📞

Công đoàn Anh đóng vai trò quan trọng trong tiến trình Brexit

08:43 | 13/09/2017
Các tổ chức công đoàn Anh đang trở thành một lực lượng chính trị quan trọng trên chính trường Anh trong bối cảnh nước này chuẩn bị rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là tiến trình Brexit, vào tháng 3/2019.

Cùng với Công đảng đối lập, các tổ chức công đoàn tại Anh đã thành công tạo nên sức ép chính trị với chính phủ Anh khi đòi tăng mức chi ngân sách cho những người làm việc trong khối dịch vụ công. 

Tổ chức Nghiệp đoàn Anh (TUC) là một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất kêu gọi Anh ở lại EU với lý do nhằm giữ các bảo trợ xã hội của EU với người lao động. Hiện TUC là tiếng nói bền bỉ nhất yêu cầu chính phủ Anh có cách tiếp cận mềm khi rời EU.

Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn. (Nguồn: PA)

Mối liên kết giữa lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn với các tổ chức công đoàn tại Anh hiện rất bền chặt. Các tổ chức công đoàn vẫn giữ được sức mạnh chính trị dù lực lượng lao động Anh tham gia công đoàn giảm từ 13 triệu người vào năm 1979 xuống chỉ còn 6 triệu người tham gia hiện tại. Các tổ chức công đoàn hiện đẩy mạnh thu hút hội viên trẻ do 40% hội viên đã trên 50 tuổi và người lao động dưới 35 tuổi tham gia chỉ chiếm 25%. 

Bên cạnh đó, các tổ chức công đoàn Anh hiện cũng đối mặt với thách thức thay đổi về bản chất của nền kinh tế Anh. Tự động hóa và công nghệ đã khiến sức mạnh của các tổ chức công đoàn suy giảm. Dù vậy, chiến dịch phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" của các tổ chức công đoàn đã tác động được đến cả Công đảng và đảng Bảo thủ. Chính những rủi ro phải đối mặt thời hậu Brexit đã khiến vai trò đấu tranh của các tổ chức công đoàn tăng mạnh trở lại trong những vấn đề thương mại và sự can thiệp của chính phủ trong hoạt động kinh doanh.

Việc Anh rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan EU sau năm 2019 được đánh giá sẽ khiến kinh tế nước này gặp nhiều khó khăn. Để có thể cạnh tranh, Anh cần đạt được những thỏa thuận thương mại mới sau 40 năm là thành viên EU. Tại Anh sẽ diễn ra các cuộc tranh luận gay gắt về "được và mất" của tự do thương mại. Trong khi giới chính trị gia thuộc đảng Bảo thủ và các doanh nghiệp lớn ủng hộ mạnh mẽ tự do hóa, các tổ chức công đoàn lại theo hướng bảo hộ dù kêu gọi tự do thương mại với EU.

Vai trò của tổ chức công đoàn Anh càng trở nên quan trọng sau khi Anh rời EU, với việc sử dụng ảnh hưởng để đấu tranh bảo vệ người lao động cho phù hợp với nền kinh tế mở và đấu tranh cho quyền lợi người lao động ở những ngành công nghiệp chủ chốt của thế kỷ 21 mà nước Anh hướng tới.

(theo The Guardian)