📞

Cộng đồng cần một nền báo chí chuyên nghiệp và nhân văn

14:00 | 20/10/2016
“Không còn cách nào khác, báo chí ASEAN cần phải thực hiện sứ mệnh của mình một cách chuyên nghiệp nhất có thể”, Tiến sĩ Bob Iskandar, Giám đốc Liên đoàn báo chí Đông Nam Á, chia sẻ.

Nhiều học giả có đồng quan điểm này khi tham dự Hội thảo quốc tế Báo chí ASEAN: Những góc nhìn so sánh được tổ chức ngày 19/10 tại Hà Nội.

Khoảng trống mênh mông

Một đặc điểm quan trọng của ASEAN là nhà nước chi phối mạnh mẽ quá trình hình thành và phát triển Hiệp hội trong suốt 49 năm qua. Tuy nhiên, ngày 31/12/2015, việc ASEAN chuyển sang hình thức cộng đồng đã tạo ra sự khác biệt lớn. Nếu Hiệp hội là tập hợp của 10 nước thành viên, cộng đồng là tập hợp sự tham gia của tất cả các chủ thể. Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngoại giao cho rằng chính thực tế này đã tạo ra khoảng trống mênh mông cho báo chí ASEAN phát triển, làm cầu nối giữa chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân.

Trong ASEAN, cơ quan nhân quyền và diễn đàn nhân dân là hai diễn đàn của người dân với vai trò của chính phủ ở mức độ vừa phải. Do đó, báo chí cần đồng hành cùng các tổ chức như vậy, phát hiện ra các vấn đề liên quan tới cuộc sống của người dân Hiệp hội như vấn đề quyền con người, từ đó tham mưu cho giới hoạch định chính sách nhằm hướng đến một cộng đồng thiết thực, lấy người dân làm trung tâm.

Các nhà báo cần phải có tư duy mang tầm khu vực.

Báo chí đóng vai trò quan trọng trong cả ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN (AC), bao gồm Cộng đồng Chính trị - an ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa – xã hội. Cụ thể, có thể thấy gần đây, báo chí không chỉ là cầu nối mà đã thực sự trở thành một vũ khí của ASEAN và là nhân tố kiến tạo hòa bình. Ví dụ, tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc tại Côn Minh, Trung Quốc tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng  Ngoại giao nhiều nước đã đưa ra tuyên bố thể hiện lập trường của mình. Một trong những mục tiêu của Cộng đồng Chính trị - An ninh là cộng đồng mở và liên kết với thế giới. Ông Thái cho rằng chữ “mở” này có ý nghĩa rằng lĩnh vực chính trị, an ninh trong ASEAN cũng luôn mở với báo chí, truyền thông. Do vậy, những năm tới, khi các lĩnh vực trong cộng đồng càng mở rộng cho báo chí, vai trò của báo chí ngày càng được phát huy và góp phần vào việc đảm bảo các mục tiêu hòa bình của Hiệp hội. Cộng đồng Văn hóa – Xã hội bao gồm 6 mục tiêu cốt lõi hướng tới phát triển con người ASEAN. Đây là cộng đồng mới, hình thành sau với những nội dung phức tạp hơn, mặc dù vậy, báo chí ASEAN tham gia vào lĩnh vực này tích cực và sâu hơn, tập trung vào xây dựng bản sắc cộng đồng, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Đối với Cộng đồng Kinh tế, theo ông Thái, báo chí cần đóng vai trò phản biện, phát hiện vấn đề của Hiệp hội và kiến nghị lên các cơ quan hoạch định chính sách. Ví dụ trong vấn đề lao động, tự do dịch chuyển trong AEC là tự do dịch chuyển lao động có tay nghề. Trên thực tế, những lao động có chứng nhận tay nghề được phép dịch chuyển trong ASEAN tương đối hạn chế và phần lớn là dịch chuyển lao động phổ thông. Báo chí ASEAN cần phải nhạy bén nhìn ra vấn đề và phản ánh chân thực, khách quan để Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có thể thực hiện được sớm nhất các mục tiêu đề ra.

Nhưng… đâu dễ lấp đầy!

Thời gian qua, báo chí đã  đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng Cộng đồng. Song không có nghĩa báo chí đã làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Báo chí một số nước ASEAN làm tốt công tác tuyên truyền trong nước nhưng hoạt động quảng bá thành tựu của đất nước mình ra bên ngoài  vẫn còn hạn chế, khiến nhiều nước trong Hiệp hội chưa hiểu hết về nhau.

Từ thực tiễn nêu trên, nhiều diễn giả nhấn mạnh, trước mắt  Hiệp hội cần xây dựng các cơ chế, diễn đàn để báo chí khu vực tham gia sâu hơn, tạo những cơ hội để các phóng viên ASEAN tiếp cận nguồn thông tin và truyền tải chúng tới người dân. Một số diễn giả trong nước cho rằng, sự vào cuộc của báo chí trong các vấn đề của Cộng đồng thời gian qua rất tích cực nhưng đang có xu hướng chìm dần. Vì lẽ đó, việc giữ “ngọn lửa” trong người làm báo, đồng hành cùng quá trình phát triển cộng đồng cũng rất gian nan.

