Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese trao đổi tuyên bố về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện, tại thủ đô Canberra ngày 7/3. (Ảnh:Tuấn Anh) |
Việt Nam có một năm 2023 đầy sôi động, với nhiều thành công, dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực, trong đó có đối ngoại, ngoại giao. Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 ngày 19/12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, từ sau Đại hội XIII, nổi bật là năm 2023, đối ngoại, ngoại giao đã “đạt được nhiều kết quả quan trọng có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước”. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế và thành tựu là nền tảng vững chắc để đối ngoại, ngoại giao tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc năm 2024 và những năm tiếp theo.
Năm 2024, năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội XIV của Đảng. Thời cơ, thuận lợi lớn nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức và áp lực. Thế giới đứng trước thời điểm bước ngoặt, dịch chuyển nhanh hơn sang cục diện mới, với những diễn biến phức tạp, bất ngờ, chưa có tiền lệ. Xung đột ở Ukraine, Dải Gaza và các điểm nóng tiềm ẩn trên nhiều khu vực, như những “hố đen” có thể hút mọi nguồn lực, nỗ lực quốc tế, lôi kéo các quốc gia vào vòng xoáy ngờ vực, cạnh tranh, đối đầu căng thẳng; thế giới trở nên bất định, bất trắc, chia rẽ; nền kinh tế bị phân mảnh, chính trị hóa.
Yêu cầu đặt ra cho đối ngoại, ngoại giao là phải chuyển hóa áp lực thành động lực, phát huy thành tựu năm 2023, nâng lên tầm cao mới. Trong bối cảnh đó, sáu tháng đầu năm 2024, đối ngoại, ngoại giao đã tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, những bài học kinh nghiệm và định hướng trong Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật trên các lĩnh vực.
Một là, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của ngoại giao kinh tế, kiến tạo cơ hội mới để phát triển đất nước. Chiều tối 2/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024. Chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng, báo cáo của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và thực tiễn ngoại giao kinh tế thể hiện nổi bật các kết quả đạt được.
Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện, đồng bộ, đi vào chiều sâu thực chất, vừa phát huy, vừa làm mới, nâng cao hiệu quả các lĩnh vực, động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Đồng thời, nắm bắt xu thế phát triển, thúc đẩy tìm kiếm các động lực phát triển mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; mở ra hướng đi mới, khai thác lĩnh vực mới mang tính đột phá (công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, hydrogen…), các thị trường mới nhiều tiềm năng, phát triển ngành Halal. Kết quả đạt được bước đầu, nhưng hứa hẹn tạo ra những cơ hội mới để phát triển đất nước.
Điểm nổi bật của năm 2023 tiếp tục được phát huy trong sáu tháng đầu năm 2024 là nội dung kinh tế giữ vai trò trọng tâm trong các hoạt động đối ngoại, ngoại giao cấp cao. Việc củng cố, nâng cấp, nâng tầm quan hệ ngoại giao, nhất là với các đối tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy mở rộng, đưa hợp tác kinh tế phát triển vào chiều sâu, thiết thực, gắn với các cam kết, thỏa thuận, dự án, sản phẩm cụ thể, thu hút nguồn tài chính, đầu tư; với nhiều nội hàm quan trọng, phù hợp với xu thế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, khoa học công nghệ, bán dẫn, ODA thế hệ mới…
Ngoại giao kinh tế chủ động, tích cực làm cầu nối hỗ trợ, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ “nút thắt”, rào cản thương mại, khôi phục, mở rộng thị trường, tìm kiếm hướng đi mới, xây dựng, phát triển, bảo hộ thương hiệu…, cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp; khắc phục đứt gãy trong chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu. Qua đó, ngoại giao kinh tế đóng góp trực tiếp, quan trọng vào các kết quả tích cực của kinh tế đối ngoại và hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế; duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Phiên họp cấp cao Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ngày 26/2 tại Geneva, Thụy Sỹ. (Ảnh: Nhất Phong) |
Hai là, tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ ngoại giao cả song phương và đa phương. Hoạt động đối ngoại, ngoại giao, nhất là ở cấp cao diễn ra sôi động trên các châu lục, tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos 2024, Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) 2024… Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tại các tổ chức quốc tế, khu vực như Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, UNESCO, ASEAN…; đóng góp tích cực, có trách nhiệm giải quyết các thách thức toàn cầu: chống biến đổi khí hậu, cứu hộ, cứu nạn, gìn giữ hòa bình ở châu Phi…
Việt Nam tổ chức thành công nhiều chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và đón nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao nhiều nước đến Việt Nam, làm sâu sắc hơn quan hệ cả về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, an ninh…; tiếp tục đưa quan hệ với các nước, nhất là các đối tác chiến lược toàn diện, nước láng giềng, đi vào chiều sâu ổn định, bền vững.
Xung đột leo thang khiến thế giới chia rẽ sâu sắc, đặt Việt Nam trước những tình huống phức tạp, nhạy cảm. Cục diện, vị thế mới của đất nước và chính sách đối ngoại năng động, cân bằng, linh hoạt, khôn khéo, giúp Việt Nam khai thác tốt điểm đồng, hóa giải khác biệt, vấn đề nảy sinh, đặc biệt là với các nước lớn, các nước láng giềng.
