Mục đích chuyến thăm của bà Suu Kyi là nhằm thảo luận với giới lãnh đạo Mỹ về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ đã áp dụng với Myanmar trong nhiều năm qua.
Cố vấn Nhà nước Myanmar Suu Kyi. (Nguồn: Nikkei Asian Review) |
Dự kiến, bà Suu Kyi sẽ có cuộc hội kiến với Tổng thống Barak Obama ngay sau khi tới Mỹ. Tiếp đó, bà Suu Kyi sẽ tới New York vào ngày 21/9 và có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Nhân dịp này, bà Suu Kyi có buổi gặp gỡ với các đại diện doanh nghiệp Mỹ. Đây là chuyến thăm đầu tiên của bà Suu Kyi tới Mỹ kể từ tháng 9/2012.
Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế của Myanmar kể từ cuối những năm 1990. Các biện pháp này bao gồm một lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa của Myanmar và các công ty Mỹ bị cấm đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này. Washington đã dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt đối với Myanmar kể từ năm 2011 khi chính quyền bán quân sự lên cầm quyền. Tuy nhiên, các công ty Mỹ vẫn gặp phải nhiều hạn chế trong việc kinh doanh tại Myanmar. Các biện pháp mà Mỹ đang áp đặt chủ yếu là hạn chế giao dịch với các tập đoàn do quân đội Myanmar điều hành, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu ngọc bích và đá quý từ quốc gia Đông Nam Á này, cũng như đưa nhiều nhân vật Myanmar vào “danh sách đen”.
Trước khi sang Mỹ, bà San Suu Kyi đã có chuyến công du tới Trung Quốc từ ngày 17-21/8. Đây là quốc gia đầu tiên ngoài Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bà Suu Kyi thăm kể từ khi chính phủ mới ở Myanmar do đảng NLD của bà lãnh đạo lên nắm quyền vào tháng 4 vừa qua.
Các nội dung trọng tâm được thảo luận tại các cuộc gặp giữa bà Suu Kyi và các nhà lãnh đạo Trung Quốc gồm tiến trình hòa bình của Myanmar, dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD do Trung Quốc làm chủ thầu ở miền Bắc Myanmar bị dừng từ năm 2011 sau khi người dân địa phương phản đối vì ảnh hưởng đến môi trường, cũng như việc tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai nước.