Theo báo cáo mới đây của Citrix’s Workplace of the Future, khoảng 89% các công ty và tập đoàn toàn cầu sẽ thay đổi sang mô hình văn phòng theo thiết kế năng động và di động cho đến năm 2020.
Không gian "Co-working space" lên ngôi
Theo Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản (BĐS) văn phòng quý III/2016 của Công ty nghiên cứu BĐS CBRE Việt Nam, thị trường BĐS Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng của mô hình văn phòng dịch vụ với các tiện ích có sẵn về nội thất và quản lý được gọi là “co-working space”.
"Co-working space" với không gian làm việc "mở" đang là xu hướng hiện nay. (Nguồn: UP) |
Ưu điểm lớn nhất của “co-working space” là tính cộng đồng cao, tiện lợi và linh hoạt. Khách thuê vẫn có thể có phòng riêng nếu muốn hoặc chọn lựa chia sẻ toàn bộ các cơ sở vật chất như khu làm việc chung, pantry chung (một khu bếp, một quầy bar nhỏ), wifi, khu vực in ấn… Mô hình này đã xuất hiện ở các nước phát triển từ những năm đầu thế kỷ 21 nhưng chỉ mới du nhập và phát triển ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây.
Theo bà Nguyễn Bích Trang, Giám đốc Bộ phận cho thuê văn phòng CBRE, thị trường Hà Nội, tính mở của các “co-working space” đã phá vỡ sự chia cách vật lý của văn phòng truyền thống như mỗi công ty hoặc thậm chí mỗi ban ngành trong một công ty, là một cá thể tách biệt và khép kín.
Trên thế giới, trong năm 2016, BĐS châu Á theo sát làn sóng chung của thế giới trước sự thu hút của “Co-working Space”, đặc biệt như ở Trung Quốc, Indonesia và Malaysia.
Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng không nằm ngoài xu hướng này với sự phát triển đa chiều của các môi trường làm việc chia sẻ: gia tăng diện tích thuê, gia tăng số lượng, đa dạng về vị trí và loại hình dịch vụ.
Các “co-working space" tiêu biểu tại Hà Nội như: Regus Center, UP (Hoàn Kiếm), Elite Business Center (Thanh Xuân), THT Center (Cầu Giấy), CEO Suite (Ba Đình), Toong (Tây Hồ) và dự kiến là UP (Hai Bà Trưng) trong quý IV này. Có những không gian làm việc chung như UP đã thu hút cộng đồng khởi nghiệp gồm hơn 800 thành viên, hội tụ đủ các ngành nghề, phần lớn là doanh nghiệp công nghệ và thiết kế. Không gian này hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho các startup với chi phí tương đối thấp.
Trả lời phỏng vấn báo TG&VN, kiến trúc sư Kiến Lâm, người đã chủ trì thiết kế khá nhiều công trình “co-working space” cho biết, xu hướng văn phòng mở là xu hướng làm việc hiện đại phù hợp với sự phát triển của internet và công nghệ thông minh. Khi mà internet càng phát triển thì mọi thông tin đều mở và có thể dễ dàng tìm kiếm và khai thác trên một cơ sở dữ liệu khổng lồ chung vì thế cách làm việc của con người cũng cần thay đổi để phù hợp.
Bà Mai Lan Vân, UP Co-working Space cho biết, “Co-working space” là một hiện tượng tương đối mới và đang thực sự phát triển rộng rãi. (Ảnh: nhân vật cung cấp) |
Bà Mai Lan Vân, UP Co-working Space trả lời báo TG&VN cho biết, “Co-working space” là một hiện tượng tương đối mới và đang thực sự phát triển rộng rãi. “Với đà tăng trưởng mạnh mẽ của phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam, tôi tin rằng mô hình co-working space sẽ ngày càng mở rộng”, bà Vân nói.
“Co-working space” mang lợi ích gì cho với doanh nghiệp?
Coworking-space cung cấp các dịch vụ chỗ ngồi làm việc cố định hoặc linh hoạt, kèm theo các tiện ích văn phòng. Khách hàng có thể đăng ký theo quý, theo tháng hoặc thậm chí theo giờ để đến làm việc và tương tác với nhau.
Theo kiến trúc sư Lâm, khi các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau cùng làm việc trong một không gian sẽ phát huy được thế mạnh chuyên sâu của từng doanh nghiệp, họ sẽ có điều kiện hỗ trợ nhau kịp thời tùy vào thế mạnh của từng doanh nghiệp. Từ đó hình thành nên những cộng đồng làm việc hiệu quả.
Làm việc chung sẽ giúp công việc của từng cá nhân bớt nhàm chán, tâm lý người làm việc sẽ thoải mái hơn công việc chủ động hơn và các nhà quản lý cũng sẽ dễ dàng kiểm soát công việc hơn thay vì phải mất quá nhiều thời gian vào quản lý con người và các thủ tục hành chính khác
Cũng có quan điểm tương tự, bà Mai Lan Vân cho biết, một trong những khó khăn của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam là chi phí vận hành cao như thuê văn phòng riêng, điện, nước, internet,... nhiều nhóm khởi nghiệp phải thuê nhà dân hoặc ngồi làm việc tại quán cafe.
Trên thực tế, co-working space không chỉ giảm bớt khó khăn tài chính cho startup trong giai đoạn đầu khởi nghiệp mà còn tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo và kết nối các startup cùng các nhà đầu tư, mở ra nhiều cơ hội thành công.
“Làm việc trong những không gian này, bạn sẽ được bao quanh bởi các cá nhân tài năng, có lối suy nghĩ giống bạn và các nhóm có thể mang lại lợi ích cho bạn trong ngắn hạn và dài hạn”, bà Vân nhận định.
Với co-working space, giảm bớt sự “cô đơn” khi startup không phải là lợi ích duy nhất mà các doanh nghiệp sẽ nhận được. Một nghiên cứu từ Deskmag.com cho thấy, những người quyết định làm việc trong các co-working space có nhiều khả năng được thúc đẩy, có mức độ tương tác cao hơn, làm việc nhóm hiệu quả hơn. Các startup của những người làm việc trong một co-working space có khả năng thành công cao hơn gấp 4 lần so với những người không làm việc tại đây.
Kiến trúc sư Kiến Lâm, người đã chủ trì thiết kế khá nhiều công trình “co-working space”. (Ảnh: nhân vật cung cấp) |
Co-working space cũng giúp kết nối các nhà đầu tư với doanh nhân startup bằng việc tổ chức các sự kiện, các khoá đào tạo, hướng dẫn từ những người có kinh nghiệm và thành công đến các nhóm khởi nghiệp non trẻ.
“Tuy nhiên không gian làm việc chung chỉ phù hợp với một số công ty và nghành nghề nhất định và đặc biệt phù hợp với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ”, kiến trúc sư Kiến Lâm nói. Các lĩnh vực khác cũng có thể áp dụng mô hình văn phòng làm việc này như: maketting online, bán hàng online, các dịch vụ tư vấn, lập trình, game, các vấn đề về wesite và mạng xã hội.
Với những đặc thù riêng, không gian làm việc này không phù hợp với các ngành nghệ đỏi hỏi bí mật công nghệ, phải có các phòng thí nghiệm và máy móc chuyên dụng. Hơn nữa, làm việc trong không gian này cũng đòi hỏi nhân viên phải có ý thức và tinh thần tự giác cao hơn.