📞

Côn Đảo từ “địa ngục” tới “thiên đường”

15:12 | 08/04/2009
Từ đất liền đi Côn Đảo hiện nay có hai đường: Một là đường hàng không, máy bay ATR 72 bay từ TP. HCM ra sân bay Cỏ Ống chỉ mất nửa giờ đồng hồ, và hai là từ Vũng Tàu đi tàu đêm ra. 5 giờ lên tàu, ngủ hay lên boong nhậu ngắm biển thì tùy, 7 giờ sáng cập bến.

Chuyến tàu biển mang tên Côn Đảo 09 xuất phát từ Vũng Tàu đèo đẽo suốt đêm nhẫn nại xuyên màn đêm, xuyên sóng và gió. Tàu thiết kế khá sang với các buồng nhỏ, trong kê 250 giường có nệm chăn gối, một phòng khách chung kê 40 ghế tựa bọc da kiểu sa lông, có tivi chiếu phim hài… Khách khỏe, thường là dân đi biển thì mua loại vé này vì chịu được say sóng. Còn lại là mua vé giường nằm, 150.000 đồng/vé 1 chiều.

 

Kinh nghiệm hay là lên tàu, vào giường và nằm ngay thì không bị say sóng. Tôi và 1 gã bạn cao 1m80, nặng 80kg bị say chỉ vì khoảng 2 giờ sáng, gã giở chứng, rủ tôi lên boong ngắm biển trời đêm. Chả thấy người, chả thấy ngư dân, chỉ có đêm, một bầu trời nhiều sao, nước biển và sóng. Nhưng cái cảm giác lúc ấy nó vừa hùng tráng vừa mong manh. Biển thăm thẳm như thế, đêm đông đặc như thế, con tàu tưởng to té ra chỉ như cái lá tre giữa biển. Con người càng bé nhỏ nữa. Thường thì người ta mua vé khứ hồi, ra tàu nào về tàu ấy. 5 giờ chiều xuất phát, sáng sau tới đảo, ở lại đêm ấy, 5 giờ chiều hôm sau nữa lại lên tàu vào đất. Cái từ “đất” ngoài đảo thiêng liêng lắm. Người đảo ngóng vào đất liền như con ngóng về đất mẹ. Bây giờ còn thế, huống hồ hàng trăm năm trước, dằng dặc hoang vu, cô đơn lạc hậu, mà lại mang thân phận tù...

 

Vô cùng đột ngột, giữa mênh mông nước và trời đột ngột nhô ra, mọc lên, sừng sững một dãy núi y như dãy Trường Sơn giữa biển. Có người nói với tôi rằng đúng nó là dãy Trường Sơn đấy, hay nói cách khác nó chính là một khúc đứt gãy của Trường Sơn trôi ra đây. Chả biết thực hư thế nào, nhưng tôi thấy nó chả khác gì dãy Trường Sơn mà tôi vẫn thấy. Phải mất hai tiếng nữa lượn giữa các dãy núi trùng điệp ấy thì tàu mới cập cảng, và Côn Đảo hiện ra...

 

Đặc sản khó tìm

 

Bất cứ một ai đã đến Côn Đảo cùng đều có ngay nhận xét như nhau, đây chính là thiên đường du lịch. Biển xanh ngăn ngắt, những con đường uốn lượn, núi nhấp nhô, con người ở biển nhưng lại rất nhỏ nhẹ, tốt bụng, lịch sự và ân cần. Côn Đảo có một “đặc sản” mà nhiều nơi khác không có, ấy là không có ăn cắp. Buổi tối, xe máy để đầy ngoài đường, không cần dắt vào nhà, không cần khóa. Nhưng nếu xe đạp thì có khi... mất. Thực ra thì không mất, nhưng có ai đó đi nhậu về qua, thấy xe đạp thì nhảy lên đạp cho đỡ phải đi bộ, xong rồi vất đâu đấy, chủ xe chỉ việc chịu khó đi một vòng sẽ tìm thấy...

 

Nhân nói về đặc sản, không thể không nhắc đến món ốc vú nàng Côn Đảo. Cũng không hiểu ai đã đặt tên nó là vú nàng, chỉ biết đây là loại ốc rất ngon. Ngay hôm đầu tiên đặt chân đến Côn Đảo, chúng tôi đã vào nhà hàng “dê lang thang” để thưởng thức. Ở đây, ốc vú nàng có quanh năm, nhưng chỉ xuất hiện nhiều vào những ngày trăng tròn. Ốc vú nàng rất thơm ngon khi được luộc, nướng hoặc làm món trộn, làm gỏi. Nghe nói, thời còn tù nhà Côn Đảo, ốc vú nàng là món thức ăn bổ dưỡng nuôi sống nhiều người tù suy kiệt.

 

Sẽ ngang tầm quốc tế?

 

BND Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang làm công văn trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép tỉnh ủy phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Hội đồng Di sản Quốc gia, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam tiến hành lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Côn Đảo là di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch để đến năm 2020 phát triển Côn Đảo thành khu du lịch dịch vụ chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế. Cũng đã mấy năm rồi nhưng khởi động chưa là bao, dù hiện nay Côn Đảo đang sở hữu một hạ tầng rất đẹp, một phong cảnh tuyệt vời, một địa thế lý tưởng...

 

Thời điểm này, Côn Đảo đang là địa điểm thu hút đầu tư, du lịch hấp dẫn của cả nước. Hệ thống nhà tù, chuồng cọp, nghĩa trang ở Côn Đảo đã đánh vào tâm thức của nhiều du khách lòng yêu nước, sự hy sinh, quyết tâm sinh tồn… Đó là những giá trị tinh thần vô giá và là cơ sở vững chắc để xây dựng những loại hình du lịch thích hợp trên “hòn đảo tự do” này.

 

Theo tính toán của nhiều chuyên gia du lịch và các nhà đầu tư, sức hút mạnh của Côn Đảo là du lịch hành hương và giáo dục truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm và thể dục thể thao, du lịch dã ngoại... trọng điểm là du lịch sinh thái rừng, biển đảo, nghỉ dưỡng, tham quan di tích lịch sử cách mạng.

 

Cùng có mặt trên chuyến tàu ra đảo hôm ấy, chúng tôi đã gặp hai đôi vợ chồng trẻ, -một cặp người Australia, một cặp người Việt - cùng chọn nơi đây làm điểm du lịch, hưởng tuần trăng mật. Còn đâu "địa ngục trần gian", Côn Đảo giờ đây đã nổi lên như một thiên đường du lịch trong con mắt rất nhiều du khách…

 

Mai Hương