |
Tăng năng suất - đòn bẩy cho phát triển bền vững | |
Tăng lương cao hơn tăng năng suất: Khó hấp dẫn nhà đầu tư |
Thông tin vừa được đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018 ngày 8/5 tại Hà Nội. Hội thảo do Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Friedrich Naumann Foudation (FNF) Việt Nam phối hợp tổ chức.
"Đội sổ" về năng suất
Theo PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, giá trị năng suất lao động tổng hợp của Việt Nam đã có xu hướng tăng với tốc độ khá nhanh qua các năm. Năng suất lao động bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017 cùng với sự biến thiên đáng kể của tốc độ tăng trưởng qua các năm.
Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018 ngày 8/5 tại Hà Nội. (Ảnh: Ly Ly) |
Tính trung bình trong giai đoạn 2008-2016, các ngành kinh tế có năng suất lao động ở mức cao là các ngành: Khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí; Tài chính ngân hàng và bảo hiểm; Kinh doanh bất động sản.... Trong khi đó, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn là ngành có mức năng suất lao động thấp nhất nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo hiện năng suất lao động chưa cao.
Nhưng khi năng suất lao động của Việt Nam được đặt trong mối tương quan với các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia), tới năm 2015, năng suất lao động của 9 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần thấp nhất hoặc thấp nhất trong các nước kể trên. Đáng chú ý, năng suất lao động của Việt Nam còn thua cả Campuchia ở 3 ngành Công nghiệp chế biến chế tạo; Xây dựng; Vận tải, kho bãi, truyền thông.
Việt Nam chỉ có năng suất lao động cao hơn một số nước trong 3 nhóm ngành: Khai mỏ và khai khoáng; Tài chính, bất động sản và Dịch vụ văn phòng; Dịch vụ cộng đồng, xã hội, cá nhân.
Để cải thiện năng suất lao động, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục tạo điều kiện tích cực để thúc đẩy tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và có chính sách đào tạo, nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo và cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất lao động trong các ngành và đầu tư thêm vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ, cũng như mua công nghệ từ nước ngoài trong trường hợp cần thiết.
“Nếu không muốn bị vượt qua bởi các quốc gia láng giềng như Campuchia về năng suất lao động nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn để cải thiện năng suất lao động của các ngành kinh tế. Đồng thời, nền kinh tế cũng cần phát triển thị trường lao động và các chính sách liên quan, nhằm thúc đẩy quá trình dịch chuyển lao động theo đúng nhu cầu dịch chuyển cơ cấu”, Viện trưởng VEPR nhấn mạnh.
Một trong những thực tế đáng lo ngại được PGS. TS Nguyễn Đức Thành chỉ ra là năng suất lao động tăng không theo kịp với mức lương tối thiểu. Nghiên cứu của VEPR cho thấy, lương tối thiểu của Việt Nam đang tăng rất cao và nhanh hơn năng suất lao động, khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực.
Năng suất lao động trong ngành chế biến chế tạo của Việt Nam không cao so với nhiều nước trong khu vực. (Nguồn: The Leader) |
Hơn một thập kỷ gần đây, lương tối thiểu của Việt Nam đã tăng nhanh, trung bình mỗi năm tăng hai con số, tăng nhanh hơn các nước trong khu vực, trong khi năng suất lao động thấp hơn các nước láng giềng.
Theo số liệu tính toán, từ năm 2007 đến 2015, tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động đã tăng từ 25% lên 50%. Tại thời điểm năm 2015, tỷ lệ này của Việt Nam đã cao nhất khu vực, hơn Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan.
“Về nguyên tắc, lương và năng suất lao động phải song hành với nhau. Việc lương tối thiểu tại Việt Nam tăng nhanh hơn năng suất đang khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị "ăn mòn", từ đó doanh nghiệp khó phát triển, phải thu hẹp sản xuất, giảm sức cạnh tranh, không thu hút thêm lao động. Ngoài lương tối thiểu, mức bảo hiểm cho người lao động mà doanh nghiệp phải đóng cũng cao hơn nhiều so với các quốc gia khác, gây gánh nặng cho doanh nghiệp”, ông Thành lo ngại.
