Thế mạnh riêng có
Công ty gia đình là công ty trong đó các thành viên trong một gia đình nắm mức sở hữu đủ để quyết định cơ cấu thành viên hội đồng quản trị. Thông thường, ở công ty gia đình, đại diện của gia đình sẽ nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc và Tổng giám đốc. Các thành viên của gia đình vừa là cổ đông, vừa là người quản lý, điều hành công ty.
Theo ông Phạm Văn Thụ, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Thương mại Thái Sơn (Hải Phòng): Để có được thành công, người thâu tóm quyền lực – người chủ của hệ thống công ty gia đình phải là người có tầm nhìn dài hạn và kiểm soát được hướng đi, cũng như lường trước được nguy cơ của toàn hệ thống.
Có thể thấy điều này từ chính ví dụ của công ty Thái Sơn. Công ty đã đi lên từ mô hình một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, mang tính chất gia đình, sau hành trình hơn 10 năm, từ số vốn ban đầu là 500 triệu đồng và đến nay, con số này đã được nhân lên gấp hàng trăm lần. Từ một cơ sở gia công nhỏ, hiện Công ty đang hoạt động theo mô hình Tập đoàn với 7 công ty/nhà máy thành viên, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như luyện thép, gia công kết cấu thép, đóng tàu và vận tải đường thủy… Ông Thụ là người nắm quyền sở hữu và là người thuyền trưởng lái con tàu Thái Sơn ngày càng vươn ra các thị trường lớn, trong nước và nước ngoài.
Không chỉ vậy, tiết kiệm và cẩn trọng trong chi tiêu chính là thế mạnh của các công ty gia đình bởi họ có được quan hệ ruột thịt – một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ - nên từ đó, họ có được sự hợp tác giữa các đầu mối lãnh đạo mà các mô hình khác không có được.
Nguy cơ tranh giành quyền lực
Cùng với việc đi lên từ người đặt nền móng, kiêm sáng lập viên và kiêm luôn việc quản trị, người đứng đầu một công ty gia đình thường nắm vai trò quyết định toàn bộ các vấn đề lớn, nhỏ của công ty. Khi người sáng lập này qua đời hoặc không thể tiếp tục lãnh đạo hệ thống nữa thì đó chính là lúc một công ty gia đình phải đối phó với nguy cơ tranh giành quyền lực giữa các thành viên.
Lúc này, thay vì sát cánh bên nhau chọn ra hướng đi an toàn cho hệ thống thì các thành viên lại chìm đắm trong chuyện cãi vã để chọn ra người “kế vị ngai vàng”. Khi đó, việc sản xuất kinh doanh – mạch máu của toàn hệ thống bị lơ là và nguy cơ xuống dốc của hệ thống sẽ hiển hiện rõ nét.
Để giải quyết được vấn đề này, các công ty gia đình phải xây dựng được một bộ máy quản trị xứng tầm và tách biệt rõ ràng quyền sở hữu và quyền điều hành công ty. Những người trong hội đồng điều hành công ty sẽ đưa ra các quyết định sáng suốt nhất để có thể giảm thiểu các rủi ro mà không bị người nắm quyền sở hữu chi phối. Những người này phải là những thành viên tận tụy một cách tuyệt đối đối với lợi ích chung của đại gia đình và họ cũng chính là những người sẽ đưa ra một bản “hiến pháp” mà các thành viên khác buộc phải tuân theo…
“Để tăng cường hiệu quả và đảm bảo cho hoạt động của công ty gia đình được phát triển tốt và hạn chế nảy sinh những mâu thuẫn không đáng có – ban quản trị nên có những cuộc họp gia đình định kỳ để tất cả các thành viên có cơ hội bày tỏ ý kiến/sáng kiến của mình” - ông Thụ chia sẻ kinh nghiệm.
Hơn thế nữa, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, một trong những nguyên lý cơ bản để các công ty gia đình có được một hệ thống quản trị có khả năng lãnh đạo công ty đi đến thành công bền vững là sự trung thực, tin tưởng, liêm khiết, hướng đến hiệu quả vận hành chung, trách nhiệm rõ ràng, tôn trọng lẫn nhau...
Quỳnh Giao