Tại Kỳ họp này, Quốc hội thể hiện rõ tinh thần đổi mới, dân chủ, trí tuệ và thu được nhiều kết quả quan trọng. Quốc hội đã thông qua 7 dự án luật, cho ý kiến về 9 dự án luật khác...
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dành nhiều thời gian thông tin với cử tri về tình hình quốc tế và công tác đối ngoại của đất nước trong thời gian vừa qua. |
Đặc biệt, Quốc hội đã quyết định lùi việc thông qua Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sau khi lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhân dân về một số nội dung của Luật. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đang từng bước chuyển từ Quốc hội thảo luận sang Quốc hội tranh luận, các đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ đã trao đổi, tranh luận thẳng thắn, tập trung vào những vấn đề cử tri quan tâm. Một điểm nhấn nữa là Quốc hội và Chính phủ thống nhất cao trong việc đánh giá tình hình mọi mặt của đất nước, thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, bất cập của nền kinh tế cũng như phương hướng, giải pháp khắc phục.
Tại buổi tiếp xúc, Phó Thủ tướng cũng đã dành nhiều thời gian thông tin với cử tri về tình hình quốc tế và công tác đối ngoại của đất nước trong thời gian vừa qua. Đề cập đến tình hình quốc tế, Phó Thủ tướng cho rằng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và nhu cầu cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu, khu vực buộc các nước phải tăng cường hợp tác. Xu thế toàn cầu hóa và liên kết kinh tế, nhất là liên kết khu vực được đẩy mạnh, thể hiện ở việc hình thành nhiều liên kết khu vực mới, trong đó châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đi đầu, chiếm 58% trong tổng số 350 Hiệp định thương mại tự do được ký kết. Trào lưu dân túy, dân tộc chủ nghĩa, bảo hộ thương mại đang nổi lên ở nhiều khu vực, quốc gia trên thế giới, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những thay đổi sâu sắc về kinh tế-xã hội, chính trị, an ninh…, đặc biệt phức tạp hơn, da dạng hơn, nhất là dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với các cử tri Thái Nguyên. |
Theo Phó Thủ tướng, nhìn từ góc độ chiến lược, chúng ta đang sống trong một thế giới với những thay đổi, chuyển động vô cùng nhanh chóng. Trong bối cảnh đó công tác đối ngoại đã được triển khai một cách chủ động, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm và đạt được nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt năm 2017 được Lãnh đạo Đảng và nhà nước đánh giá là “một trong những năm thành công nhất”. Phó Thủ tướng cho rằng thành công của công tác đối ngoại có thể nhìn nhận ở 4 khía cạnh:
Thứ nhất, ngoại giao đa phương có bước chuyển lớn về chất, đặc biệt trên phương diện “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, thể hiện rõ nét trong quá trình Việt Nam làm chủ nhà APEC năm 2017. Sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế cùng sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và trong nước tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh là một trong những minh chứng rõ nét về sức hấp dẫn của Năm APEC tại Việt Nam. Quan trọng hơn, APEC tái khẳng định vai trò là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu của khu vực với các mục tiêu của APEC là tự do thương mại, thuận lợi hóa đầu tư và tăng trưởng trong khu vực, qua đó cho thấy vai trò điều phối dẫn dắt của nước chủ nhà Việt Nam, tiếp thêm sức sống mới cho liên kết và hội nhập khu vực, đồng thời làm nổi bật vị thế và uy tín của Việt Nam ở tầm vóc toàn cầu.
Thứ hai, Việt Nam không những vẫn giữ được đà quan hệ với các đối tác ưu tiên, quan trọng mà còn tạo thêm những bước tiến mới về chất. Trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã thực hiện 28 chuyến thăm đến các nước đồng thời đón 39 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước đến thăm Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian ngắn kỷ lục, Việt Nam đã đón các nhà lãnh đạo của hầu hết các nước lớn, quan trọng đến thăm như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Pháp… và lãnh đạo các nước láng giềng, bạn bè truyền thống. Với việc nâng cấp quan hệ với Australia lên tầm đối tác chiến lược, cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 quốc gia, trong đó 2/3 số đối tác chiến lược được thiết lập sau Đại hội Đảng lần thứ XI, và đối tác toàn diện với 11 quốc gia.
Thứ ba, Việt Nam đã đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, góp phần tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển và an ninh của đất nước. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán 16 FTA song phương-tỷ lệ khá cao so với các nước trong khu vực. Trong ASEAN, Việt Nam và Singapore là những nước có tỷ lệ thực hiện các biện pháp xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN cao nhất, lên tới 93,5% so với mức trung bình của các nước ASEAN là 90,5%.
Thứ tư, công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ngăn ngừa xung đột, bảo vệ đất nước từ xa, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhất là an ninh chủ quyền biển đảo.
Cử tri trao đổi với đoàn đại biểu Quốc hội Thái Nguyên. |
Cũng trong buổi tiếp xúc cử tri, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã lắng nghe, tiếp thu và giải đáp các băn khoăn của cử tri liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và nhất là những ý kiến của cử tri kiến nghị Đảng, Nhà nước dành nhiều hơn nữa để đầu tư cho y tế và giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học trong bối cảnh phát triển nền kinh tế tri thức
Về dự án Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đổi mới, dân chủ, đối thoại thẳng thắn, trách nhiệm, chân tình trong hoạt động của Quốc hội, của Chính phủ, đặc biệt là tinh thần lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri, nhân dân. Và việc chưa thông qua Luật về đặc khu tại kỳ họp này cũng thể hiện trách nhiệm trước nhân dân, lắng nghe thêm ý kiến của nhân dân để hoàn thiện Luật.
Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giải thích để mọi người dân có đầy đủ thông tin và hiểu rõ hơn.