📞

Cộng hòa Czech gia hạn kiểm soát biên giới với Slovakia, tuy nhiên quy định sẽ 'dễ thở' hơn

Vy Anh 08:02 | 26/01/2023
Cộng hòa Czech đang từng bước tiến tới việc chấm dứt hoàn toàn 'chế độ đặc biệt' tại khu vực biên giới giáp Slovakia.
Các sỹ quan cảnh sát Czech tuần tra tại khu vực biên giới với Slovakia. (Nguồn: Reuters)

Chính phủ Cộng hòa Czech ngày 25/1 đã quyết định gia hạn việc kiểm soát biên giới với quốc gia láng giềng Slovakia thêm 10 ngày, đến hết 4/2.

Điểm mới là việc kiểm soát này sẽ được nới lỏng hơn và cảnh sát tại biên giới chỉ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên phương tiện nhập cảnh vào Cộng hòa Czech từ Slovakia.

Theo Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala, quyết định trên là bước đi mới nhất nhằm tiến tới việc chấm dứt hoàn toàn "chế độ đặc biệt" tại khu vực biên giới giáp Slovakia.

Trước đó, chính phủ Cộng hòa Czech đã rút lực lượng vũ trang và các nhân viên hải quan khỏi các trạm kiểm soát biên giới, chỉ để lại cảnh sát thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tại các khu vực này.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Vit Rakusan nhấn mạnh chính phủ Cộng hòa Czech sẽ sớm ban hành chế độ không kiểm soát lâu dài tại khu vực biên giới, song cũng cho biết lực lượng cảnh sát nước này sẽ tăng cường tuần tra quanh các khu vực trên.

Quyết định trên của chính phủ Cộng hòa Czech giúp duy trì biện pháp kiểm soát hiện nay vốn sẽ hết hiệu lực vào cuối ngày 26/1 theo giờ địa phương.

Theo các thỏa thuận trong khối Schengen, Cộng hòa Czech có quyền duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới trong vòng tối đa 6 tháng.

Kể từ cuối tháng 9/2022, chính phủ Cộng hòa Czech đã chỉ đạo triển khai các biện pháp kiểm soát biên giới với Slovakia nhằm đối phó với tình trạng gia tăng người tị nạn nhập cảnh vào nước này.

Bratislava đã chỉ trích gay gắt Prague vì các biện pháp kiểm soát biên giới.

Bộ Nội vụ Slovakia hiện vẫn tái khẳng định nạn di cư bất hợp pháp cần phải được giải quyết bằng các biện pháp khác như bảo vệ biên giới bên ngoài của khu vực Schengen, thực hiện các biện pháp khẩn cấp ở cấp độ xuyên quốc gia, đồng bộ hóa chính sách thị thực của các quốc gia bên ngoài Liên minh châu Âu (EU), nhất là các quốc gia khu vực Balkan, với chính sách chung của EU.

(theo TTXVN, AP)