Thanh toán dịch vụ khí đốt NipponGas mất chưa đầy một phút, trả tiền mua đồ qua mạng chỉ bằng vài cái click chuột, gửi tiền cho bạn bè chỉ với vài thao tác trên điện thoại… những tiện ích mà tiền ảo Bitcoin mang lại đang biến đồng tiền này trở thành một “cơn sốt” tại thị trường Nhật Bản.
Làn sóng này càng trở nên mạnh mẽ khi đất nước Mặt Trời mọc chính thức hợp pháp hóa việc giao dịch bằng Bitcoin vào tháng Tư và công nhận giấy phép giao dịch tiền thuật toán của 11 cơ sở giao dịch cuối tháng Chín vừa qua, trong đó có bitFlyer - sàn giao dịch tiền ảo lớn thứ nhì thế giới. Giới kinh doanh tài chính đánh giá, Nhật Bản đang trở thành một trong những thị trường Bitcoin lớn nhất thế giới.
Bitcoin hay J-Coin?
Tuy nhiên, sức quyến rũ của Bitcoin tại Nhật Bản được dự báo có thể giảm đi trong thời gian tới, khi nhiều tập đoàn tài chính bắt đầu phát triển các đồng tiền ảo của riêng mình. Nổi bật trong số đó là J-Coin, đơn vị tiền ảo được Tập đoàn Tài chính Nhật Bản Mizuho và Japan Post Bank ủng hộ. Người Phát ngôn của Mizuho khẳng định, J-Coin - dự kiến phát hành vào năm 2020, sẽ là “luồng gió mới” thổi vào thị trường tiền tệ Nhật Bản.
Những áp phích kêu gọi người tiêu dùng thanh toán bằng Bitcoin được treo tại một siêu thị điện máy ở Nhật Bản. (Nguồn: Reddit) |
So với Bitcoin, J-Coin đang sở hữu những ưu thế nhất định, khi sẽ có tỷ giá quy đổi 1:1 so với đồng Yen và được phát hành song song với tiền thật. Hơn nữa, thay vì phải sử dụng máy tính và mạng internet của Bitcoin khá phức tạp, người Nhật có thể chuyển tiền Yen thành J-Coin để sử dụng trên điện thoại di động, máy tính và thanh toán hóa đơn qua máy quét mã vạch. Theo các nhà phân tích, việc đơn giản hóa các giao dịch hàng ngày sẽ kích thích thị trường tiêu dùng ở Nhật Bản và đóng góp 10 tỷ Yen vào nền kinh tế của quốc gia này.
Chủ tịch Tập đoàn Mizuho Yasuhiro Sato tin tưởng, việc sử dụng J-Coin sẽ khiến người Nhật hạn chế các giao dịch bằng tiền mặt hơn. Hiện có tới hơn 70% hoạt động giao thương tại Nhật Bản được thực hiện bằng tiền mặt - nhiều nhất trong số các nước phát triển ở châu Á. “Chúng tôi thích tiền mặt vì Nhật là một đất nước thích an toàn. Tuy nhiên, tiền mặt không thuận tiện nên thay đổi sang tiền điện tử là điều cần thiết”, ông Yasuhiro Sato nói.
Quan trọng hơn, việc sử dụng tiền mặt và thẻ cho các hoạt động mua bán đã khiến các ngân hàng và doanh nghiệp của Nhật Bản phải chịu không ít chi phí phát sinh như tiếp nhận, vận chuyển và kế toán. Ngược lại, J-Coin sẽ giúp giảm thiểu các chi phí trên.
Tập đoàn Mizuho cho biết, đầu năm 2017, họ đã hoàn thành một giao dịch tài chính với các đối tác tại Australia trên nền tảng kỹ thuật số với sự hỗ trợ hoàn toàn của công nghệ tiền ảo.
Tiềm ẩn rủi ro
Dù được đánh giá là có nhiều lợi thế nhưng các chuyên gia tài chính cho rằng, đồng J-Coin sẽ phải đối mặt với không ít thách thức nếu như muốn “song hành” cùng đồng Yen trên thị trường.
Trước mắt, việc đưa một đồng tiền mới vào giao dịch có thể gây ra nhiều xáo trộn và khiến nền kinh tế trở nên bất ổn. Sự xuất hiện ngày càng phổ biến của các đơn vị tiền tệ ảo khác cũng đặt ra nhu cầu cấp bách cho Tokyo trong việc xây dựng một bộ luật quản lý thị trường tiền ảo này.
Ngoài ra, nhiều người tỏ ý nghi ngờ về độ phổ cập J-Coin trong xã hội Nhật Bản. Khảo sát năm 2016 của Yahoo cho thấy 60% số người trên 60 tuổi ở xứ sở hoa Anh đào không sử dụng smartphone (điện thoại thông minh). Như vậy, một bộ phận chiếm tới 26% dân số Nhật Bản sẽ khó tiếp cận công nghệ thanh toán mới của J-Coin.
Câu hỏi về tính bảo mật của J-Coin cũng được nhiều chuyên gia đặt ra, đặc biệt là khi các thị trường Bitcoin đang phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công của tin tặc. Một thống kê cho thấy từ năm 2011, đã có tới 980.000 Bitcoin bị đánh cắp (tương đương với 4 tỷ USD) mà không có khả năng phục hồi. Trong khi đó, các biện pháp bảo vệ hay chế tài xử lý các vụ việc như vậy còn hạn chế.
Phải đến năm 2020, J-Coin mới chính thức ra đời. Việc “sinh sau đẻ muộn” đồng nghĩa với việc đồng tiền mới sẽ phải mất thời gian để giành lại thị phần từ các tiền ảo đang phổ biến tại Nhật Bản như Bitcoin, Alipay hay Apple Pay. Cũng khó có thể khẳng định sự xuất hiện của J-Coin sẽ thay đổi được thói quen sử dụng tiền mặt của người Nhật.
Thực tế này đòi hỏi các nhà xây dựng J-Coin cần nỗ lực hơn nữa để chứng minh rằng đây thực sự là “cuộc cách mạng” về tiền tệ tại đất nước Mặt trời mọc.