📞

Công ty mẹ gặp sóng gió, Quảng Châu Evergrande đến hồi khai tử?

Duy Quang 10:12 | 10/10/2021
Từng được coi là đội bóng thành công nhất Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung, nhưng sau cuộc khủng hoảng nợ nần của tập đoàn chủ quản Evergrande, Câu lạc bộ (CLB) Quảng Châu đang đứng trước vô vàn khó khăn.
CLB Quảng Châu Evergrande ăn mừng chức vô địch Champions League châu Á năm 2015. (Nguồn: AFP)

Trong giai đoạn từ 2010 tới 2020, không có CLB nào trên thế giới có sự thay đổi lớn hơn Quảng Châu Evergrande. Từ việc bắt đầu thập kỷ như một kẻ vô danh, đội bóng đã trở thành “độc cô cầu bại” tại Trung Quốc Super League với tám lần vô địch trong 10 năm, cũng như là một “thế lực” bóng đá ở châu Á, khi hai lần giành chức vô địch Champions League vào các năm 2013 và 2015.

Vinh quang của bóng đá Trung Quốc

Việc Quảng Châu được xếp hạng cao như vậy là điều không ai có thể ngờ. Năm 2011, họ trở lại Trung Quốc Super League sau một năm bị đánh tụt xuống hạng Nhất vì bê bối dàn xếp tỷ số. Đội bóng không có bề dày thành tích gì nổi trội. Khi đó, CLB này có tên là Quảng Châu Apollo.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi nhờ sự xuất hiện của Xu Jiayin, Chủ tịch của tập đoàn bất động sản Evergrande. Cuối tháng 2/2010, ông chính thức nắm quyền điều hành CLB. Ngay cuối năm đó, Quảng Châu vô địch giải hạng Nhất và chính thức lên hạng Super League.

Kể từ khi Evergrande tiếp quản về tài chính, đội bóng liên tục vung tiền để mang về những cầu thủ siêu sao, phần lớn đến từ Nam Mỹ. Đặc biệt hơn, năm 2011, Quảng Châu mang về cầu thủ người Argentina Dario Conca với mức lương 12,5 triệu USD mỗi năm, cao thứ ba thế giới, chỉ sau Cristiano Ronaldo và Lionel Messi.

Ngoài ra, Quảng Châu còn mạnh tay mời về những HLV tên tuổi như Marcelo Lippi, Felipe Scolari hay Fabio Cannavaro.

Năm 2012, CLB đầu tư 1 tỷ NDT (156 triệu USD) để mở trường dạy bóng đá lớn nhất thế giới ở Thanh Viễn. Mục tiêu của đội bóng là “hồi sinh bóng đá Trung Quốc và nuôi dưỡng những ngôi sao tương lai”.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cầu thủ nào tốt nghiệp học viện này và thi đấu cho đội một.

Trong dòng chảy bùng nổ làn sóng đầu tư vào bóng đá đó, Quảng Châu Evergrande cũng trở thành lá cờ đầu thúc đẩy việc nhập tịch các cầu thủ nước ngoài, hòng tạo nên sức mạnh cho đội tuyển quốc gia Trung Quốc, với nhiều cái tên như Elkeson, Aliosio, Alan Carvalho từ Brazil, hay Ty Browning từ Anh.

Tháng 4/2020, Chủ tịch Evergrande Xu Jiayin công bố kế hoạch xây dựng sân vận động mới, với thiết kế hiện đại và cực kỳ ấn tượng của một bông hoa sen. Ông Xu khẳng định: “Sân Evergrande sẽ là biểu tượng mới của thế giới, sánh ngang với nhà hát Opera ở Sydney hay tòa nhà chọc trời Burj Khalifa ở Dubai, và là biểu tượng của bóng đá Trung Quốc trên đấu trường thế giới”.

Đối mặt khó khăn

Đạt được nhiều thành tựu như vậy, nhưng Quảng Châu Evergrande đang phải trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn về tài chính. Một trong những nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Phần còn lại là do tập đoàn bất động sản vào loại lớn nhất của Trung Quốc Evergrande đang trên bờ vực sụp đổ. Tập đoàn này đang mắc nợ hơn 300 tỷ USD, tương đương 2% GDP của Trung Quốc và đã bỏ lỡ khoản thanh toán lãi quan trọng cho các nhà đầu tư vào tháng Chín vừa qua.

Theo Reuters, Evergrande không trả được khoản lãi trái phiếu 47,5 triệu USD cho nhà đầu tư nước ngoài vào ngày 29/9 như hạn định. Hôm 23/9, tập đoàn này cũng không trả được khoản lãi trái phiếu 83,5 triệu USD tương tự.

Hoạt động kinh doanh bết bát của Evergrande làm dấy lên lo ngại rằng, các nhà đầu tư thế giới phải nếm “trái đắng” nếu công ty này sụp đổ. Một số chuyên gia cảnh báo, vụ Evergrande có thể gây ra rủi ro tài chính trên quy mô khổng lồ không chỉ ở trong nước, mà còn có thể lan rộng ra khắp thế giới, giống như cuộc khủng hoảng của công ty Lehman Brothers của Mỹ phá sản năm 2008, mở đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Báo cáo tài chính năm 2019 cho thấy, chi phí hoạt động của CLB Quảng Châu lên đến 500 triệu USD trong khi doanh thu đạt chưa tới 1/3. Trớ trêu ở chỗ, 70% nguồn thu của Quảng Châu chủ yếu các khoản “cho tiền” từ doanh nghiệp chủ quản: là các hợp đồng thương mại và quảng cáo được ký với các công ty con của Evergrande.

Trong khi những nền bóng đá phát triển, đủ chuyên nghiệp và biết cách tự nuôi sống, vẫn có cách để cầm cự vượt qua giông bão, thì Trung Quốc Super League lại không thể bởi sự phát triển thiếu bền vững.

Chính vì thành công dựa vào các cầu thủ ngôi sao nước ngoài nên nền bóng đá Trung Quốc đã không phát triển đúng hướng. Dù các ông lớn liên tục đổ tiền vào các CLB ở Trung Quốc, gấp 10 lần giải K-League của Hàn Quốc và ba lần giải J-League ở Nhật Bản, nhưng đội tuyển quốc gia Trung Quốc vẫn đang bị tụt lại rất xa trên bản đồ bóng đá thế giới.

Do đó, chính phủ đã vào cuộc và đòi hỏi sự thay đổi. Năm 2020, Liên đoàn bóng đá nước này quy định các CLB Trung Quốc phải sử dụng tên trung lập, không gắn tên các nhà tài trợ. Do đó, Quảng Châu Evergrande phải đổi tên thành CLB Quảng Châu.

Giờ đây, khi công ty chủ quản đang gặp những khó khăn nhất định, khiến CLB Quảng Châu đứng trước một tương lai vô định.

Nếu Evergrande không thể vực dậy, nhiều khả năng đội bóng sẽ đứng trước nguy cơ bị giải thể. Nếu chuyện đó xảy ra, nó sẽ là dấu chấm hết cho “câu chuyện cổ tích” mang tên Quảng Châu Evergrande.

(theo Washington Post)