Hãy thử tưởng tượng bạn và người bạn đời đang ngồi tại một trung tâm hỗ trợ sinh sản, nghe nhạc và thưởng thức cà phê trước khi được nhân viên y tế chuyển đến một danh mục sự lựa chọn về đứa con trong tương lai. Những đặc điểm từ màu mắt, màu da, màu tóc, khả năng miễn dịch cao với một số loại bệnh hay thậm chí khả năng đạt chỉ số IQ cao, khả năng logic… đều được liệt kê đầy đủ trong danh mục đã được thiết kế sẵn.
Dù được đánh giá cao nhưng kỹ thuật IVF “ba bố mẹ” vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. (Nguồn: Nature) |
Điều nghe giống như chỉ có trong truyện khoa học viễn tưởng trên thực tế đang ngày càng có khả năng trở thành hiện thực khi kỹ thuật sinh sản trong ống nghiệm (IVF) ngày càng thu được nhiều thành tựu. Một thế hệ những đứa trẻ được “thiết kế” với nhiều ưu điểm vượt trội sẽ không còn là chuyện của tương lai.
Một em bé, ba bố mẹ
Cuối năm 2016, Anh quốc đã trở thành nước đầu tiên chính thức cho phép áp dụng kỹ thuật IVF để tạo nên em bé từ ba bố mẹ. Kỹ thuật có tên gọi là IVF “ba bố mẹ” vì em bé được sinh ra từ phôi đã được biến đổi gene với ADN từ mẹ ruột, cha ruột và một người hiến tặng là nữ. Kỹ thuật này cho phép can thiệp trong quá trình thụ tinh để tách bỏ ti thể mang bệnh của người mẹ và sử dụng ti thể lành mạnh của người hiến tặng. Ti thể được coi là trung tâm sản xuất năng lượng nhỏ xíu trong tế bào và khi ti thể bị lỗi có thể gây ra những căn bệnh nan y về tim gan, rối loạn não bộ, mù và loạn dưỡng cơ.
Quá trình thụ tinh phôi thai từ ba bố mẹ được thực hiện theo ba bước. Bước đầu tiên, trứng của mẹ ruột và trứng của người hiến tặng sẽ được thụ tinh, tạo thành hai phôi. Sau đó các bác sỹ sẽ tách tiền nhân có chứa gene di truyền khỏi cả hai phôi, chỉ giữ lại tiền phôi được tạo từ bố mẹ ruột. Bước cuối cùng, các bác sỹ sẽ tạo ra phôi khỏe mạnh bằng cách đưa tiền nhân của phôi được tạo từ bố mẹ ruột vào phôi của người hiến tặng và đưa phôi khỏe mạnh cấy vào tử cung.
Đầu tháng Tám năm nay, các nhà khoa học thuộc Đại học Y tế và Khoa học Oregon (Mỹ) đã đạt được thành tựu đánh dấu bước tiến lớn trong việc ngăn ngừa các bệnh di truyền khi lần đầu tiên trên thế giới, y học có thể sử dụng công nghệ “chỉnh sửa” gene để can thiệp thành công đột biến gây bệnh trong phôi người.
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature, các nhà khoa học đã sử dụng công cụ “chỉnh sửa” gen CRISPR-Cas9 trên trứng mới thụ tinh để sửa chữa đột biến gen MYBPC3 gây bệnh cơ tim phì đại (HCM). Các nhà khoa học đã tiêm tinh trùng lấy từ những nam giới mang đột biến gen MYBPC3 vào trứng lấy từ những phụ nữ khỏe mạnh và sử dụng liệu pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Kết quả cho thấy kỹ thuật CRISPR-Cas9 đã sửa chữa ADN ở đúng vị trí cho 100% phôi, và đột biến gen MYBPC3 đã được sửa chữa hoàn toàn ở 42 trong số 58 phôi thí nghiệm, tỷ lệ thành công là 72,4%.
Tiến sĩ Robert C. Green - Nhà di truyền học y khoa tại Trường Y khoa Harvard nhận định, việc “chỉnh sửa” phôi thai để phòng tránh bệnh tật “là tất yếu và vô cùng thú vị, dẫn đến những tiến bộ vượt bậc trong ngành y khoa thế giới”.
Hank Greely, Giám đốc của Trung tâm Luật pháp và Sinh học của Đại học Standford đã gọi phương pháp CRISPR của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Y tế và Khoa học Oregon là “phương pháp thú vị nhất và có nhiều tiềm năng phát triển nhất trong ngành sinh học trong vòng 25 năm trở lại đây”.
Nhiều tranh cãi
Jeremy Farrar - Giám đốc của Tổ chức từ thiện toàn cầu Wellcome Trust nhận định kỹ thuật IVF “ba bố mẹ” là “bước ngoặt lớn đối với những người có bệnh liên quan đến ti thể”. Phương pháp này giúp các gia đình có bệnh về ti thể không thể chữa khỏi và di truyền từ mẹ sang con với tỷ lệ ảnh hưởng là 1/6.500 trẻ em trên toàn thế giới.
Còn GS. Dagan Wells từ Trung tâm nghiên cứu y sinh của Đại học Oxford (Anh) cho rằng:“Hiến tặng ti thể đem lại cơ hội thực sự để chữa khỏi những loại bệnh di truyền nghiêm trọng và đem lại hy vọng cho hàng trăm gia đình ở Anh”. Ông cũng là một trong rất nhiều chuyên gia ủng hộ kỹ thuật này.
Dù trên thực tế kỹ thuật này vẫn chưa được tiến hành tại Anh nhưng các nhóm nghiên cứu khắp thế giới đã nghiên cứu và thử nghiệm kỹ thuật này trong một loạt thí nghiệm tiền lâm sàng. Năm ngoái, em bé đầu tiên của cặp vợ chồng người Jordan đã chào đời tại một phòng khám ở Mexico nhờ kỹ thuật này.
Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng đang phải đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ từ nhiều phía. Nhà vận động David King từ tổ chức Human Genetics Alert lo ngại, việc Anh cho phép áp dụng kỹ thuật IVF “ba bố mẹ” sẽ kéo theo các “công nghệ nguy hiểm và không cần thiết về mặt y học” và mở đường cho “một thế giới toàn những em bé được “thiết kế” trên cơ sở biến đổi gene”.