Tại sự kiện Ubicomp 2017 mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Washington (UW) cho biết đang phát triển ứng dụng đầu tiên trên điện thoại thông minh, với tên gọi PupilScreen, có thể phát hiện những thay đổi thông qua phản ứng của đồng tử với ánh sáng từ camera của điện thoại thông minh.
Ứng dụng PupilScreen trên điện thoại thông minh có thể phát hiện tổn thương não. (Nguồn: The Times) |
Đèn flash trên điện thoại thông minh sẽ kích thích đôi mắt người bệnh và camera của điện thoại sẽ ghi lại những hình ảnh này trong khoảng thời gian 3 giây. Những đoạn phim này sẽ được xử lý bằng các thuật toán để xác định các điểm ảnh từ đồng tử trong mỗi khung hình và đo được những thay đổi về kích thước đồng tử. Thông qua ứng dụng PupilScreen, các nhà khoa học có thể xác định phản ứng ánh sáng từ đồng tử của người bệnh như một thiết bị đo đồng tử được sử dụng tại các bệnh viện với chi phí đắt đỏ.
PupilSceen được coi là một dạng trí thông minh nhân tạo có thể định lượng những thay đổi không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Theo kết quả nghiên cứu trên 48 người bệnh tổn thương não và một số người khỏe mạnh, các bác sỹ đã có thể chẩn đoán những tổn thương não một cách chính xác gần như hoàn hảo thông qua việc sử dụng ứng dụng PupilScreen.
Theo kế hoạch, một nghiên cứu lâm sàng với ứng dụng PupilScreen sẽ được triển khai vào cuối năm nay đối với các huấn luyện viên và các bác sỹ nhằm thu thập thêm những dữ liệu về những đặc trưng phản ứng đồng tử đối với những trường hợp bị chấn thương. Qua đó, các nhà khoa học thuộc UW, các kỹ sư và các nhà nghiên cứu y học hy vọng sẽ phát hành phiên bản thương mại PupilScreen trong hai năm tới.
Theo số liệu từ Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), tại Mỹ, ước tính mỗi năm có khoảng 1/2 trong số 3,8 triệu ca chấn thương sọ não do các chấn thương thể thao gây ra và không được chẩn đoán kịp thời. Do đó, việc phát triển thành công ứng dụng PupilScreen sẽ là tin vui đối với ngành y học Mỹ và thế giới trong chẩn đoán tổn thương não.