📞

Công tác ngoại vụ địa phương: Nhiều dấu ấn đặc sắc

Trần Liễu 08:00 | 25/01/2023
“Ngay sau khi mở cửa, chúng tôi đã rất nhanh chóng “lên dây cót”, tăng tốc để thích ứng với tình hình mới, các cán bộ của Cục Ngoại vụ đã làm việc rất chăm chỉ, nghiêm túc và nhiệt huyết gấp nhiều lần”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Như Hiếu, Quyền Cục trưởng Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao với Báo TG&VN về công tác ngoại vụ địa phương 2022 và định hướng 2023.
Hội nghị Gặp gỡ Thanh Hóa-Hàn Quốc, một trong những hoạt động có sự tham gia của Cục Ngoại vụ, là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hai bên tìm hiểu, nghiên cứu liên kết hợp tác, hướng tới mục tiêu hội tụ nguồn lực, đẩy nhanh phục hồi và phát triển bền vững tại tỉnh Thanh Hóa, ngày 25/3/2022. (Ảnh: Tuấn Anh)

Với nhiệm vụ ngoại giao phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, công việc chuyên môn của đơn vị có sự thay đổi như thế nào so với những năm trước?

Triển khai tích cực, hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 và bám sát khung định hướng công tác đối ngoại địa phương và hội nhập quốc tế trong giai đoạn sau Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 (tháng 12/2021), chúng tôi tự hào nhận thấy công tác đối ngoại địa phương năm 2022 đã ghi nhiều dấu ấn đặc sắc, góp phần giúp địa phương hội tụ nguồn lực phục vụ các mục tiêu phục hồi kinh tế-xã hội và phát triển bền vững. Là đơn vị thường trực của Bộ Ngoại giao về công tác đối ngoại địa phương, công tác chuyên môn của Cục Ngoại vụ có nhiều sự biến chuyển lớn trong năm qua.

Về mặt nội dung, với trọng tâm ngoại giao phục hồi phát triển, chúng tôi cố gắng thiết kế chương trình hoạt động hướng vào chủ đề mang tính thời sự, phản ánh dòng chảy của thời đại mà mỗi quốc gia, địa phương và doanh nghiệp đều không thể đặt ngoài lề như tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn… Hội nghị gặp gỡ Thanh Hóa-Hàn Quốc (ngày 24-25/3) với chủ đề “Hội tụ nguồn lực, đẩy nhanh phục hồi và phát triển bền vững” đã mở màn một năm “xanh hóa từ ý tưởng đến hành động” trong triển khai công tác của Cục.

Sau đó, chúng tôi tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam lần thứ hai (TP. Hồ Chí Minh, ngày 8/4) với chủ đề “Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”. Dịp cuối năm, cũng ở Thành phố mang tên Bác, Cục cùng Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Diễn đàn-Triển lãm Kinh tế xanh (ngày 28-30/11); hay Tọa đàm Nâng cao năng lực phát triển điện gió ngoài khơi (Hà Nội, ngày 30/11)… Có thể nói, trong quá trình này đã có sự chuyển dịch lớn về nội dung so với các năm trước, nhất là thời điểm trước đại dịch. Nội dung các sự kiện đã được cụ thể hóa và đi vào chiều sâu hơn, đáp ứng yêu cầu của địa phương.

Với công tác bồi dưỡng cán bộ ngoại vụ, chúng tôi cũng đổi mới, bằng việc đưa vào các chuyên đề mới như “Xây dựng thương hiệu địa phương trong đối ngoại”, “Ngoại giao phục vụ phát triển”… góp phần nâng cao năng lực tham mưu của cán bộ trực tiếp làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế ở địa phương. Trong các văn bản tham mưu, hướng dẫn địa phương, Cục cũng đề xuất các nội dung hợp tác mới đang là xu hướng nổi trội trên thế giới.

Về mặt hình thức, bên cạnh tổ chức sự kiện trực tiếp, chúng tôi tiếp tục tận dụng nền tảng trực tuyến để tăng độ lan tỏa. Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển thu hút gần 500 đại biểu trực tiếp và hơn 35 nghìn lượt theo dõi cùng 1 triệu lượt tương tác trên nền tảng số là một minh chứng.

Đặc biệt, chúng tôi cũng lên ý tưởng lần đầu tiên tổ chức các đoàn khách quốc tế về với địa phương gắn với ngoại giao di sản (Ninh Bình), quảng bá sản phẩm đặc trưng như vải thiều Hải Dương, nhãn lồng Hưng Yên… Việc Ninh Bình đề nghị Bộ Ngoại giao hỗ trợ kết nối quốc tế nhiều lần trong năm qua là sự động viên và tin tưởng rất lớn của địa phương dành cho chúng tôi.

Ngay sau khi mở cửa, các cán bộ đã có sự bứt tốc như thế nào để thích ứng tình hình mới?