Việc củng cố, mở rộng, nâng cấp, nâng tầm quan hệ, cả trên bình diện đa phương và song phương tạo ra cục diện đối ngoại rộng mở, toàn diện, vững chắc, khẳng định tầm vóc, vị thế đất nước trên trường quốc tế. Kết quả quan trọng nhất là giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, tiếp tục phát huy ngoại giao văn hóa, đưa Việt Nam đến với thế giới, thu hút thế giới về Việt Nam. Truyền thống dân tộc, bản sắc văn hóa “nền tảng tinh thần” tiếp tục được lan tỏa trong quan hệ quốc tế, là cội nguồn sức mạnh, phương cách hữu hiệu đi từ trái tim đến trái tim, chinh phục đối tác, định vị bền vững Việt Nam trong lòng bạn bè. Sáu tháng đầu năm 2024, nhiều sự kiện văn hóa quốc tế được tổ chức ở Việt Nam và sự kiện văn hóa Việt Nam được tổ chức ở nước ngoài; di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tiếp tục tôn vinh trên thế giới; tiếng Việt được đưa vào giảng dạy trong một số trường đại học, trở thành ngôn ngữ chính thức của một số địa phương ở nước ngoài.
Văn hóa Việt Nam vừa giữ vững bản sắc, vừa làm giàu bằng cách tiếp nhận chọn lọc các thành tố văn hóa từ bên ngoài, “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Thông qua ngoại giao văn hóa, khắc họa, lan tỏa hình ảnh, thông điệp về đất nước, con người Việt Nam với truyền thống nhân văn, nhân ái, vị tha, yêu hòa bình, giàu bản sắc, đầy sức sống, củng cố lòng tin, góp phần đưa Việt Nam đến với thế giới và thu hút thế giới về Việt Nam.
Trong chuyến thăm Việt Nam và làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ngày 25/4, bà Simonaa-Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO khẳng định, Việt Nam là đối tác chiến lược tin cậy, trách nhiệm của UNESCO; một trong những nước đi đầu trong việc triển khai các hoạt động của UNESCO, luôn nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của bạn bè quốc tế.
Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO được vinh danh tại Chương trình Vinh quang Việt Nam. |
Ngày 11/6, Việt Nam được bầu với số phiếu cao, làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Như vậy, Việt Nam đã tham gia sáu cơ chế then chốt của UNESCO; trực tiếp đóng góp vào quá trình điều hành xây dựng, thông qua các quyết định quan trọng của UNESCO.
Kết quả trên là minh chứng sinh động cho thành công của ngoại giao văn hóa Việt Nam; sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với đường lối, chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế chủ động, toàn diện, sâu rộng nói chung, Chiến lược ngoại giao văn hóa nói riêng của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Bốn là, đẩy mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài, gắn kết người Việt xa xứ với quê hương, thu hút kiều bào chung tay phát triển đất nước. Năm 2024 đánh dấu 20 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và “Hội nghị Diên Hồng” dành cho người Việt ở nước ngoài lần thứ tư diễn ra vào tháng Tám, nhằm “chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”.
Đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có vai trò “hai trong một”, vừa là nội lực (cả về vật chất, tri thức, tinh thần cố kết, hướng về cội nguồn) vừa là nguồn ngoại lực quan trọng, cầu nối hữu hiệu giữa nội lực và ngoại lực.
Việc tổ chức các sự kiện trên và các hoạt động thường xuyên khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm lớn đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, thu hút nguồn lực vật chất và tinh thần của kiều bào đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; giữ gìn, phát huy truyền thống cố kết Lạc Hồng, thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Kiều bào cùng Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 |
Trong sáu tháng đầu năm 2024, đối ngoại, ngoại giao triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, kế thừa, phát huy các thành tựu, kết quả những năm qua, nhất là năm 2023, tiếp tục phát triển lên tầm cao mới. Kết quả đó do nhiều nguyên nhân.
Trước hết và quyết định là đường lối đối ngoại đúng đắn; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; giữa các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chuyên trách, nòng cốt, kiêm nhiệm và rộng rãi, trong một chiến lược tổng thể, kế hoạch thống nhất.
Trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”, thấm nhuần tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, là nền tảng phát huy sức mạnh bền bỉ, vững vàng trước mọi giông tố, lan tỏa giá trị, hình ảnh Việt Nam tin cậy, thân thiện, ngày càng được bạn bè, đối tác quan tâm, đánh giá cao.
Bộ Ngoại giao đã tích cực, chủ động, làm nòng cốt trong tổ chức triển khai thực hiện; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo và tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước chủ trương, đối sách, giải pháp linh hoạt, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ về chiến lược.
Đối ngoại, ngoại giao trải qua nhiều giai đoạn, thời điểm khác nhau, không thể tách rời trong một hành trình thống nhất, đồng hành cùng đất nước. Mỗi dấu mốc, sự kiện là sự kết nối lịch sử với nỗ lực hiện tại và tương tác với tương lai. Sáu tháng là một “lát cắt” quy ước để phấn đấu thực hiện, nhìn nhận và rút bài học cho chặng đường tiếp theo.
Bài học quan trọng nhất, như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước ngày 2/4: “Đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong sách lược, thống nhất trong nhận thức và hành động; cơ hội phải nắm bắt, vướng mắc phải tháo gỡ, giải pháp phải đột phá, triển khai phải quyết liệt, hiệu quả...”.
Trong sáu tháng qua, đối ngoại, ngoại giao đã nỗ lực đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo đà, tạo cơ sở để phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ cả năm. Thời gian tới, đối ngoại, ngoại giao cần phát huy kết quả, thành tựu; không thỏa mãn, dừng lại, nỗ lực khắc phục tồn tại, hạn chế; quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” và xứng đáng hơn nữa với vai trò tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.