Con cá vây tia đen toàn thân. (Nguồn: Facebook FWC) |
Một con cá "đen màu hắc ín, vảy cứng như bọc thép và miệng đầy răng", bị sa lưới ở sông Choctawhatchee, phía Tây Florida, cách thành phố Tallahassee (Mỹ) chừng 160km, khiến các nhà sinh vật học phải bối rối.
Trên trang chính thức của Viện nghiên cứu Cá và Động vật hoang dã Florida (FWC), sinh vật được mô tả như bước ra từ bộ phim viễn tưởng "Công viên kỷ Jura".
Nhóm chuyên gia thấy nó khi đang đi thuyền thám hiểm sông. Sự khác thường của sinh vật khiến cả nhóm phải dừng lại và vây lưới. Họ xác nhận đó là con cá vây tia mũi dài Lepisosteus osseus. Sinh vật mắc chứng "hắc tố hóa", mang màu sắc dị thường.
Được biết, thông thường cá vây tia có màu ô liu rám nắng với những đốm nâu, nhưng sinh vật này có những điểm bất thường hiếm gặp nên đã gây ra sự nhầm lẫn.
Các chuyên gia từ FWC giải thích, màu sắc lạ trên cơ thể con cá là do bệnh hắc tố hóa hay nhiễm hắc tố do tích tụ quá nhiều melanin khiến màu da và vảy của nó sẫm lại.
Hội chứng này tương đối hiếm ở động vật và không được quan sát thường xuyên. Sau khi được kiểm tra, nhóm chuyên gia đã thả con cá trở về với tự nhiên.
Lepisosteus osseus là loài cá vây tia mũi dài nguyên thủy, có thân dài từ 60cm đến 180cm, nặng khoảng 0,5kg tới 3,5kg. Kỷ lục thế giới của loài này từng bắt được ở sông Trinity, Texas vào năm 1954, là con cá nặng tới 50,3kg. Tuổi thọ trung bình của chúng khoảng 18 năm.
Loài cá này có mõm dài chứa nhiều răng lớn. Chúng có thân hình dài, được bao phủ bằng lớp vảy có hình kim cương và một vệt đen dài trên khắp cơ thể.
Cá vây tia mũi dài được tìm thấy trong các con sông và hồ suốt nửa phía Đông của nước Mỹ, phía Bắc Quebec, miền Nam Ontario ở Ngũ Đại Hồ, sông Ottawa và miền Bắc Mexico.
Chúng được tìm thấy ở vùng nước ấm, nơi có thảm thực vật phong phú. Sở dĩ cá vây tia được mệnh danh là "hóa thạch sống" vì đã hiện diện trên trái đất từ 100 triệu năm trước.