Đối với cán bộ của Cục Ngoại vụ, thời điểm năm 2020, 2021 khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn, đứt gẫy chương trình hoạt động vốn luôn sôi động, dày đặc của Cục, không phải là lúc chúng tôi “ngủ đông”. Bối cảnh đại dịch mở ra cho chúng tôi không gian và thời gian để tư duy chiến lược, chính sách và tham mưu cho Lãnh đạo Bộ, đợi ngày “trở lại”. Do đó, ngay sau khi mở cửa, chúng tôi đã rất nhanh chóng “lên dây cót”, tăng tốc để thích ứng với tình hình mới, đưa các nghiên cứu, ý tưởng vào triển khai ngay lập tức. Có thể nói, các cán bộ của Cục Ngoại vụ đã làm việc rất chăm chỉ, nghiêm túc và nhiệt huyết gấp nhiều lần trong năm vừa rồi.

Cục đã tổ chức hơn 20 nhóm task force để phục vụ các sự kiện trên. Đây là điểm mới nhằm tập hợp lực lượng tinh nhuệ, có kinh nghiệm và đầy đủ năng lực để xử lý tình huống; đồng thời đào tạo cán bộ trẻ, triển vọng, từng bước thực tập công tác quản lý, điều hành.

Từ ngày 15/3, chúng tôi liên tục xử lý những kiến nghị của các địa phương về việc tổ chức các đoàn phát sinh đi xúc tiến đầu tư, thương mại ở nước ngoài (gần 150 đoàn ra ngoài kế hoạch), hỗ trợ đoàn ra được phê duyệt (gần 50 đoàn), ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác quốc tế (góp ý gần 100 văn bản)… Cán bộ Cục Ngoại vụ cũng đã phục vụ 80 chuyến công tác của Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ thăm, làm việc tại 44 địa phương, lan tỏa tinh thần đồng hành, hỗ trợ của Bộ Ngoại giao đến mọi miền đất nước.

Tại thời điểm này, chúng tôi cũng đã hoàn tất việc trao đổi với các đối tác về chương trình làm việc năm 2023 và hứa hẹn năm sau sẽ tiếp tục là một năm hoạt động “không ngừng nghỉ”. Chúng tôi vui mừng thông báo rằng “Chương trình quảng bá địa phương tại nước ngoài” (VPR) của Cục Ngoại vụ trở lại với diện mạo mới trong năm 2023 để đưa một số địa phương sang các đối tác quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới, thực chất như công nghệ số, công nghệ xanh, thành phố thông minh…

Là người trực tiếp triển khai công tác ngoại vụ địa phương, chắc hẳn ông có nhiều niềm vui cũng như trăn trở với thực tiễn công việc, nhân ngày đầu Xuân, ông có thể “trải lòng” với độc giả Báo TG&VN về điều này?

Nếu nói đối ngoại là lực lượng tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước thì chúng tôi luôn trăn trở phải làm sao để trở thành lực lượng xung kích, đồng hành, hỗ trợ địa phương hiệu quả nhất. Xung kích nghĩa là chủ động, khai phá, đi đầu. Đối với Cục Ngoại vụ, không chỉ khi địa phương cần, chúng tôi mới có mặt. Chúng tôi luôn chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất các nội dung và hình thức triển khai đối ngoại mới, dù là trong các buổi làm việc trao đổi chính thức, tại cuộc gặp bên lề các sự kiện hay chỉ qua trao đổi trên điện thoại. Khi làm việc với đối tác nước ngoài, chúng tôi cũng cố gắng đề xuất các địa phương phù hợp, tiềm năng, làm cơ sở để hợp tác và cùng thắng.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng địa phương nắm bắt tốt các xu thế, diễn biến của tình hình trong và ngoài nước, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của Đảng vào điều kiện đặc thù của từng địa phương, trên cơ sở đó có kế hoạch, đề án cụ thể với từng lĩnh vực đối ngoại, trong quan hệ với từng đối tác. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục mở ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm đối tác và hướng đi mới hiệu quả cao hơn, mang lại kết quả thiết thực hơn cho địa phương.

Với triết lý đồng hành, hỗ trợ và phục vụ, chúng tôi xem thành công của địa phương là niềm vui của chính mình. Năm 2022 có nhiều khởi sắc so với các năm trước đó nhưng chúng tôi kỳ vọng thành công hơn nữa trong những năm tiếp, nhất là trong bối cảnh nước rút hiện thực hóa các mục tiêu đề ra tại Đại hội XIII của Đảng.

Nhân dịp đầu Xuân năm mới, xin nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam: “Mọi việc thành công bởi chữ Đồng”. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng quán triệt: “Đối ngoại địa phương chỉ có thể phát huy tốt vai trò khi có sự ủng hộ và đồng thuận của các cấp chính quyền, các ban, sở, ngành tại địa phương cũng như sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan Trung ương”. Một Năm mới, thắng lợi mới sẽ được xây đắp bởi nỗ lực chung của chúng ta, của Bộ Ngoại giao và các địa phương. Trong niềm hy vọng ấy, Cục Ngoại vụ cam kết sẽ là người mở đường, đồng hành tin cậy trên hành trình khơi dậy khát vọng phát triển của địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

(thực hiện)