Chính những khác biệt về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và sự thiếu hụt cơ chế diễn đàn báo chí đã khiến báo chí ASEAN gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian qua. Năm 2017, Philippines sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và tuyên bố sẽ cập nhật Hiến chương. Vì vậy, ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin Truyền thông cũng như nhiều diễn giả, nhà báo ASEAN mong rằng Hiến chương sẽ có một điều khoản về báo chí cũng như quan hệ của báo chí  với Cộng đồng.

Hơn nữa, để Cộng đồng hướng gần hơn với người dân, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamplus (TTXVN), cho rằng báo chí cần tập trung vào ba đối tượng gồm người dân, nhất là người dân ở các vùng sâu, vùng xa; thanh niên và các tổ chức đoàn thể xã hội trong và ngoài khu vực. Đặc biệt, báo chí khu vực cần được kết nối chặt chẽ thông qua các công cụ, diễn đàn chung.

Là một nhà báo luôn có cách tiếp cận sáng tạo trong nghề, ông Lê Quốc Minh, cho rằng để tiếp được “ngọn lửa” về tuyên truyền ASEAN, các nhà báo cần có tư duy tầm khu vực, đưa tin về các nước ASEAN nhiều hơn thay vì chỉ tập trung vào những câu chuyện của nước mình. ASEAN nên tổ chức thường niên các cuộc họp Tổng Biên tập, phóng viên, thiết lập hệ thống tin tức chung… Đặc biệt, ASEAN cần tận dụng ưu thế của công nghệ truyền thông để đưa tiếng nói của cộng đồng ra thế giới. Nội dung là “vua”, công nghệ là “hoàng hậu”, các nhà báo ASEAN phải luôn sáng tạo để đưa tin có phong cách, hấp dẫn mới có thể thu hút được độc giả.

Liên kết và chuyên nghiệp là chìa khóa

Đồng quan điểm với ông Lê Quốc Minh, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Tổng Biên tập báo Thế giới & Việt Nam (Bộ Ngoại giao) thêm rằng, để tăng cường nhận thức của người dân về ASEAN, các nhà báo ASEAN trước tiên phải tự tạo ra một mạng lưới kết nối với nhau.

Báo chí ASEAN không nhất thiết phải đi theo mô hình của phương Tây, một số học giả phương Tây cho rằng báo chí ASEAN tô hồng mọi thứ nhưng có lẽ báo chí của chúng ta nên hướng tới thúc đẩy hòa bình thay vì châm ngòi cho xung đột”,

Tiến sĩ Kalinga Seneviratne,

Đại học Chulalongkorn, Thái Lan.

Thông qua mạng lưới đó và các mối liên kết cá nhân, họ có thể thúc đẩy trao đổi thông tin và hiểu biết về đất nước của nhau cũng như về AC, từ đó có thêm động lực để chia sẻ chúng tới bạn đọc trong nước cũng như khu vực. Cùng với đó, ASEAN nên thực hiện các chương trình giao lưu phóng viên, biên tập viên ở các nước thành viên; thực hiện các bài xã luận chung trong những dịp đặc biệt; dịch phụ đề các chương trình chuyên về ASEAN ra các ngôn ngữ khác nhau, ưu tiên các chương trình thực tế; định kỳ lựa chọn các chủ đề về ASEAN.

Lắng nghe người dân và làm “mềm” những thứ vốn rất khô khan để có thể đi vào lòng người dân dễ dàng nhất là đề xuất của Tiến sĩ Kalinga Seneviratne, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan  và Tiến sĩ Tạ Bích Loan, Trưởng Ban Thanh thiếu niên, VTV 6, Đài Truyền hình Việt Nam, với mong muốn một nền báo chí ASEAN gần gũi hơn với người dân. Tiến sĩ Kalinga nêu ví dụ, thay vì đưa ra những con số, báo cáo, khảo sát trên các bản tin kinh doanh, các nhà báo ASEAN có thể phỏng vấn các nhà kinh tế phi chính thức như những người bán hàng rong… để có cách tiếp cận nhân văn, gần gũi hơn.

Là nhà báo ASEAN kỳ cựu, trải qua nhiều thời kỳ phát triển của báo chí khu vực, Tiến sĩ Bob Iskandar nhận định trong kỷ nguyên số, báo in, tạp chí có xu hướng đi xuống trước sức mạnh của Internet, mạng xã hội. Vì vậy, để duy trì được sức lan tỏa, báo chí cần phải kết hợp cân đối giữa báo chí truyền thống và hiện đại. Để làm được điều này, nguồn nhân lực đóng vai trò vô cùng quan trọng, các chính phủ phải hỗ trợ tối đa để các nhà báo ASEAN có thể thực hiện nghĩa vụ của mình một cách tối đa, có điều kiện học hỏi và tiếp cận với những công nghệ mới và áp dụng nó vào nghề nghiệp nhằm đưa đến độc giả thông tin nhanh, chính xác và hấp dẫn nhất.

 

Phạm Hằng