Phải mất gần một tháng, các cơ quan điều tra mới tìm thấy xác chiếc phi cơ xấu số MS804 của Hãng hàng không Ai Cập rơi tại bờ biển Địa Trung Hải hồi tháng Năm vừa qua. Và phải vài ngày sau, họ mới vớt được thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay và thiết bị thu âm buồng lái từ độ sâu 3.000 mét dưới đáy biển.
Vai trò tối thượng
Những thiết bị này còn được gọi là hộp đen, nơi chứa những bằng chứng vô cùng quan trọng, giúp cơ quan điều tra tìm ra nguyên nhân của các vụ tai nạn máy bay.
Hộp đen bao gồm hai thiết bị. Thứ nhất là thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay, theo dõi và ghi lại 88 thông số khác nhau (như hướng bay, độ cao, tốc độ di chuyển của máy bay) trong 25 giờ bay cuối cùng. Hộp thứ hai chứa thiết bị ghi âm, ghi lại tất cả những gì xảy ra trong buồng lái, những âm thanh trao đổi giữa các thành viên phi hành đoàn trong hai tiếng cuối cùng, các âm thanh, tiếng động xung quanh.
Những chiếc hộp đen giữ vai trò quan trọng giúp cơ quan điều tra tìm ra nguyên nhân của các vụ tai nạn máy bay (Nguồn: BBC Autos). |
“Thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay sẽ cho biết vụ tai nạn đã xảy ra như thế nào còn thiết bị ghi âm buồng lái cho biết nguyên nhân tại sao”, Greg Marshall, Phó Chủ tịch các chương trình toàn cầu của Quỹ An toàn bay (Flight Safety Foundation) cho biết.
Cơ chế truyền thông tin trên hộp đen khá đơn giản. Các thiết bị cảm ứng gắn trên thân máy bay sẽ ghi nhận và truyền dữ liệu tới một thiết bị trung gian được gọi là bộ phận tiếp nhận dữ liệu chuyến bay. Bộ phận này sau đó sẽ chuyển tiếp thông tin đến thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay. Thông tin sẽ được lưu trữ trong các chip nhớ có khả năng chứa hàng terabytes dữ liệu.
Thiết bị ghi âm thanh buồng lái hoạt động theo cơ chế tương tự. Các microphone trong buồng lái, bao gồm micro ở bộ tai nghe của các phi công, và một micro chuyên ghi lại các âm thanh tiếng động xung quanh, sẽ ghi lại mọi tiếng động rồi chuyển dữ liệu tới thiết bị ghi âm thanh buồng lái, được lưu trữ trong các chip nhớ.
Mỗi thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay được thiết kế đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn cho phần “não bộ” - tức các bo mạch lưu giữ dữ liệu. Lớp bên trong được làm bằng vỏ nhôm, tiếp đến là một lớp cách nhiệt dày 2,5cm chịu được nhiệt độ cao, ngoài cùng là lớp vỏ titanium hoặc inox. Khối thiết bị này phải được đưa qua các thử nghiệm khắc nghiệt nhằm bảo toàn bộ nhớ trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Hộp đen được chế tạo để vượt qua lực va đập cực lớn, lên tới 3.400Gs (tức mạnh hơn 3.400 lần so với lực hút Trái Đất), đồng thời chịu được nhiệt độ cháy nóng lên tới 1.100 độ C trong một tiếng đồng hồ. Ngoài ra, thiết bị này có thể chịu được môi trường khắc nghiệt khi bị ngâm trong nước biển 30 ngày hay ngập trong dầu nhiên liệu máy bay.
Với mức độ bảo vệ này, các hộp đen khi được tìm thấy thường giữ nguyên vẹn những thông tin mà nó lưu giữ. Đây cũng là lý do khiến những chiếc hộp đen, dù sử dụng công nghệ cũ cách đây hàng chục năm, vẫn chưa thể thay thế.
Thiết bị truyền dữ liệu qua vệ tinh
Một loạt các tai nạn hàng không liên tiếp xảy ra vài năm trở lại đây đã mở ra một cuộc tranh luận về việc liệu có nên thay thế phương pháp ghi dữ liệu chuyến bay bằng hộp đen bằng một công nghệ khác sử dụng hệ thống vệ tinh có thể truyền tải thông tin trực tiếp, theo thời gian thực.
Theo tờ Wall Street Journal, vài trăm máy bay trên khắp thế giới đã được trang bị các thiết bị truyền tải trực tiếp dữ liệu thông qua vệ tinh. Nhưng không nhiều hãng hàng không chấp nhận áp dụng phương pháp này bởi chi phí quá cao vì liên quan đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và đường truyền vệ tinh.
Một nghiên cứu kết hợp thực hiện bởi L-3 Aviation Recorders và một nhà cung cấp vệ tinh cho thấy, một hãng hàng không Mỹ muốn duy trì mạng lưới toàn cầu cần tiêu tốn khoảng 300 triệu USD/năm để truyền tải dữ liệu. Đây là con số được tính toán với giả thiết giá thành của việc truyền dữ liệu qua vệ tinh trong tương lai có thể giảm 50%.
Dù chậm chạp nhưng những thay đổi vẫn đang diễn ra. Cuối năm 2015, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), một bộ phận của Liên hợp quốc, đã thông qua các sửa đổi bổ sung theo yêu cầu các hãng hàng không chậm nhất là đến năm 2018 phải có khả năng phát hiện, lần theo dấu vết các máy bay 15 phút/lần trong điều kiện hoạt động bình thường và đến năm 2021 phải đạt 1 phút/lần trong những trường hợp có vấn đề.
Một số hãng hàng không và các nhà sản xuất máy bay đã bắt đầu khởi động chương trình riêng của mình. Năm 2015, hãng sản xuất máy bay Airbus (Pháp) cho biết, hãng đã có cuộc đàm phán với Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) nhằm thúc đẩy việc phát triển các thiết bị ghi dữ liệu có thể được đẩy bung ra khỏi máy bay khi cần thiết.
Đầu năm 2016, hãng Qatar Airlines cũng công bố kế hoạch triển khai hệ thống truyền dữ liệu về mặt đất và nhận được hàng loạt lời chào mời lắp đặt hậu kỳ từ các công ty công nghệ.