📞

Cởi trói rồi, đừng tự trói!

13:35 | 04/03/2017
Vai trò và vị trí người phụ nữ trong xã hội rồi cũng sẽ thay đổi thôi.

Trong một chừng mực nào đó, vai trò và vị trí người phụ nữ trong xã hội ngày càng hiển nhiên cho dù trong một số không ít  gia đình, người phụ nữ vẫn chưa thoát khỏi những “xiềng xích” cũ “trọng nam khinh nữ” hay “chồng chúa vợ tôi”. Không sao, với thời gian và sự giáo dục cùng các biển đổi kinh tế-xã hội, xã hội cũng sẽ thay đổi thôi.

Thế nhưng, cũng đang xuất hiện một xu hướng mà có lẽ cần “điều độ, tiết chế” hơn. Đó là xu hướng, có thể thậm xưng gọi là “thả lỏng”. Chưa bao giờ cách ăn mặc ra đường “thoáng mát” như hiện nay. Có thể mượn một định nghĩa của từ điển Longman để thử hiểu xu hướng đó: “Hành vi xúc phạm nhằm thu hút sự chú ý tới bản thân và thường xuyên gây sốc người khác. Các hình thức phơi bầy bao gồm việc cởi bỏ quần áo nơi công cộng hoặc ăn mặc theo một cách mà hầu hết mọi người thấy là kỳ quái”. Hành vi đó gọi là “exhibitionism”, tạm dịch “thói phơi bầy”. Từ phơi bầy một phần thân thể bẳng kiểu áo này, kiểu váy kia, form quần nọ... cho đến phơi bầy “chuyện phòng the”! Mỗi rằm tháng giêng lại nghe than trách, bên cạnh những xô đẩy, chen lấn giành lộc, những cúng kiến thuần vật chất, còn là những quở trách vì bị chói mắt bởi cách ăn mặc của một số “tín nữ”!

Một khi người phụ nữ trở thành “món đồ”, đó chính là những “xiềng xích” mới. (Nguồn: singlemom.vn)

Tất nhiên, từ câu chuyện tay bơi nữ người Australia Annette Kellerman, đã từng ba lần bơi qua biển Manche, năm 1907 gây xì-căng-đan ở Mỹ khi mặc bộ đồ bơi một mảnh kín từ đầu tới chân, song bó sát (để dễ bơi) và bị cảnh sát bắt vì “công xúc tu sỉ”, cho đến bộ bikini hai mảnh đầu tiên ở Paris năm 1946, là cả một quá trình tiến hóa chung không thể đi giựt lùi lại được. Tất nhiên, cũng phải kể đến một số lập luận bảo vệ việc phụ nữ theo Hồi giáo phải mặc bộ áo tắm phủ toàn thân (burkini) nhắc lại chuyện xã hội Âu-Mỹ đầu thế kỷ trước cũng “che chắn” toàn thân như vậy có gọi là “thiếu văn minh” không...

Vấn đề không phải ở chỗ cấm đoán toàn thể mà là nhận chân: đầu tiên là “ta thuộc giới nào?” - kế đến “ta đang xuất hiện ở một nơi làm việc, nơi trang nghiêm hay một nơi giải trí, thể thao, bãi biển... ?” ...v..v... Tạm lấy một thí dụ trải nghiệm như thế này: nội qui của mọi con tàu du lịch (cruise) đều ghi rõ rằng ăn bufffet sáng, trưa, tối muốn mặc gì cũng được, kể cả đồ tắm, song dùng bữa tối trong nhà hàng dọn món thì phải mặc chỉnh tề. “Tây” đến thế là cùng, thoải mái như Tây” song cũng nghiêm chỉnh, kín đáo “như Tây”! Vấn đề là “ta đang ở đâu, làm gì, với ai?”.

Đáng phiền là cái xu hướng “phơi bầy” đó, vốn dĩ không là điều cấm kỵ trong hành nghề hay xuất hiện trong một số lĩnh vực, do được thể hiện bên ngoài nơi hành nghề, nên bị/ đựợc hiểu lộn là mặc nhiên hợp tình ở mọi nơi khác. Và rồi biến thành thời thượng.

Giáo sư kinh tế Jacques Attali đã định nghĩa thời thượng, thời trang (mode) bắt đầu  từ: (1) một nhóm người đầu tiên sử dụng - một món hàng nào đó (gọi là dị biệt hóa (differenciation); (2) những người đó hãnh diện quá (như slogan "cho thiên hạ biết mình là ai!") khiến số đông còn lại thèm thuồng bắt chước “nhập hội” (intégration) bằng cách nhao nhao mua món hàng đó; (3) khi đại đa số đã có món đó rồi, sẽ thành lỗi thời, sẽ lại có một vài cá nhân xé lẻ xài một món khác để dị biệt hóa tiếp, lại bắt đầu một chu kỳ thời thượng, thời trang (mode) mới.

Vấn đề là có khi những màn xuất hiện hành nghề đó lại là để quảng cáo cho một thứ hàng hóa nào đó, tỉ như các mỹ nữ bên cạnh các mẫu xe mới, quảng cáo bia, rượu... Người Pháp gọi hiện tượng này là “femme-objet”, người phụ nữ biến thành một món đồ... Một khi người phụ nữ trở thành “món đồ”, đó chính là những “xiềng xích” mới. Thành ra, đã “cởi trói” rồi, đừng tự “xiềng xích” lại!