Giới trẻ chủ yếu tìm việc qua quan hệ
Khảo sát về thị trường lao động và lựa chọn nghề của lao động trẻ, báo cáo của VEPR cho thấy, một tỷ lệ lớn lao động trẻ làm việc tại hộ gia đình hoặc phi chính thức, không đúng với chuyên môn được đào tạo. Vấn đề đó đồng nghĩa với việc họ ít có điều kiện tích lũy kỹ năng và không được hưởng bảo hiểm xã hội. “Điều này cho thấy nguy cơ tăng năng suất không được cải thiện trong tương lai đi cùng với nhiều rủi ro hơn”, Báo cáo nhận định.
Một phát hiện đáng chú ý khác, theo TS. Nguyễn Đức Thành là phần lớn giới trẻ đều đang hoạt động trong khu vực lao động giản đơn, ít qua đào tạo. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thu hút một lượng lớn lao động chủ yếu phụ thuộc vào các chương trình đào tạo nội bộ. Điều này phản ánh chất lượng của các cơ sở đào tạo của Việt Nam còn yếu kém, chưa theo kịp được với nhu cầu của nền kinh tế.
“Khi giới trẻ tham gia vào thị trường lao động không tích lũy được kỹ năng trong hiện tại, họ sẽ không thể tạo nên năng suất trong tương lai”, ông Thành nhận định.
Vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm rất mờ nhạt. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Bên cạnh đó, báo cáo của VEPR cũng chỉ ra những bất cập của thị trường lao động Việt Nam như giới trẻ hiện nay chủ yếu tìm việc qua các mối quan hệ thân quen, họ hàng, bạn bè…chứ không qua các trung gian chuyên nghiệp trên thị trường, cho thấy một thị trường lao động thực thụ chưa phát triển. Vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm rất mờ nhạt. Kết quả là, các chính sách thúc đẩy lao động việc làm của Nhà nước thường ít phát huy tác dụng.
Năm 2018 đạt mức tăng trưởng 6,83%?
Tại sự kiện, Báo cáo về “Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2018 và khuyến nghị chính sách” đã cung cấp 2 kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế vĩ mô ngắn hạn của Việt Nam. Trong kịch bản lạc quan, Báo cáo đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng đạt mức 6,83% năm 2018 với mức lạm phát 4,21%, vượt mục tiêu Quốc hội đặt ra. Đây là kịch bản được đánh giá là có nhiều khả năng xảy ra nhất.
Còn trong kịch bản còn lại với những dự báo thận trọng hơn xét trên bối cảnh những tác động bất lợi từ kinh tế thế giới, Báo cáo đưa ra mức tăng trưởng đạt 6,49% và lạm phát ở mức 3,83%.
“Xét về dài hạn, cải thiện năng suất nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm cả mọi chính sách cải cách. Xét riêng trên khía cạnh thị trường lao động, còn cần nhiều nỗ lực để thị trường trở nên hiệu quả hơn, góp phần giúp lao động được tái phân bổ nhanh hơn và giúp người lao động cải thiện năng suất nhanh hơn”, Báo cáo chỉ rõ.
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018 với tựa đề “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất” tập trung vào chủ đề tăng năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế với quan điểm ho rằng cần phải hiểu rõ hơn thị trường lao động để lý giải chất lượng nguồn nhân lực và tiến trình năng suất tại Việt Nam. Báo cáo năm nay, bên cạnh việc xem xét, nhận định tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, đi sâu đánh giá đặc điểm của quá trình thay đổi năng suất lao động trong hai thập kỷ hội nhập kinh tế và chọn lọc phân tích một số khía cạnh trên thị trường lao động của Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách ngắn hạn và dài hạn cho nền kinh tế. |
Tái cơ cấu nền kinh tế chưa đủ để tăng năng suất Kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện trong thời gian tới, nhưng cần tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu để tăng năng ... |
Tăng trưởng bền vững: Nóng câu chuyện năng suất Tăng năng suất chính là chìa khóa phục hồi tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Vấn đề bức thiết này không chỉ đặt ... |
Lương tối thiểu tăng quá nhanh so với năng suất lao động Trong báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, Tổ chức này .. |