Tại sự kiện, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã thông tin đến báo chí tình hình cộng đồng NVNONN năm 2021.
Theo đó, cộng đồng NVNONN hiện có khoảng 5,3 triệu người, sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2021, cộng đồng tiếp tục chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng bà con đã có nhiều nỗ lực nhằm thích ứng và phục hồi cuộc sống, công việc, học tập ở sở tại, đồng thời hoạt động thiết thực đóng góp cho đất nước.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN phát biểu tại sự kiện. (Nguồn: BTC) |
Những vấn đề trọng tâm
Năm qua, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng NVNONN trong xã hội sở tại tiếp tục được củng cố và tăng cường. Kiều bào ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cả về nguồn lực kinh tế, nguồn lực tri thức và nguồn lực mềm, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Đáng chú ý, kiều bào đã quyên góp số tiền lên tới hơn 80 tỷ đồng, cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế ủng hộ Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 và công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở trong nước. Nhiều kiều bào tích cực hợp tác chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch với trong nước, thậm chí dành cả cơ sở vật chất của mình ở Việt Nam phục vụ chống dịch, tình nguyện về nước tham gia tuyến đầu chống dịch.
Mặc dù chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, nhưng lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 vẫn tăng 5,2% so với năm 2020 - ước đạt 18,1 tỷ USD (theo Ngân hàng Thế giới).
Nhiều chuyên gia, trí thức Việt Nam đã tập hợp, thành lập các Mạng lưới Đổi mới sáng tạo ở sở tại và đẩy mạnh hoạt động về trong nước như Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia , châu Âu... Bên cạnh đó, một số hội nhóm được thành lập như Liên hiệp các Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại châu Âu; Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ.
Cộng đồng NVNONN ngày càng tin tưởng và thể hiện rõ mong muốn được đồng hành, đóng góp vào vào sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, kiều bào hoan nghênh và đánh giá cao việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 về công tác NVNONN trong tình hình mới, đông thời cho rằng những nội dung trong Kết luận đã phản ánh đúng và trúng những nguyện vọng và mong muốn của bà con.
Tuy nhiên, cuộc sống của một bộ phận bà con vẫn gặp khó khăn, địa vị pháp lý chưa vững chắc. Tình hình phạm tội trong cộng đồng NVNONN tại một số địa bàn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới hình ảnh Việt Nam ở sở tại.
Mặc dù các cuộc biểu tình trực tiếp của các tổ chức, cá nhân phản động, cực đoan NVNONN bị thu hẹp về quy mô và tầm ảnh hưởng, nhưng những đối tượng này lại gia tăng hoạt động trực tuyến, tăng cường lợi dụng những vấn đề “nóng, bất cập” ở trong nước, nhất là vấn đề dân chủ, nhân quyền, một số vấn đề lịch sử để tập hợp lực lượng hoặc vận động chính quyền sở tại gây sức ép cho Việt Nam.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cũng cho biết, trong năm 2021, công tác NVNONN của Ủy ban đã được triển khai toàn diện và mạnh mẽ theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, đạt nhiều kết quả nổi bật.
Toàn cảnh chương trình. (Nguồn: BTC) |
Nhằm triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác NVNONN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, năm 2022, Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ tập trung triển khai hai đột phá là công tác đại đoàn kết dân tộc đối với NVNONN và phát huy nguồn lực kiều bào, phục vụ phát triển đất nước.
Ngoài ra, Ủy ban sẽ triển khai 7 trọng tâm: Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về công tác NVNONN giai đoạn 2021–2026 và Chương trình hành động của Bộ Ngoại giao thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về công tác NVNONN giai đoạn 2021–2026; tăng cường đại đoàn kết dân tộc; phát huy nguồn lực NVNONN phục vụ phát triển đất nước; hỗ trợ bà con về địa vị pháp lý và ổn định cuộc sống; hỗ trợ cộng đồng trong việc dạy và học tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; tăng cường công tác thông tin đối với NVNONN; tiếp tục tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong và ngoài nước, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác NVNONN.
Xuân Quê hương "đến hẹn lại lên"
Như thông lệ, chương trình Xuân Quê hương tiếp tục là hoạt động chính trị, đối ngoại, văn hóa lớn nhất đầu năm mới 2022 nhằm kết nối kiều bào với trong nước. Đây cũng là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của kiều bào và vinh danh các tập thể, cá nhân kiều bào có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hai năm qua, nhiều kiều bào không có điều kiện và cơ hội về thăm gia đình, quê hương. Do đó, việc tổ chức chương trình sẽ thể hiện tình cảm sâu sắc và sự quan tâm, chăm lo dành cho kiều bào, theo đúng tinh thần của Kết luận số 12-KL/T Bộ Chính trị ban hành ngày 12/8/2021 về công tác NVNONN trong tình hình mới.
Theo Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Xuân Quê hương năm 2022 bao gồm các hoạt động phong phú, mang tính truyền thống như dâng hương, thả cá; hoạt động tri ân-viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; gặp gỡ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; chương trình giao lưu nghệ thuật. Dự kiến, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu chúc Tết cộng đồng và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài trong chương trình.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lương Thanh Nghị cũng cho biết, dự kiến có khoảng 300 kiều bào tham dự trực tiếp tại Nhà hát lớn Hà Nội, trong đó có khoảng 100 kiều bào tiêu biểu, là các nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân, thanh niên và các cá nhân có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực như văn hóa nghệ thuật, khoa học-công nghệ.
Rộn ràng sắc Xuân tại Chương trình nghệ thuật Xuân Quê hương 2021. (Ảnh: Lê An) |
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, với mong muốn đóng góp vào các nỗ lực duy trì phát triển và hướng tới phục hồi của từng địa phương, Chương trình Xuân Quê hương năm nay còn có sự tham gia của tỉnh Vĩnh Phúc với hoạt động giới thiệu, xúc tiến đầu tư-thương mại tại tỉnh với đoàn kiều bào tiêu biểu.
Đây là cơ hội để bà con kiều bào tăng cường hiểu biết về tình hình phát triển tại một địa phương tiềm năng, từ đó đẩy mạnh thu hút kiều bào đầu tư, khuyến khích kiều bào đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương, quê hương, đất nước.
Đáng chú ý, chương trình giao lưu nghệ thuật Xuân Quê hương năm nay có sự đổi mới, kết hợp hài hòa, thú vị giữa nhiều yếu tố âm nhạc truyền thống và âm nhạc hiện đại với sự góp mặt của nhiều gương mặt nghệ sĩ gốc Việt tiêu biểu và nghệ sĩ trong nước.
Với nội dung đa dạng về loại hình, thể loại, các tiết mục biểu diễn hứa hẹn thể hiện rõ nét sự phát triển của âm nhạc, nghệ thuật Việt Nam, hài hòa trong gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Chương trình sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến vào 20 giờ, ngày 22/1 (tức ngày 20 tháng Chạp Âm lịch), tại Nhà hát lớn Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam.