Nếu coi năm 2022 là năm “khởi động” những hướng công tác triển khai KL12 và NQ169 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) giai đoạn 2021-2026, thì 2023 là năm cần “tăng tốc” triển khai thực hiện những biện pháp cụ thể. Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu trả lời phỏng vấn Báo TG&VN về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. |
Trong chương trình thăm, làm việc tại San Francisco, tiểu bang California (Hoa Kỳ), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp những người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu, có đóng góp với đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn Covid-19, cùng một số du học sinh, ngày 17/5/2022. (Nguồn: TTXVN) |
Một năm với nhiều hoạt động sôi nổi triển khai thực hiện Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã mang lại những kết quả nổi bật gì, thưa Thứ trưởng? Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong tình hình mới (KL12) và Nghị quyết 169-NQ/CP của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác NVNONN giai đoạn 2021-2026 (NQ169). Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao, đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai mọi mặt công tác, tạo được sự chuyển biến trên nhiều mặt, tăng cường sự gắn bó giữa kiều bào với quê hương, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ nhất, công tác nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị chính sách được chú trọng, bám sát với tình hình mới, đạt những kết quả nổi bật. Tháng 6/2022, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai KL12 và NQ169 về công tác NVNONN trong tình hình mới. Hội nghị có sự tham dự của đại diện các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước; các cơ quan, tổ chức trong nước; các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (CQĐD); Hội liên lạc với NVNONN, đại diện một số doanh nhân, trí thức kiều bào… Hội nghị nhằm tăng cường nhận thức và tạo sự thống nhất về hành động giữa các cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia công tác NVNONN, quán triệt sâu rộng tới các địa phương trên cả nước, bảo đảm tổ chức thực hiện hiệu quả công tác NVNONN trong tình hình mới. Trong công tác giữ gìn và phát huy tiếng Việt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023-2030, nhằm tôn vinh sự giàu đẹp của tiếng Việt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc đối với kiều bào và bạn bè quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ; thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, qua đó giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc. Nhằm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của công tác NVNONN, Bộ Ngoại giao đã xây dựng, hoàn thiện các chương trình về tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực của NVNONN trong tình hình mới, chăm lo cho kiều bào ở các địa bàn khó khăn như củng cố địa vị pháp lý, hỗ trợ năng lực hội nhập vào xã hội sở tại. Thứ hai, công tác đại đoàn kết, vận động, thu hút nguồn lực NVNONN tiếp tục được chú trọng. Nhờ đó, ngày càng nhiều kiều bào tham gia đóng góp nguồn lực kinh tế, nguồn lực tri thức và nguồn lực “mềm” cho quê hương, đất nước. Trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức, thăm cấp Nhà nước của Lãnh đạo Cấp cao, bà con ta có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với Lãnh đạo Cấp cao về tình hình đất nước, tình hình cộng đồng, cũng như những tâm tư, nguyện vọng của kiều bào. Những buổi gặp gỡ thân mật này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với đồng bào sống xa Tổ quốc, là nguồn động viên tinh thần vô cùng to lớn đối với bà con. Năm vừa qua, Bộ Ngoại giao tiếp tục tổ chức các chương trình thường niên dành cho kiều bào như Xuân Quê hương (tháng 1/2022), Lễ Giỗ tổ Hùng Vương (tháng 4/2022), Đoàn kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 (tháng 5/2022), Trại hè Việt Nam (tháng 7/2022). Từ nhiều năm nay, những chương trình này đã trở thành thương hiệu, thu hút sự quan tâm và tham gia tích cực của đông đảo NVNONN, trong đó có cả thế hệ kiều bào trẻ. Qua đó, góp phần khơi dậy mạnh mẽ và nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, nâng cao tình cảm và trách nhiệm của kiều bào đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động kết nối, thu hút nguồn lực kiều bào cũng tích cực được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, gia tăng về số lượng, mở rộng về quy mô, góp phần tăng cường củng cố niềm tin và tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy trao đổi hợp tác với trong nước. Đồng thời, Bộ Ngoại giao tích cực hỗ trợ các hội, nhóm kiều bào (như AVSE Global, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu - VinEU, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Nhật Bản - VJOIN, Hội Sinh viên Việt Nam tại Australia, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo tại Australia, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài…) tổ chức các hoạt động tại Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác với trong nước, đóng góp ý kiến cho các vấn đề trong nước quan tâm.
Thứ ba, công tác hỗ trợ cộng đồng NVNONN được triển khai tích cực, kịp thời, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng NVNONN. Đây là một nhiệm vụ quan trọng của công tác NVNONN, góp phần hỗ trợ tích cực kiều bào đang gặp khó khăn. Nhờ sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ở trong và ngoài nước, cùng sự tham gia đóng góp tích cực của các hội đoàn, doanh nghiệp và cá nhân người Việt, công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Ukraine bị ảnh hưởng bởi xung đột đã đạt được những kết quả quan trọng.
Đối với việc hỗ trợ cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác hỗ trợ người gốc Việt di dời, tái định cư gắn với chuyển đổi nghề nghiệp, đảm bảo sinh kế lâu dài, hòa nhập với xã hội sở tại. Bộ Ngoại giao cũng tích cực tổng hợp các ý kiến phản hồi của cộng đồng NVNONN về các văn bản quy phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực như quốc tịch, hộ tịch, nhà ở - đất đai, đầu tư, lao động… hỗ trợ giải đáp thắc mắc của cộng đồng NVNONN về các quy định pháp lý liên quan. Bộ Ngoại giao và các cơ quan quan tâm nghiên cứu, điều chỉnh các quy định pháp luật để bảo đảm tốt hơn quyền lợi của bà con khi về nước thăm thân, đầu tư, kinh doanh. Hiện nay, các cơ quan trong nước đang tập trung sửa đổi Luật đất đai và Luật quốc tịch, hai lĩnh vực có liên quan đến quyền lợi của bà con NVNONN và được cộng đồng rất quan tâm. |
Vậy năm 2023, Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ có những chương trình, hoạt động trọng tâm gì, thưa ông? Nếu coi năm 2022 là năm “khởi động” những hướng công tác triển khai KL12 và NQ169, thì 2023 là năm cần “tăng tốc” triển khai thực hiện những biện pháp cụ thể. Về chủ trương, chính sách, chúng tôi sẽ phối hợp triển khai công tác tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với NVNONN (NQ36). Đây được coi là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện công tác NVNONN. Đến nay, NQ36 vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị, thể hiện trong quan điểm “cộng đồng NVNONN là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” được kế thừa và phát huy trong các văn bản chỉ đạo sau này cũng như trong thực tế triển khai công tác NVNONN. Trên cơ sở đó, việc tổng kết 20 năm thực hiện NQ36 nhằm đánh giá toàn diện về kết quả đã đạt được, những khó khăn, hạn chế; từ đó đề ra những chủ trương, đường hướng trong công tác NVNONN cho phù hợp với tình hình mới của đất nước và tình hình cộng đồng NVNONN.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan rà soát các văn bản pháp luật dành cho NVNONN theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho bà con khi về nước sinh sống, học tập, làm việc, đầu tư…; bổ sung, hoàn thiện những chính sách, biện pháp mới nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực kiều bào; thúc đẩy tiếp thu ý kiến của kiều bào để kiến nghị các chính sách phù hợp. Công tác đại đoàn kết luôn được xác định là nền tảng quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy công tác NVNONN. Trong năm tới, công tác đại đoàn kết sẽ được đẩy mạnh triển khai và nâng cao hiệu quả về các mặt như xác định chủ trương, đề ra các chương trình, đề án cụ thể, và triển khai thực hiện một cách sát sao, hiệu quả. Trong đó, việc gìn giữ và phát huy ngôn ngữ và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong cộng đồng NVNONN tiếp tục được coi trọng nhằm xây dựng môi trường bền vững và thúc đẩy tinh thần yêu nước của NVNONN. Trên cơ sở thành công của NQ36 và chủ trương “kiên trì vận động những kiều bào còn có định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, hành động phù hợp với lợi ích quốc gia-dân tộc” của Đảng và Nhà nước, công tác đại đoàn kết sẽ tiếp tục được chú trọng nhằm bảo đảm tính toàn diện, đa dạng, linh hoạt và phù hợp với từng địa bàn và từng nhóm đối tượng cụ thể. Về hỗ trợ cộng đồng, chúng tôi xác định cần đẩy mạnh các biện pháp tổng thể, lâu dài, đặc biệt ở những địa bàn kiều bào có nhiều khó khăn; hướng dẫn, hỗ trợ về pháp lý, giải quyết các đơn thư, khiếu nại của kiều bào về chính sách pháp luật… Đối với nhóm doanh nhân, trí thức NVNONN, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trong nước, các tổ chức khoa học NVNONN tổ chức các hoạt động nhằm tranh thủ ý kiến đóng góp của kiều bào đối với các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về thu hút, trọng dụng, đãi ngộ đối với chuyên gia, trí thức NVNONN và chính sách thu hút đầu tư, kinh doanh, chuyển giao công nghệ của NVNONN… Chúng tôi cũng tăng cường hơn nữa công tác thông tin với NVNONN, trong đó chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức chuyển tải thông tin, tăng cường hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh, kịp thời phản bác hiệu quả những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các lực lượng phản động, thù địch; hỗ trợ và phát huy hiệu quả các kênh truyền thông của kiều bào.
Ngày 8/9 đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là Ngày Tôn vinh tiếng Việt. Để chủ trương cũng như ý nghĩa cao đẹp của ngày này thực sự lan tỏa trong cộng đồng NVNONN, cần triển khai những giải pháp thiết thực gì? Ngày 3/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023-2030”. Các hoạt động hướng tới Ngày Tôn vinh tiếng Việt sẽ được triển khai thông qua các CQĐD, kết hợp với trong nước, lồng ghép vào các hoạt động của Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan. Để tối ưu hóa hiệu quả, các hoạt động sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, đồng thời phát triển các nền tảng số, mạng xã hội để tạo điều kiện cho NVNONN dễ tìm kiếm và theo dõi.
Đề án tập trung vào các hoạt động cụ thể như tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt vào ngày 8/9 hàng năm, Hội nghị kỷ niệm Ngày Tôn vinh tiếng Việt, Cuộc thi tìm kiếm “Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài”, tổ chức “tri ân”, ghi nhận, động viên các cá nhân, gia đình, tổ chức, hội đoàn có đóng góp tích cực trong phong trào giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng, Chương trình nghệ thuật “Tiếng Việt thân thương”. Tại từng địa bàn, các CQĐD sẽ lồng ghép Chương trình Ngày Tôn vinh tiếng Việt với các hoạt động văn hóa đối ngoại, xây dựng Tủ sách tiếng Việt, thúc đẩy việc đưa tiếng Việt có nội dung quảng bá, giới thiệu văn hóa, truyền thống, đất nước, biển đảo, con người Việt Nam vào các thư viện, cơ sở dữ liệu ở sở tại… Để tổ chức thực hiện Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt một cách bài bản, hiệu quả, Bộ Ngoại giao đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2023 với một số hoạt động cụ thể nhằm thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của cộng đồng NVNONN, giúp tạo bước chuyển quan trọng nâng cao nhận thức, cổ vũ và khuyến khích bà con gìn giữ, phát huy tiếng Việt và văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam. Thực hiện: Bảo Chi | Ảnh: TGVN, TTXVN... | Đồ họa: Lim Dim |